11/02/2017 - 16:25

Ngộ nhận về Quốc phục

Những ngày cuối năm 2016, việc người đẹp Khả Trang được trao giải Trang phục dân tộc tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 đã gây nên tranh cãi. Phản ứng đầu tiên là bộ trang phục rườm rà, thiếu bản sắc này lại được gắn danh xưng "Quốc phục". Chiếc váy nặng đến 45kg với phần đuôi váy dài hơn 3,5m, sải cánh dài 2m và được nhà thiết kế Lê Long Dũng cùng ê kíp thực hiện trong 3 tháng. Nghe qua những "thông số" của bộ "Quốc phục" này, nhiều người đùa: "Mặc đồ hay tập tạ?!". Phần đông ý kiến trên các diễn đàn cho rằng bộ trang phục giống kiểu áo của Bạch Cốt Tinh trong phim "Tây Du Ký" hay của các nhân vật chiến binh trong trò chơi trực tuyến.

 

 Bộ trang phục 45kg được gắn tên gọi “Quốc phục” của người đẹp Khả Trang.
Ảnh: thanhnien.com.vn

Nhiều bộ trang phục khác được các người đẹp Việt thi diễn ở các đấu trường nhan sắc quốc tế dưới danh nghĩa "Quốc phục" cũng bị phản ứng. Gần nhất là bộ "Quốc phục" của người đẹp Lệ Hằng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2016 bằng chất liệu mây tre với hình ảnh đăng, đó, lưới… Mẫu số chung của những bộ đồ này là rườm rà, nặng nề và bị gán ghép cho một ý nghĩa, câu chuyện khiên cưỡng nào đó. Bởi thế, dù được gọi là "Quốc phục" nhưng người Việt lại cảm thấy xa lạ, thậm chí phản cảm.

Thật ra, nước ta hiện vẫn chưa có quy định chính thức về Quốc phục và chưa có kiểu dáng trang phục nào được công nhận danh xưng này. Nhưng do áo dài là trang phục quen thuộc, mang nhiều dấu ấn văn hóa và lịch sử nên thường được mọi người sử dụng như trang phục tiêu biểu của đất nước. Cho nên sự "tự nhận" đã thiết kế- hoặc khoác lên mình "Quốc phục" trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế của nhiều cá nhân đã khiến dư luận bất bình. Thật ra, trong phần nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế, có một phần thi mang tên "national costume", tạm hiểu là trang phục truyền thống của quốc gia, dân tộc. Những trang phục mà các người đẹp từng mang đi thi đều mang phong cách, hoa văn truyền thống và thông qua đó thể hiện một phần văn hóa, chứ chưa thể gọi Quốc phục.

Mặt khác, Quốc phục còn là những trang phục truyền đời, toàn dân đều có thể mặc được. Còn những bộ trang phục đề cập ở trên, mặc dù có yếu tố truyền thống (thông qua hoa văn) nhưng tính đại chúng, ứng dụng thì hoàn toàn không. Thử hỏi, ai có thể mặc bộ đồ 45kg, dài gần 4m ra đường, xuống phố?

Dĩ nhiên, thời trang cần sự biến tấu, cách điệu không ngừng. Sẽ là nhàm chán nếu cuộc thi nhan sắc nào, người đẹp Việt cũng mang áo dài giới thiệu. Tuy nhiên, đã không phải là Quốc phục thì đừng ép gọi, làm nên một sự ngộ nhận phản cảm và không cần thiết.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết