01/09/2015 - 20:15

Ngủ trưa giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim

 Người bị cao huyết áp mức độ nhẹ không nên uống nhiều cà phê

Các nhà nghiên cứu Hy Lạp cho biết giấc ngủ trưa không chỉ giúp chúng ta khôi phục sự tỉnh táo mà còn có tác dụng hạ huyết áp và phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Asklepieion Voula ở Athens đã thực hiện nghiên cứu đối với 200 đàn ông và 186 phụ nữ, với độ tuổi trung bình là 61 và đều bị cao huyết áp. Sau khi loại trừ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhóm nghiên cứu nhận thấy so với người không ngủ trưa, những người ngủ trưa có huyết áp tâm thu trung bình thấp hơn 4% (5 mmHg) khi họ thức và thấp hơn 6% (7 mmHg) khi họ ngủ vào ban đêm. Mặc dù chỉ cách biệt khoảng 5% nhưng tỷ lệ này cũng đủ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở người có huyết áp cao hơn.

 Ảnh: Telegraph

Ở người có trái tim khỏe mạnh, huyết áp thường giảm xuống vào ban đêm khi họ ngủ. Và trong nghiên cứu mới, các chuyên gia phát hiện những người thường giảm huyết áp khi ngủ đều chợp mắt vào buổi trưa nhiều hơn trung bình 17 phút so với những người không ngủ. Ngoài ra, vận tốc sóng mạch (dùng đo độ cứng của thành động mạch) ở người ngủ trưa cũng được ghi nhận thấp hơn 11% so với những người thức cả ngày. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng thời gian tối ưu cho một giấc ngủ trưa là 1 tiếng đồng hồ.

 Cũng liên quan đến vấn đề tim mạch, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Ý chứng minh những người bị cao huyết áp mức độ nhẹ uống nhiều cà phê có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, các bệnh tim mạch khác và tình trạng tiền tiểu đường.

Nghiên cứu kéo dài 12 năm được tiến hành trên 1.200 bệnh nhân tuổi từ 18-45, không mắc bệnh tiểu đường nhưng bị tăng huyết áp giai đoạn 1 (tức là huyết áp tâm thu từ 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương từ 90-99 mmHg). Trong số họ có 26,3% không uống cà phê, 62,7% uống vừa phải (từ 1-3 ly/ngày) và 10% uống nhiều cà phê (từ 4 ly trở lên/ngày). Phân tích cho thấy những người uống nhiều cà phê có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch cao gấp 4 lần. Tỷ lệ này ở nhóm uống cà phê vừa phải là 3 lần.

Vì tiểu đường típ 2 thường phát triển ở bệnh nhân cao huyết áp nên nghiên cứu cũng tìm hiểu tác động lâu dài của việc uống cà phê với nguy cơ phát triển chứng tiền tiểu đường. Kết quả là người uống nhiều cà phê làm tăng gấp đôi nguy cơ này.

Tiến sĩ Lucio Mos, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện San Daniele del Friuli kết luận uống cà phê làm tăng nguy cơ phát triển chứng tiền tiểu đường ở người trẻ tuổi bị cao huyết áp (do mức độ chuyển hóa caffein của họ chậm lại) và nguy cơ này càng cao hơn ở người bị thừa cân hoặc béo phì.

THẢO NGUYÊN (Theo Aninews, Telegraph)

Chia sẻ bài viết