14/04/2018 - 09:13

Ngoại trưởng đề cử Mỹ “dịu giọng” 

Trong động thái “trấn an” các thành viên Quốc hội Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo (ảnh) cam kết sẽ điềm đạm trong chính sách đối ngoại và không ngại tranh luận với tổng thống nếu được phê chuẩn trở thành ngoại trưởng.

 

Hôm 12-4, Giám đốc CIA đã có phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao dựa trên đề cử của Tổng thống Donald Trump. Trước đó, Tổng thống Trump sau khi sa thải ông Rex Tillerson đã nhấn mạnh muốn làm việc với một ngoại trưởng “có cùng suy nghĩ” như ông Pompeo.

 Song, một số nghị sĩ quan ngại tổng thống và những nhân vật thân cận cùng chung tiếng nói có thể đưa ra những quyết định mang tính rủi ro mà không ai ngăn cản. Tại phiên chất vấn, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez cũng hỏi thẳng lãnh đạo CIA, rằng ông với vai trò ngoại trưởng liệu có chính kiến để ủng hộ các giải pháp ngoại giao hay sẽ tuân lệnh bất chấp nguy cơ đẩy nước Mỹ vào những cuộc chiến không cần thiết. Ông Pompeo khẳng định sẽ không trở thành một ngoại trưởng “ba phải” và không ngại tranh luận với tổng thống.

Là thành viên của nhóm diều hâu, ông Pompeo là người phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran một cách mạnh mẽ và từng có phát biểu ám chỉ khả năng thay đổi chế độ ở CHDCND Triều Tiên. Ông cũng từ chối chỉ trích giải pháp tấn công quân sự phủ đầu. Nhưng tại phiên chất vấn hôm 12-4, ông Pompeo ngược lại tỏ thái độ mềm mỏng khi khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp ngoại giao hơn là hành động quân sự. Lãnh đạo CIA còn nhấn mạnh ông quan tâm khả năng đàm phán hơn là thúc đẩy ý định thay đổi chế độ.

Cụ thể, ông Pompeo khẳng định bản thân không ủng hộ thậm chí chưa bao giờ tán thành chuyện thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Ông cũng bày tỏ lạc quan về kết quả ngoại giao trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song, Giám đốc CIA lưu ý “không ai ảo tưởng” sẽ đạt được thỏa thuận toàn diện tại cuộc họp đó. Theo ông Pompeo, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim là để Triều Tiên “tiến thêm một bước” nhưng quốc gia Đông Bắc Á không nên kỳ vọng lấy được lợi ích gì từ các cuộc đàm phán với Mỹ cho đến khi có động thái không thể đảo ngược trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Về khả năng Bình Nhưỡng sắp tới có đồng ý phi hạt nhân hóa hay không, ông Pompeo cho biết điều này “không mấy lạc quan” dựa trên những phân tích về các cuộc đàm phán trước đây. Theo ông, Mỹ và thế giới đã quá vội nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên.

Liên quan Iran, chính trị gia 54 tuổi khẳng định nếu được phê chuẩn làm ngoại trưởng, ông sẽ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về yêu cầu của Tổng thống Trump nhằm sửa đổi thỏa thuận ký kết năm 2015.

Sau phiên điều trần hôm 12-4, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng 4. CNN cho biết ông Pompeo có thể đối mặt thách thức lớn khi nhiều nghị sĩ của Ủy ban Đối ngoại tỏ ý không ủng hộ. Trong số này có 2 đảng viên Dân chủ từng bỏ phiếu ủng hộ quyết định bổ nhiệm ông Pompeo làm lãnh đạo CIA. Nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu chống ông Pompeo hồi năm ngoái, Rand Paul, cũng khẳng định có hành động tương tự trong đợt bỏ phiếu sắp tới.

Nếu vậy, ông Pompeo sẽ không hội đủ số phiếu để nhận quyết định phê chuẩn đề cử làm ngoại trưởng. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell vẫn có quyền đưa việc đề cử ra toàn thể Thượng viện bất chấp kết quả bỏ phiếu tại Ủy ban Đối ngoại có như thế nào.

Thật ra, kể từ năm 1925 đến nay, chưa một ngoại trưởng đề cử nào không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. 

 MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết