21/05/2008 - 09:38

Ngộ độc rượu: Chớ xem thường !

Theo thống kê từ năm 1990 đến 2000, trên thế giới có trên 7 triệu người chết do rượu (trực tiếp và gián tiếp). Các nước có tỷ lệ ngộ độc rượu cao là Phần Lan, Bồ Đào Nha, Ý, Úc. Việt Nam cũng là nước có hạng về tiêu thụ rượu và dĩ nhiên ngộ độc rượu cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận. Đáng lo ngại khi gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người đã xảy ra ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Rượu là tên gọi chung của các dạng thức uống có cồn ethanol. Rượu trắng, rượu đế, rượu gạo, rượu nếp đều là cách gọi của loại rượu sản xuất từ nguyên liệu chứa tinh bột như gạo, nếp, bắp, bọt đường... qua công đoạn lên men và được chưng cất theo cách thủ công. Các loại rượu đế thương phẩm này có độ cồn ethanol từ 25 đến 400. Các loại rượu mạnh nhập khẩu (Whisky, Johnny Walker, Hennessy, Chivas, Martel, Rémy Martin, Martell...) có độ cồn từ 40 đến 650. Các loại rượu vang có độ rượu thường dưới 180. Nhóm rượu bia (theo phương pháp ủ lên men từ lúa mạch) có độ cồn rất thấp, trung bình từ 4 đến 60.

NGỘ ĐỘC RƯỢU
VÀ HẬU QUẢ

Ngộ độc rượu có thể do uống rượu quá liều (quá chén), nhất là rượu có nồng độ cồn ethanol cao (trên 300). Rượu sau khi uống được hấp thụ hoàn toàn bằng đường tiêu hóa. Cửa ngõ tiếp nhận đầu tiên là ở dạ dày, phần còn lại được hấp thụ ở đoạn ruột non, sau đó khoảng 1 giờ, rượu vào máu phân tán khắp cơ thể. Chất cồn đào thải ra qua thận và phổi, nên dễ gây ra rối loạn chức năng ở hai cơ quan này trước tiên. Tuy nhiên, sự chuyển hóa rượu chủ yếu ở gan, sau đó là các cơ quan khác (não, mô, cơ, ruột). Một người với thể trạng bình thường, trong một trận nhậu mà “cưa” đến cả lít rượu đế, thì ngộ độc là lẽ thường!

Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc rượu là đường huyết giảm đến mức dưới 0,3g/lít. Nếu uống quá nhiều có thể dẫn đến nhiễm độc tế bào, nhiễm toan, tăng acid uric- máu, dẫn đến các tổn hại nội tạng như viêm dạ dày cấp, viêm tụy cấp... Người nghiện rượu lâu dài dễ bị xơ gan, gan thoái hóa mỡ, thiếu máu huyết tán.

Ngộ độc rượu còn do uống phải rượu có tạp chất cao hoặc có hóa chất độc. Trường hợp này do nhà sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu xấu, men rượu kém chất lượng hoặc có thể pha trộn với các loại nguyên liệu cellulose (chất xơ thực vật). Tại TP Hồ Chí Minh, vào những năm 1982- 1984, một số rượu dỏm được dán nhãn các loại rượu ngoại nổi tiếng, từng gây nhiều vụ ngộ độc chết người hàng loạt do rượu được chưng cất từ khoai mì và mạt cưa! Vì các sản phẩm này, ngoài thành phần chính là cồn ethanol, còn có tạp chất độc hại như: furfural, aldehyde, ester, methylic, isopropanol... với nồng độ rất cao.

Những năm gần đây, các tay làm rượu dỏm còn “sáng kiến” pha chế rượu đế bình dân từ cồn công nghiệp (cồn ethylic công nghiệp), cồn khô, vôi, men xúc tác, hóa chất tăng độ, chất tẩy mùi, tạo màu... Tuy nhiên, đừng tưởng các loại rượu bình dân giá rẻ mới có rượu giả, mà các loại rượu ngoại nhập cao cấp như: Whisky, Chivas, Vodka, Hennessy, Johnny Walker... vẫn bị pha chế với đường hóa học, nước màu, hương liệu, phẩm màu vô cơ, kể cả diethylene glycol và methanol là hai loại hóa chất cực độc.

- Methanol (tiêu chuẩn trong rượu uống dưới 0,1% thể tích), chỉ uống một lượng nhỏ rượu có methanol chừng 100 ml đến 200 ml cũng có thể gây ngộ độc cấp, rối loạn thị giác; uống với lượng lớn hơn có thể gây mù lòa, tử vong. Điều thú vị là để ngăn chặn ngộ độc do dùng nhầm rượu có methanol thì người ta cho người bị ngộ độc dùng ethanol. Ethanol sẽ liên kết với các enzim khử hydro và ngăn không cho methanol liên kết với các enzim này, hạn chế sự nhiễm độc.

- Diethylene glycol là một dung môi, có vị hơi ngọt (nhiều nước đã phát hiện chất này có trong rượu giả, sirô, kem đánh răng, dược phẩm, và đã từng gây ra ngộ độc chết người). Khi bị ngộ độc cấp do hiện diện chất này, sẽ gây nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, nhịp tim nhanh, rung giật nhãn cầu, co giật, hôn mê, suy thận cấp và tử vong. Ngày nay, người ta thường dùng chế phẩm Fomepizole để giải độc methanol và diethylene glycol.

NHẮN NHỦ
VỚI CÁNH “MÀY RÂU”

Trong lịch sử, nhiều nước đã từng có đạo luật cấm sản xuất rượu như Liên Xô (cũ), Pháp, Bồ Đào Nha, một số tiểu bang của Mỹ và kể cả Việt Nam (theo thống kê, mỗi năm người Việt chúng ta tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu. Kể ra cũng có hạng trên thế giới !). Nhưng rồi các điều luật này đều bất khả thi! Thôi thì tự chúng ta phải “tự cứu mình” bằng cách thực hiện phương châm:

- Hãy điều độ trong uống rượu, phải biết dừng đúng lúc khi cảm giác đã say (đừng nghe lời khích tướng của bạn bè: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, rồi có ngày vô... bệnh viện!).

- Chỉ nên uống rượu có nhãn hiệu chứng nhận về chất lượng.

- Riêng đối với rượu thuốc, cũng nên cảnh giác với nguyên liệu ngâm rượu (có thể có độc tính cao, như cây mã tiền, lá ngón, rễ cây thường xuân, cây mao địa hoàng, cây bồ đề... ).

- Không nên pha hoặc uống chung rượu với nước giải khát có ga (dễ say hơn và rất có hại cho dạ dày).

- Không nên tắm ngay sau khi nhậu xỉn.

*

* *

Với những người quá chén, có thể hóa giải tình trạng “vượt ngưỡng say” bằng biện pháp như sau:

- Trước tiên, dùng tay ngoáy họng để gây nôn nếu thấy cảm giác nôn nao, khó chịu và nên nằm nghỉ nơi thoáng mát.

- Nên uống 1- 2 lòng trắng trứng gà còn tươi, chất cồn trong dạ dày khi gặp chất albumin trong lòng trắng trứng sẽ bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu nồng độ cồn vào máu. Dùng lòng trắng trứng còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu, hoặc uống một chén nước cơm hay cháo nếp sẽ có tác dụng tương tự.

Trong dân gian, có lưu truyền vài phương cách chống say, như:

- Giã nát một củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm một chút đường rồi cho người say uống làm nhiều lần trong khoảng 15 phút. Hoặc vài lát gừng giã nát pha nước ấm cho người say uống.

- Pha một cốc bột sắn dây với một chút nước nóng rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo lại. Sắn dây cũng rất tốt cho gan.

- Lấy khoảng 100g đậu xanh ninh nhừ với khoảng 10g cam thảo rồi cho người say ăn cả nước lẫn cái. Bài thuốc dân gian này vừa giải rượu, vừa mát gan.

- Cho người say uống một ly nước chanh đường hoặc cam, quít, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.

Tuy nhiên, khi người say rượu có biểu hiện ngộ độc cấp, với dấu hiệu mất ý thức (gọi không trả lời), co giật, nhịp tim nhanh, bí tiểu hoặc tiểu ra quần, mắt trợn ngược, sùi nước dãi... người nhà phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu.

CNYK ĐÀM HỒNG HẢI (Sở Y tế TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết