05/03/2008 - 22:24

Người “chắp cánh” cho gỗ thốt nốt

Bà Neang Soth Thay bên chiếc bàn, chiếc ghế và vách nhà bằng gỗ thốt nốt.

Các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang) là nơi thốt nốt được trồng bạt ngàn, tạo cảnh quan thơ mộng cho khu vực Bảy Núi. Từ xa xưa, người ta chỉ biết khai thác nước thốt nốt để làm thức giải khát, nấu đường, lá thì lợp nhà.; riêng thân thốt nốt già được đẽo thành thuyền độc mộc. Mới đây, cây thốt nốt còn được xẻ làm gỗ, chế biến thành sản phẩm gia dụng rất đẹp mắt và bền chắc.


Từ một mảnh gỗ dưới nền đất...

Bà Neang Soth Thay là vợ ông Lê Phước Hải (Công ty cổ phần chế biến gỗ Hải Phùng tại số 60 Nguyễn Trãi, thị trấn Tri Tôn). Bà Thay vốn là giáo viên đã nghỉ hưu, có cha người Lào, mẹ người Phúc Kiến (Trung Quốc). Tiếp chúng tôi trong văn phòng, cửa, vách và trần được xây dựng bằng gỗ tràm bông vàng, gỗ bạch đàn khá đẹp, nhưng nổi bật nhất là gỗ thốt nốt với màu đen sậm cùng những đường gân mạnh mẽ, ưa nhìn, bà Thay nói, chồng bà quê gốc ở Mỹ Đức (TX Châu Đốc, tỉnh An Giang), trước kia cũng là giáo viên. Ông đi bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia về, sống khá chật vật ở An Giang. May mắn được chính quyền vùng núi này cho cả trăm công đất cùng một số đất nhà, ông bèn trồng tràm bông vàng và bạch đàn bán gỗ. Toàn bộ cây trồng ở trên núi nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn. Tiền thuê mướn nhân công chăm sóc, cưa chặt, vận chuyển xuống núi đã gần bằng tiền bán cây gỗ. Không có ăn, ông bèn vận chuyển gỗ tới Chợ Thủ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) làm giường tủ. Ông Hải có tay nghề khá, nhưng sản phẩm của ông vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế, dù hai vợ chồng đã bỏ công đi chào hàng khắp nơi.

Bà Neang Soth Thay nhớ lại: Căn nhà nơi làm văn phòng công ty khi đó vốn là chuồng bò của gia đình. Nhân dọn dẹp để xây cất lại, vợ chồng bà phát hiện bên dưới nền đất có một mảnh gỗ thốt nốt. Dù bị chôn lâu ngày, ở một nơi rất bẩn, lúc nào cũng ngập ngụa nước, nhưng mảnh gỗ chẳng những không mục rã, trái lại càng thêm rắn chắc và rất đẹp khi được rửa nước sạch sẽ. Từ sự phát hiện tình cờ đó, hai ông bà mới nghĩ tới việc dùng gỗ thốt nốt làm hàng gia dụng.

... đến sản phẩm nội thất độc đáo

Thốt nốt là loại cây thân cột, không cành nhánh, lá như lá cọ, tán xòe tròn như búp bông. Trồng khoảng ba bốn chục năm, cây cao chừng 20 mét. Chỉ cây thốt nốt cái mới trổ bông và kết trái thành buồng cho thu hoạch. Trái thốt nốt hình cái chum thu nhỏ, lớn chừng hai bàn tay ôm. Gọt lớp vỏ màu nâu sậm, bày ra nhiều múi cơm được bọc lớp vỏ khá dày màu vàng ngà. Người ta dùng cơm thốt nốt thắng đường nhưng không kinh tế bằng thắng đường từ “mật”, thường gọi là “dịch thốt nốt”. Cơm thốt nốt có mùi thơm mít chín, ngoài ăn chơi, còn được đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi chế biến thành bột làm thành một số loại bánh, phổ biến nhất là bánh bò, bánh thốt nốt. Thốt nốt cho thu hoạch hàng nửa thế kỷ mới “tàn đời”. Lúc trước, người dân địa phương tận dụng xẻ lấy gỗ làm nhà hoặc bỏ hoang ngoài đồng.

Công việc khai thác gỗ thốt nốt của ông Hải bắt đầu khoảng 4 năm trước đây. Ông Hải kết hợp với ông Nguyễn Văn Phùng thành lập Công ty cổ phần Hải Phùng (mang tên ghép của hai người). Họ đi săn lùng cây thốt nốt bị đốn chặt, bỏ hoang trên bờ đê, lối mòn, hay thốt nốt đực đủ tuổi đem về mướn thợ cưa xẻ gỗ trước khi tạo thành vật dụng như ý muốn. Công ty Hải Phùng thu mua những cây thốt nốt “nhàn rỗi” này về làm ra một số sản phẩm nội thất. Theo bà Neang Soth Thay, cây thốt nốt phải già cỗi, không còn năng suất hoặc cây đực mới sử dụng làm đồ gia dụng được. Sản phẩm từ gỗ thốt nốt có màu đen tuyền, đẹp hơn sản phẩm từ gỗ dừa có màu đỏ. Ưu điểm của sản phẩm từ gỗ thốt nốt là bền, có thể sử dụng hàng mấy trăm năm.

Cơ sở sản xuất của công ty khá to rộng, nằm cuối đường Nguyễn Trãi, giáp ngã ba đi đồi Tức Dụp. Các khâu sản xuất, từ cưa, xẻ, tiện, bào, mài, đánh bóng, đục mộng... đều được làm bằng máy, với các trang thiết bị trị giá cả tỉ đồng. Sản phẩm bán ra gồm: bàn hột xoài (2,5m): 2,5 triệu đồng/chiếc; ghế: 600.000 đồng/chiếc; salon Minh (theo hình dáng bộ salon người ta thấy trong phim Trung Quốc thời nhà Minh) gồm 1 bàn tròn cùng 4 đôn: 23 triệu đồng/bộ; gạt tàn thuốc lá: 150.000 đồng/ cái; cầu thang 800.000 đồng/thước tới, một bên; ghế uống cà phê: 450.000 đồng/chiếc; salon Mã Lai: 15 triệu đồng/bộ; ghế đay: 500.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất: bình bông, tượng Phật, tượng Chúa, kệ bếp... Sau khi mài, sản phẩm được đánh bóng rồi phun một lớp PU vừa bảo quản vừa làm đẹp sản phẩm.

Bà Thay cho biết thêm, để có gỗ thốt nốt đủ cung cấp cho sản xuất, công ty đã phải sang tận Campuchia mua về. Có lẽ chính vì vậy mà gần đây công ty chỉ tập trung sản xuất mỗi một mặt hàng ghế xích đu từ gỗ thốt nốt (loại sản phẩm này đang hút hàng). Ngoài việc bán trong nước, công ty cũng đã tung sản phẩm của mình ra nước ngoài theo đơn đặt hàng.

Rời thị trấn Tri Tôn, chúng tôi lướt xe qua các cánh rừng thốt nốt đẹp như tranh vẽ trong bóng chiều dần buông khắp núi đồi biên giới điệp trùng.

• Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

 

Chia sẻ bài viết