13/03/2018 - 20:48

Nghiên cứu chọn tạo giống theo nhu cầu thị trường 

Tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2017-2018, có nhiều giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL nhận được sự quan tâm của các đại biểu nhờ vào đặc tính nổi trội, hứa hẹn sẽ bổ sung hiệu quả vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng ĐBSCL. Viện Lúa cũng mong muốn kết nối kết quả nghiên cứu chọn tạo giống để phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các địa phương sớm chuyển giao giống đến nông dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa của vùng và các địa phương lân cận.

Các giống lúa mới của Viện Lúa được trưng bày và giới thiệu tại Hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2017-2018. 

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL tiến hành trình diễn các giống lúa triển vọng và tổ chức hội thảo đánh giá giống nhằm giới thiệu, đánh giá và chọn ra các giống lúa mới có đặc tính nổi trội, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng ĐBSCL và một số vùng lân cận. Đây là hoạt động được Viện Lúa nỗ lực duy trì nhiều năm nhằm giới thiệu đến doanh nghiệp, nông dân các địa phương, các nhà quản lý, đặc biệt là chú trọng mời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo về những giống lúa triển vọng có thể đưa vào sản xuất.

Tại hội thảo, Viện Lúa ĐBSCL đã trình diễn và giới thiệu 24 giống lúa ở vụ đông xuân 2017-2018. Trong đó có 9 giống lúa đã công nhận sản xuất thử, 7 giống đã thông qua hội đồng cơ sở xin công nhận sản xuất thử, 2 giống đã thông qua Hội đồng cấp bộ xin công nhận sản xuất thử, 2 giống đang khảo nghiệm sản xuất và 1 giống đang khảo nghiệm VCU (khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng). Qua đánh giá chất lượng lúa giống, có 6 giống lúa được bình chọn nhiều nhất là: OM 9577, OM 108, OM nếp 368, OM 359, OM 375, OM 10636. Trong đó, giống lúa OM 9577 dẫn đầu danh sách và chiếm đến 51,8% số phiếu bình chọn. Nhìn chung, các giống nằm trong danh sách bình chọn có khả năng thích nghi rộng, canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL. Đây đều là những giống cho chất lượng gạo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Riêng giống lúa OM 359 thích nghi với các vùng sinh thái mặn điển hình với độ mặn từ 3-4%o cho cả vụ hè thu và đông xuân ở ĐBSCL; hạt gạo trắng, ngon cơm.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, các giống lúa của Viện Lúa còn phát triển ra các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Trung. Ông Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: Qua tham gia hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2017-2018, tôi quan tâm đến các giống lúa có khả năng thích nghi với điều kiện sản xuất của huyện Tánh Linh như giống OM 4900, OM 7347, OM 5451. Trong những năm qua, nông dân ở huyện Tánh Linh đã tiếp cận và đưa vào sản xuất một số giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL được nhiều năm, trong đó giống OM 7347, OM 4900, OM 4921. Địa phương được Viện Lúa hỗ trợ kỹ thuật canh tác và đang chuẩn bị xây dựng thương hiệu gạo huyện Tánh Linh từ 2 giống lúa OM 4900 và OM 9921 do 2 giống này cho chất lượng gạo ngon.

Qua các đợt tham gia đánh giá giống do Viện Lúa tổ chức, các đơn vị kinh doanh có thể tiếp cận các giống lúa mới triển vọng để đón đầu thông tin nhu cầu về thị trường lúa giống cũng như tư vấn cho nông dân địa phương. Ông Hồ Thanh Phong, chủ Đại lý Vật tư nông nghiệp Ba Mi (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Nhu cầu của người dân hiện cần các giống lúa dễ canh tác, ít sâu hại, năng suất cao và dễ bán. Đối với các giống lúa mới nông dân chưa mạnh dạn sản xuất nhiều mà chủ yếu là sản xuất theo thói quen, sản xuất các giống dễ bán cho thương lái. Nông dân ở Đồng Tháp thích sản xuất giống OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM 5451, hay đông xuân thì làm giống Jasmine 85. Các giống mới của Viện Lúa khi tham quan đánh giá giống nông dân rất thích nhưng để tiếp cận, đưa vào sản xuất sẽ cần nhiều thời gian. Những giống lúa nào doanh nghiệp, thương lái thu mua nông dân mới dám áp dụng vào sản xuất. Như vậy, để các giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL được nhanh chóng đưa vào sản xuất đòi hỏi phải có sự tham gia bao tiêu của doanh nghiệp để nông dân yên tâm canh tác.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: Các giống lúa chủ lực của Viện Lúa được nhân rộng cách đây gần mười năm, trung bình mỗi năm 3 vụ lúa liên tục thì các giống lúa đã sản xuất xấp xỉ qua 30 vụ lúa. Đây là những giống có chất lượng tốt, tuy nhiên, tính chống chịu sâu bệnh dần bị phá vỡ, không thể duy trì sản xuất liên tục. Do đó, trong các chương trình nghiên cứu, Viện tập trung nỗ lực cải tiến tính chống chịu sâu bệnh của các giống lúa này và tiếp tục nghiên cứu đưa các giống lúa mới để có thể thay thế các giống lúa đang dần bị thoái hóa. Vì vậy, Viện Lúa mong muốn các trung tâm giống, các địa phương hỗ trợ Viện đưa nhanh các giống lúa mới vào các chương trình sản xuất thử nghiệm để xem xét tính thích nghi của các các giống lúa này ở từng địa bàn và phát triển nhanh các giống lúa trong thời gian tới. Viện cũng có kế hoạch tổ chức tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trong vấn đề định hướng nghiên cứu giống lúa hướng về thị trường trong nước và xuất khẩu với mục tiêu chuyển dần tư duy sang chọn tạo các giống lúa theo nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết