19/06/2018 - 07:26

Nghĩa tận... 

Ký: ĐĂNG HUỲNH

“Nghĩa tử là nghĩa tận”, đó là đạo nghĩa đời người. Và những việc làm của chú Trịnh Vĩ Tân, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, đã thể hiện tấm lòng trân quý ấy. Bao năm lo cho người nghèo, điều chú Tân vẫn hằng nhắc nhở mình là: quên đi chuyện mình làm cho người khác, đừng bắt người khác phải nhớ đến cái ơn của mình...

Chú Tân đóng áo quan từ thiện. Ảnh: DUY KHÔI
Chú Tân đóng áo quan từ thiện. Ảnh: DUY KHÔI

4 năm, làm 20 đám tang... tại sân nhà

Nhà chú Tân cạnh Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Ngôi nhà đơn sơ, có phần lụp xụp nhưng được nhiều người biết đến bởi nơi ấy có một tấm lòng. Phía sau ngôi nhà, hằng ngày chú Tân cặm cụi cưa, xẻ để đóng hòm từ thiện. Những chiếc quan tài xếp gọn gàng trong căn nhà khiến ai lần đầu đến cũng ngại, nhưng lại rất quen thuộc với chú Tân suốt 8 năm qua.

“Alô, chú Tân hả? Giúp người chú ơi!”. Giọng người bên kia cuộc gọi thảng thốt. Hỏi ra mới hay, một mạnh thường quân ở Cái Tắc, Châu Thành A, Hậu Giang, gọi điện xin chú Tân áo quan cho người nghèo vừa mới qua đời. “Sẵn sàng thôi, nhưng nhớ nhờ 2-3 thanh niên đến để phụ khiêng. Chú làm không nổi”- chú Tân trả lời rồi quay sang tôi mà nói: “Vậy là chú phải tức tốc đóng thêm cái mới để kịp cho trường hợp ở Vị Thủy, Hậu Giang”.

8 năm trước, thấy người nghèo qua đời trong cảnh thiếu thốn nên chú nghĩ đến chuyện xin áo quan từ thiện về để sẵn trong nhà để cho người cần. Khi chuyện xin áo quan khó khăn do quá nhiều người cần, chú Tân bỏ tiền mua ván, vật liệu và mướn thợ về đóng. Được ít lâu, người thợ bận việc và chú cũng đã “cạn túi”, hết tiền mướn thợ nên mày mò tự đóng. 4 năm qua, những chiếc áo quan chú tự xẻ ván, đóng đinh được tạo tác nên. Chú còn đóng quách, lo cho người qua đời từ đồ khâm liệm, đến chở áo quan tận nơi, rồi chở đi chôn cất, hỏa thiêu…

Một câu chuyện nghe như khó tin nhưng hoàn toàn có thật: 4 năm qua, chính sân nhà chú Tân ở đã được dùng tổ chức đám tang cho 20 người. Đó là những người ở trọ, không có nơi làm đám, chú hay được, liền cùng người thân chở về nhà để khâm liệm, lo cho họ “sống đặng nhà, chết đặng mồ”, chu toàn như người thân. Lối xóm của chú lúc đầu không hiểu chuyện cứ phập phồng e sợ nhưng riết thành quen. Bây giờ, có nhiều người còn đến thắp nhang, phúng điếu, chia sẻ cảnh đời của người nằm xuống. “Đầu năm tới giờ tôi làm 2 cái đám tang rồi đó”- chú Tân bùi ngùi nói.

Tâm sự về chuyện đóng áo quan từ thiện, chú Tân nói rằng, đó là nghĩa tận cho một kiếp người. Nhưng hơn nữa, đó là mình đang giúp đỡ người thân ở lại. Nhà nghèo, hòm rương, tiền xe, tổ chức đám cũng tốn 6-7 triệu đồng, đôi khi người ở lại phải vay mượn mới có. Chú nguyện chia sẻ phần đó. 8 năm, không biết bao nhiêu chiếc áo quan được cho đi, cái còn lại là một tấm lòng và tình người.

Trên những cung đường nhân ái

Tôi biết chú Tân qua “những cung đường nhân ái”, cách mà những người làm từ thiện ở TP Cần Thơ hay gọi chú. Chuyện là chú có 2 chiếc xe, một chiếc xe 7 chỗ dùng chở bệnh nhân từ thiện và chở áo quan từ thiện; chiếc xe tải dùng chở đồ từ thiện. Bất kỳ nhóm từ thiện nào có nhu cầu chở đồ đạc, từ quần áo, vật dụng đến thuốc nam, củi… chú đều sẵn lòng. Giữa tháng 6 này, gọi điện hẹn chú cà phê chú đều nói “tiếc quá” bởi có hôm chú đang chở thuốc nam cho một ngôi chùa tận Đất Mũi, Cà Mau; có khi chú chở quần áo cho người nghèo miệt Vị Thủy, Hậu Giang. Người đàn ông 64 tuổi vẫn chắc tay lái trên những cung đường nhân ái.

Cô Đặng Thị Tuyết, chủ nhiệm nhóm Nối vòng tay lớn - quê hương nghĩa tình, mỗi khi đi tặng quà từ thiện ở xa đều nhờ chú Tân giúp sức. Cô Tuyết nói rằng, hiếm có ai nhiệt tình như chú Tân. Từ vai trò tài xế đến khuân vác… chú đều xông xáo. Còn Nguyễn Hồng Lãm, một bạn trẻ đam mê việc thiện nguyện, thì chia sẻ, những nghĩa cử rất đẹp của chú Tân đã khiến em cảm phục rất nhiều.

64 tuổi, các con có cơ ngơi riêng, chú Tân cho vậy là đời mình đã viên mãn. Vốn là thợ cơ khí rồi chạy xe chở thuê, bây giờ chú dành hết tâm sức cho việc thiện nguyện. Cô Lê Thị Hồng Hoa, vợ chú Tân, cũng là một người thiện nguyện có tiếng ở Cần Thơ khi dạy móc len miễn phí cho người khuyết tật và hỗ trợ việc làm cho họ. Kinh tế gia đình hiện nhờ vào tài vén khéo của cô. “Tôi thì ăn cơm bụi, cơm từ thiện quen rồi. Mình sống nhờ tình thương mọi người thôi. Ở nhà thì có vợ nuôi!”- chú Tân nói đùa. Còn cô Hoa thì thật tâm mà nói: “Thấy ông ấy làm việc nghĩa vậy tôi cũng ủng hộ thôi. Chuyện có ích cho đời mà”.

Bởi thế mà chú Tân mãn nguyện khi việc làm của mình có sức lan tỏa. Nhiều người biết và san sẻ với chú từ hỗ trợ kinh phí đến công sức. Nhiều “ông bạn già” của chú cứ rảnh tay là đến phụ việc. Chú Tân kể, nhiều chủ cửa hàng bán đinh vít, thay lốp xe… khi biết chú làm việc thiện nguyện đã tặng không.

Tấm lòng đã lay chuyển tấm lòng, yêu thương đã nối tiếp yêu thương…♦

Chia sẻ bài viết