14/08/2018 - 07:26

Ngộ độc paracetamol và những điều cần biết 

Paracetamol là thuốc giúp giảm đau và hạ sốt được sử dụng rất phổ biến. Trong những tháng đầu năm 2018, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Quân Y 121 đã tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc thuốc paracetamol. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Ngọc Thuyết, Chủ nhiệm Khoa cho biết:

- Trong  4 trường hợp ngộ độc cấp do paracetamol, có 2 ca có bệnh lý nền là viêm gan B mạn và viêm gan mạn do rượu; 1 ca là sinh viên khỏe mạnh, uống 6g paracetamol nhằm mục đích tự tử. Ca còn lại bị suy dinh dưỡng, uống rượu thường xuyên, đau đầu tự mua thuốc uống. 3 ca vào cấp cứu trong khoảng thời gian từ sau uống 1-6 giờ, 1 ca vào sau 12 giờ. Tất cả các ca này đều được tiến hành cấp cứu khẩn trương theo phác đồ cấp cứu ngộ độc cấp paracetamol. Các bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, sức khỏe dần bình phục và xuất viện. Ngoài Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Khoa Nội tiêu hóa cũng tiếp nhận điều trị các trường hợp ngộ độc thuốc nhẹ.

Bệnh nhân bị ngộ độc có thể do cố tình uống (tự tử) hoặc do uống nhầm thuốc hoặc tự ý tăng liều dùng như uống 1 liều không bớt sốt, bớt đau thì tự ý uống thêm liều hoặc uống thêm 1 loại thuốc giảm đau khác mà không biết rằng trong các loại thuốc này lại có chứa hoạt chất paracetamol. Các trường hợp cơ địa bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai, đang điều trị lao, viêm gan mạn, nghiện rượu, tiền căn dị ứng thuốc... dù uống liều khuyến cáo vẫn có thể bị ngộ độc. Ở người không có các bệnh lý nền trên, liều gây ngộ độc thường gấp 10 lần liều được khuyến cáo.

* Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu bị ngộ độc paracetamol?

- Ở giai đoạn sớm, dấu hiệu ngộ  độc thường mờ nhạt, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh lý khác. Ngộ độc paracetamol chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, trong 24 giờ đầu sau khi uống, người bệnh cảm giác bị kích thích đường tiêu hóa, biểu hiện là buồn nôn, nôn, vã mồ hôi. Giai đoạn II (ngày thứ 2-3), thuốc gây tổn thương hủy hoại tế bào gan, người bệnh cảm thấy mệt mỏi tăng lên, vàng da và mắt, đau bụng vùng gan (hạ sườn phải), có thể giảm lượng nước tiểu và nước tiểu có màu vàng hoặc nặng hơn là vô niệu. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện ở giai đoạn này. Nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến đến giai đoạn 3, bệnh nhân xuất hiện hội chứng não - gan, gan - thận, suy đa tạng, tử vong. Nếu vượt qua được thì sang giai đoạn 4 (từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 14), đây là giai đoạn bệnh nhân phục hồi, cấu trúc và chức năng gan dần trở về bình thường.

Sau khi uống paracetamol mà xuất hiện buồn nôn, nôn thì nên cảnh giác, nhập viện điều trị sớm. Bệnh nhân sẽ được khám và đánh giá khai thác tiền sử dùng thuốc, xét nghiệm định lượng paracetamol trong máu, nếu xác chẩn bị ngộ độc cấp paracetamol thì sẽ được điều trị tích cực, rửa dạ dày, hấp phụ bằng than hoạt, sử dụng thuốc chống độc càng sớm, hiệu quả càng cao. Đặc biệt, trong 8 giờ đầu sau khi uống thuốc, hiệu quả điều trị là rất cao.

* Hoạt chất paracetamol có trong thuốc nào, thưa bác sĩ?

- Paracetamol là thuốc rất phổ thông, không thuộc nhóm phải kê đơn, vì thế có thể dễ dàng mua từ các tiệm thuốc tây. Hoạt chất paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm, hô hấp, đau răng, nhức đầu... phổ biến ở Việt Nam như: Panadol, Efferalgan, Alaxan, Ultracet, Rhumenol, Ameflu... Vì thế khi sử dụng thuốc, cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, thành phần thuốc, liều dùng, nhưng tốt nhất vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ.

* Sau điều trị ngộ độc paracetamol, chức năng gan của bệnh nhân có thể phục hồi không?

- Nếu bệnh nhân không có bệnh nền liên quan đến gan thì sau khi điều trị ngộ độc, gan phục hồi hoàn toàn, không thấy hiện tượng xơ hóa. Tuy nhiên nếu ngộ độc xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý nền như xơ gan, viêm gan B, C mạn, nghiện rượu, suy dinh dưỡng... do chất bảo vệ gan (chống oxy hóa) bị sụt giảm so với người bình thường nên thường diễn biến nặng khó vượt qua khi bị ngộ độc nếu không được sử dụng các biện pháp đặc biệt như thay huyết tương, ghép gan.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì khi bệnh nhân dùng thuốc? 

- Nên bỏ thói quen tự khám, tự mua thuốc về uống mà nên đi bác sĩ mỗi khi bị bệnh. Khi bị sốt, uống paracetamol đúng liều theo đơn thuốc phối hợp với lau mát tích cực (nước ấm), cho uống đủ nước (dung dịch ORS), nếu nhiệt độ vẫn không giảm sau 30 phút đến 1 giờ thì nên trao đổi với bác sĩ để có hướng điều trị tiếp mà không nên tự động uống thêm liều.

Nếu không có điều kiện đi khám, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng đúng theo tờ hướng dẫn. Riêng các bệnh nhân có vấn đề về gan, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai... khi dùng thuốc có paracetamol tốt nhất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Paracetamol chống chỉ định tùy cấp độ với bệnh nhân bị suy gan, thận, thiếu máu nặng, mẫn cảm với paracetamol.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Paracetamol có trong nhiều loại thuốc. Vì vậy, nên đọc nhãn của bất kỳ loại thuốc đang sử dụng để xem trong thành phần có chứa paracetamol, acetaminophen (hay APAP) không.

Người lớn và thanh thiếu niên có cân nặng ít nhất 50kg không nên uống hơn 1000mg paracetamol trong một liều hoặc hơn 3g trong 24 giờ. Hàm lượng thông thường sử dụng là 500mg/lần uống. Trẻ em dưới 12 tuổi chỉ nên dùng liều lượng được đề nghị trên nhãn (tùy vào trọng lượng và tuổi của trẻ).

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết