03/10/2015 - 15:50

Người chắp cánh “ngũ cung”

25 năm gắn bó với những cung bậc "hò, xự, xang, xê, cống", từ một y sĩ mê đờn ca, đến nay Trương Huy Hoàng đã trở thành tác giả có uy tín của sân khấu đồng bằng. Ông vừa đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" 2015 do Hội Sân khấu TP Cần Thơ tổ chức.

"Cần Thơ miền đất ấm. Gió phương Nam lồng lộng sắc mây trời. Ta đi thực hiện di chúc Bác Hồ. Cho đất nước mình rạng rỡ vạn lần xuân". Những giai điệu hào sảng mà trữ tình của 32 câu Lưu Thủy Trường bài "Làm theo lời Bác" của tác giả Trương Huy Hoàng, vang lên trong buổi tổng kết cuộc thi cho thấy giải thưởng đến với ông là xứng đáng. Bằng lối viết trữ tình, nhẹ nhàng, Trương Huy Hoàng đã vẽ nên bức tranh Cần Thơ phát triển từng ngày. Cũng tại cuộc thi này, Trương Huy Hoàng còn đoạt giải Ba với bài "Ngời sáng nét nhân văn" và giải Khuyến khích với bài "Học ở Bác Hồ"… Đó là "quả ngọt" sau nhiều năm miệt mài trên từng chữ đờn, nhịp phách của ký âm lòng bản.

 Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ trao giải Nhất cuộc thi Sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2015 cho tác giả Trương Huy Hoàng.

Tác giả Trương Huy Hoàng kể rằng, trước đây ông là y sĩ, công tác tại Trạm Y tế xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, rất mê đờn ca tài tử nhưng không rành về nhạc lý. Ông còn nhớ năm 1990, sau khi học từ các thầy đờn, thầy tuồng và qua sách vở, ông tập viết bài vọng cổ đầu tiên "Lời tâm tình nửa đêm" và đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác bài vọng cổ tỉnh Kiên Giang. Từ đó, ông mày mò học hỏi từ "mỗi người một chút" và tìm thêm sách, báo để trau dồi nhạc lý, ngôn từ. Năm 2000, ông được mời về công tác tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Cái Răng. Sau 12 năm công tác, ông xin "về vườn" để toàn tâm cho công việc sáng tác.

Đồng nghiệp của Trương Huy Hoàng nói đùa rằng, ông "có duyên" với giải thưởng. Gần 100 giải thưởng trong suốt 25 năm qua là gia tài mà ông quý trọng và xem đó là động lực tiếp tục thực hiện đam mê. Đặc biệt, năm 2014, tác phẩm "Chuyện ở Xóm Chài" của ông đoạt giải Khuyến khích Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Từ một y sĩ đến với cổ nhạc bằng chỉ đam mê, ông đã học viết bài bản tài tử, vọng cổ, kịch bản cải lương và gặt hái thành công nhất định. Đến nay, ông đã có 3 kịch bản cải lương dài "Điệp khúc mùa xuân", "Bên bờ sông quê mẹ" và "Chữ tình của người lính". Trong đó, "Chữ tình của người lính" đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tác kịch bản cải lương ĐBSCL 2012. "Gia đình từng can ngăn khi tôi quyết định bỏ mọi công việc, chuyên tâm cho sáng tác. Đến nay thì mọi người đã ủng hộ sau nhiều giải thưởng và sự công nhận từ giới chuyên môn mà tôi đạt được. Tổ nghiệp đã hậu đãi cho tôi rất nhiều!" – tác giả Trương Huy Hoàng tâm sự.

Điều đáng quý ở tác giả Trương Huy Hoàng là ông rất chịu khó học hỏi, quan sát và trải nghiệm cuộc sống. Ông không bao giờ cho phép mình viết vội, viết ẩu mà gửi gắm lòng mình qua từng con chữ. Bởi thế, các tác phẩm của ông dù viết về ông Tư làm từ thiện, người lính biên phòng hay ca ngợi quê hương xứ sở vẫn đầy chất văn, chất nhạc. Có dịp cùng ông đi thực tế sáng tác tại Phú Quốc – Kiên Giang vào giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi ấn tượng bởi ông khá trầm tính, thường chọn một khoảng vắng để ngắm nhìn biển trời rồi tốc ký vào quyển sổ tay nhỏ những cảm xúc của mình.

Tác giả Trương Huy Hoàng tâm sự: "Càng viết, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp của cổ nhạc Nam bộ". Quả vậy, thưởng thức từng tác phẩm của ông, người mộ điệu như cảm nhận cái tình của tác giả qua từng giai điệu, lời ca. Những nghệ sĩ tâm huyết như tác giả Trương Huy Hoàng đã và đang giữ hồn cổ nhạc Nam bộ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết