14/11/2017 - 13:06

Ngoại trưởng Anh bị “vạ miệng” 

Trong khi tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bế tắc, chính trường Anh tiếp tục sa lầy trong các vụ bê bối với căng thẳng mới nhất liên quan Ngoại trưởng Boris Johnson (ảnh), sau những phát biểu của ông về vụ một công dân Anh gốc Iran đang chịu án tù 5 năm tại Cộng hòa Hồi giáo.

Sự việc bắt đầu từ phát ngôn bị cho là “thiếu chính xác” của Ngoại trưởng Johnson gần đây về vụ nữ quản lý dự án của Quỹ Thomson Reuters Nazanin Zaghari-Ratcliffe bị bắt tại Iran hồi tháng 4-2016. Bà Zaghari-Ratcliffe bị kết án 5 năm tù vì cáo buộc tổ chức tuyển dụng và đào tạo truyền thông nhằm tuyên truyền chống phá chính quyền Iran, mặc dù bà luôn phủ nhận và khẳng định chỉ đến Iran nghỉ hè cùng gia đình.

Tuy nhiên hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Johnson trong một phát biểu đại khái cho rằng bà Zaghari-Ratcliffe trong chuyến đi có đào tạo báo chí tại Iran. Theo Guardian, những bình luận này mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Chính phủ Anh rằng bà Zaghari-Ratcliffe vốn chỉ đến Iran du lịch. Phát biểu của ông Johnson lập tức dấy lên phẫn nộ sau thông tin tòa án Iran có thể dựa trên bình luận của Ngoại trưởng Anh để kéo dài bản án tù đối với bà Zaghari-Ratcliffe. Được biết, Quỹ Thomson Reuters sau đó đã khẳng định bình luận của ông Johnson là không chính xác. Hôm 12-11, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cùng Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan còn kêu gọi Thủ tướng Anh Theresa May sa thải Ngoại trưởng Johnson. Theo ông Corbyn, phát biểu của ông Johnson thể hiện “sự thiếu năng lực” mà qua đó khiến “uy tín quốc gia bị ảnh hưởng” và “đặt người dân vào rủi ro”.

Trước cáo buộc của phe đối lập, một số bộ trưởng Anh bao gồm Bộ trưởng phụ trách vấn đề Anh rời EU (Brexit) David Davis và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đã lên tiếng bảo vệ người đứng đầu ngành ngoại giao nước này. Trước đó, ông Johnson đã giải thích rằng bình luận của ông chỉ đề cập bà Zaghari-Ratcliffe từng giảng dạy về báo chí nhưng là trước vụ bắt giữ năm 2016. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Gove cho rằng các nhà phê bình chính trị thay vì tập trung vào phát biểu của ông Johnson thì nên chú ý vào vụ giam giữ bà Zaghari-Ratcliffe. Mặt khác, theo các thành viên cấp cao nội các Anh, ông Johnson đang làm tốt công việc trên cương vị Ngoại trưởng, do đó không có lý do gì để từ chức.

Theo giới phân tích, việc các bộ trưởng lên tiếng bảo vệ ông Johnson là một phần nỗ lực nhằm củng cố chính phủ của Thủ tướng May vốn bị suy yếu sau hàng loạt bê bối liên quan các quan chức cấp cao, đỉnh điểm là sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Priti Patel mới đây. Tuy vậy, ý kiến của Bộ trưởng Gove không lấy được niềm tin của các nhà quan sát chính trị sau khi truyền thông tiết lộ ông Gove và Ngoại trưởng Johnson đã hợp tác trong một bức thư bí mật gởi đến Thủ tướng May, đưa ra các yêu cầu được cho là hướng tới một “Brexit cứng”, tức chia tay nhanh chóng và dứt khoát với EU. Những tiết lộ này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ những người ủng hộ kịch bản “Brexit mềm”, đẩy căng thẳng nội bộ lên cao và thậm chí thách thức vị trí lãnh đạo của bà May. Hôm 12-1, tờ Sunday Times còn đưa tin có 40 thành viên của đảng Bảo thủ đã đồng ý ký một bức thư “bất tín nhiệm” chống lại Thủ tướng May. Theo quy định, cần có sự ủng hộ của ít nhất 48 nghị sĩ Bảo thủ để tiến hành thay đổi lãnh đạo đảng này, cũng là người nắm ghế Thủ tướng Anh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết