11/08/2018 - 23:43

Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo và hiệu quả, nâng tầm vị thế đất nước 

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 với chủ đề “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững” sẽ diễn ra từ ngày 12-17/8/2018, tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Hội nghị Ngoại giao được tổ chức thường kỳ hai năm một lần và từ Hội nghị lần thứ 27 đến nay có kết hợp tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc để lãnh đạo các địa phương cùng tham dự. Từ đó, các địa phương trong cả nước cùng tham gia vào hoạt động đối ngoại, cùng đất nước hội nhập toàn diện.

Từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ nhất năm 1957 đến nay đã có tổng cộng 29 Hội nghị Ngoại giao. Mỗi Hội nghị đều gắn liền với chặng đường cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu những phát triển mới trong tư duy và đột phá trong hành động.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.”

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đã cụ thể hóa quyết tâm của ngành ngoại giao trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vị thế đất nước. Tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, sâu rộng hơn cả về chủ trương và hành động, góp phần tranh thủ được nguồn từ bên ngoài cho phát triển và tạo động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nước. Quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước…

Đặc biệt, đối ngoại đa phương được nâng tầm, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của quốc tế theo phương châm chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, đảm bảo được các lợi ích thiết thân của Việt Nam tại các diễn đàn quan trọng như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM). Việt Nam đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ: Song phương, khu vực và toàn cầu. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là minh chứng sống động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Việc Việt Nam được bầu với số phiếu rất cao vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng kinh tế - xã hội, Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO… cho thấy mức độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc gánh vác trách nhiệm chung.

Hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng hướng tới một Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam cũng đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm ký kết, phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Lãnh đạo các nước đối tác cũng nhất trí cùng Việt Nam triển khai một cách hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. Hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại tiếp tục nỗ lực nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, đưa danh sách các di sản thế giới của Việt Nam ngày càng phong phú.

Hội nghị lần thứ 30 của ngành ngoại giao lần này tiếp tục ghi dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành trong 73 năm qua. Hội nghị sẽ tập trung vào các trọng tâm lớn như: Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về đối ngoại trong hai năm vừa qua, tìm biện pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong những năm tới và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, đánh giá tình hình thế giới, nhận diện cơ hội để nắm bắt và thách thức cần vượt qua, để có thể triển khai một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, tiếp tục đề ra các biện pháp nhằm hội nhập hiệu quả, nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Cùng với đó, hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết