24/03/2018 - 17:34

Nghiên cứu giải pháp tăng cường khả năng chống chịu cho đô thị Cần Thơ 

TP Cần Thơ đang tập trung cho giai đoạn 2 xây dựng Chiến lược về tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố, trước các áp lực và cú sốc của đô thị do biến đổi khí hậu gây ra và những tác động của con người. Khi có được chiến lược này, thành phố sẽ tranh thủ các nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án nâng cao năng lực chống chịu cho đô thị trong tương lai...

Tập trung 4 lĩnh vực trọng tâm

TP Cần Thơ đã được Ban Điều hành Chương trình 100 Thành phố có khả năng chống chịu (Chương trình 100RC) chọn là một trong những thành phố thành viên; hỗ trợ xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu của thành phố, tiếp cận các đối tác nền tảng của chương trình (doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…) để thực hiện các dự án trong chiến lược chống chịu.

TP Cần Thơ rất cần có Chiến lược tăng cường chống chịu trước các áp lực và cú sốc. Trong ảnh: Một góc đô thị trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA
TP Cần Thơ rất cần có Chiến lược tăng cường chống chịu trước các áp lực và cú sốc. Trong ảnh: Một góc đô thị trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Theo đơn vị tư vấn Tổ chức ISET, triển khai xây dựng Chiến lược về tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm: xây dựng đội ngũ tham gia, tham vấn các bên liên quan, đánh giá hiện trạng về khả năng chống chịu, xác định các cú sốc và áp lực, xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới…

Về kế hoạch triển khai giai đoạn 2 (thực hiện từ nay đến cuối năm), đơn vị tư vấn cho biết sẽ tập trung báo cáo phân tích chuyên sâu về từng lĩnh vực dưới góc độ về tài chính, kỹ thuật, thể chế, tổ chức, điều phối; đưa ra danh mục dự án và hành động tiềm năng (mỗi lĩnh vực sẽ có ít nhất 10 sáng kiến khi cần sẽ chia sẻ ngay với các nhà tài trợ); một số đề xuất dự án khả thi. Theo đó, có 4 lĩnh vực trọng tâm cần phân tích chuyên sâu: xây dựng khả năng chống chịu thông qua phát triển hạ tầng xanh; giảm nghèo thông qua hỗ trợ cải thiện sinh kế và điều kiện sống; cải thiện khả năng chống chịu và lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế qua việc phát triển chuỗi giá trị; tăng cường quy hoạch tích hợp thông qua cơ chế điều phối liên ngành.

Theo giới chuyên gia, Cần Thơ rất cần xây dựng khả năng chống chịu thông qua phát triển hạ tầng xanh, kết nối với giải pháp công trình nhằm giảm ngập lụt và ô nhiễm nguồn nước. Phát triển hạ tầng xanh: xác định các khu vực, hệ sinh thái cần bảo tồn hoặc khôi phục; đánh giá sơ bộ năng lực thoát nước của hệ thống hạ tầng hiện tại ở khu vực đô thị lõi và vùng phụ cận ứng với các tình huống ngập lụt cực đoan và xác định các giải pháp về hạ tầng xanh tiềm năng; đánh giá và xác định cơ chế phù hợp để phát triển hạ tầng xanh ở Cần Thơ.

Thành phố cũng cần tăng cường khả năng chống chịu và lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng thông qua phát triển mô hình chuỗi giá trị, gồm đánh giá các chuỗi giá trị hiện tại và xác định các thách thức, điểm mạnh, điểm yếu cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công và thất bại của các chuỗi. Đồng thời, nghiên cứu về một chuỗi giá trị nông nghiệp hoặc một hợp phần trong chuỗi giá trị và xác định các giải pháp, điều kiện để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chuỗi giá trị này; phân tích các chính sách liên quan và đề xuất các giải pháp để phát triển mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp ở Cần Thơ.

Lĩnh vực giảm nghèo thông qua hỗ trợ cải thiện sinh kế, thu nhập và điều kiện sống nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng người nghèo ở thành phố, bao gồm đánh giá những thành công và tồn tại của các chương trình, chính sách về giảm nghèo thông qua hỗ trợ sinh kế và nhà ở cho người nghèo; đánh giá hiện trạng về nghèo đói, sinh kế và điều kiện sống của người nghèo ở thành phố và xác định các nhóm cần hỗ trợ nhất; xác định mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng người nghèo về vấn đề sinh kế và điều kiện sống; xác định các cơ hội để giảm nghèo thông qua hỗ trợ cải thiện sinh kế và điều kiện sống; xây dựng giải pháp và đề xuất cơ chế chính sách về giảm nghèo mang tính bền vững.

Còn cơ chế điều phối liên ngành nhằm tăng cường tính hiệu quả trong công tác quy hoạch liên ngành gắn với xây dựng khả năng chống chịu, gồm đánh giá hiện trạng công tác quy hoạch tích hợp gắn với việc xây dựng khả năng chống chịu; phân tích kinh nghiệm của một số thành phố về cơ chế điều phối liên ngành hỗ trợ quy hoạch tích hợp gắn với việc xây dựng khả năng chống chịu và rút ra kinh nghiệm cho Cần Thơ; nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế điều phối liên ngành nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác quy hoạch tích hợp gắn với việc xây dựng khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ.

Cần huy động sự tham gia của các sở, ban ngành

Ông Trần Văn Giải Phóng, Phụ trách kỹ thuật Tổ chức ISET cho rằng, xây dựng Chiến lược về tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ bên cạnh tập trung nhiều vào kỹ thuật cũng cần quan tâm đến khả năng kết nối nguồn tài chính rất là quan trọng, nguồn từ thành phố hay nguồn khác. Ngoài ra, cần có một đơn vị ở thành phố (sở, ban ngành thành phố hoặc là cơ quan đoàn thể nào đó) chịu trách nhiệm triển khai thực hiện những sáng kiến đề xuất, đưa chiến lược vào thực tế; đảm bảo về mặt kỹ thuật, phân tích số liệu đầy đủ, rõ ràng và đưa ra ý tưởng phải khả thi, bao gồm khả thi về cách thức tổ chức triển khai các sáng kiến, khả thi về tài chính, huy động được các sở, ban ngành, các bên liên quan và các chuyên gia kỹ thuật ở địa phương cùng nhau tham gia. Dự kiến, trong năm 2019 hoàn thành xây dựng Chiến lược về tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ.

  Theo Văn phòng Dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” TP Cần Thơ (Văn phòng CRO), qua tham vấn các cơ quan liên quan và cộng đồng, TP Cần Thơ đang có những cú sốc và áp lực lớn, có những cú sốc thuộc về tự nhiên, nhưng cũng có những cú sốc thuộc về kinh tế-xã hội. Theo đó, có một số cú sốc và áp lực chính như: ngập lụt, ô nhiễm môi trường và nhất là môi trường nước, dịch bệnh, thiếu nước, nhà ở cho người nghèo, thiếu không gian công cộng, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, ông thống nhất cao với kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 mà Tổ chức ISET đã đề xuất. Theo đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá các lĩnh vực trọng tâm để tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố, xác lập vai trò tham gia của lãnh đạo các sở, ngành thành phố nhằm đảm bảo triển khai tốt các hoạt động đề xuất, nghiên cứu trong kế hoạch giai đoạn 2 phù hợp với quy hoạch ngành, gắn kết các chương trình, dự án của các ngành.

Chủ trì cuộc họp kiểm tra tình hình thực hiện Dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” tại TP Cần Thơ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cũng nhấn mạnh: Qua hơn một năm triển khai xây dựng Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu, giai đoạn 1 đã làm được rất nhiều việc như: thành lập tổ chức, cử cán bộ tham gia dự án; tiến hành điều tra khảo sát, tham vấn, lấy ý kiến của người dân, các cơ quan; đặc biệt là đã đưa ra được 4 lĩnh vực trọng tâm nằm trong nội dung chiến lược có khả năng chống chịu của thành phố… Hướng tới, các sở, ngành có liên quan như: xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, lao động, thương binh và xã hội tham gia tích cực cho giai đoạn 2. Thành phố kỳ vọng xây dựng được Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu, qua đó tranh thủ các nguồn lực đầu tư, kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế cho các dự án, lĩnh vực tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết