20/02/2011 - 10:59

Xem "Tây Sơn hào kiệt"

Nghĩ về phim lịch sử Việt Nam

Phim điện ảnh “Tây Sơn hào kiệt” do Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất, NSƯT Lý Huỳnh làm tổng đạo diễn, đã ra mắt vào giữa năm 2010 nhưng mãi đến dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khán giả màn ảnh nhỏ mới có dịp thưởng thức trên sóng truyền hình. Phim được đầu tư khá hoành tráng nhưng vẫn chưa chinh phục được người xem một cách trọn vẹn.

Phim “Tây Sơn hào kiệt” tái hiện lại hào khí chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là vị anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trong cuộc phù Lê diệt Trịnh và đại phá 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.

Dù bối cảnh khá hoành tráng nhưng “Tây Sơn hào kiệt” vẫn chưa làm khán giả hài lòng.
Ảnh: sggp.com.vn 

Trước hết phải ghi nhận, hãng phim Lý Huỳnh đã đầu tư khá lớn cho phim với kinh phí trên 12 tỉ đồng. Có thể nói, đây là phim lịch sử Việt Nam được tổ chức khá hoành tráng từ trang phục đến bối cảnh, đạo cụ: xe ngựa, pháo súng và những đại cảnh chiến tranh vào thời đó, diễn viên quần chúng đông đảo, không còn cảnh “loe hoe vài lính tốt” như các phim cùng đề tài trước đây. Đặc biệt, phim có những pha đấu võ thuật khá thực với sự góp mặt của hơn 200 võ sĩ Vovinam.

Tuy nhiên, “Tây Sơn hào kiệt” vẫn làm nhiều người yêu phim Việt chưa thật sự hài lòng. Với tựa đề phim, khán giả ngỡ sẽ khắc họa hình ảnh “Tây Sơn tam kiệt”: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ hoặc cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nhưng phim lại rơi vào kiểu “thuyết minh lịch sử”, dàn trải, thiếu điểm nhấn. Nhân vật được chú ý nhiều là hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ do diễn viên Lý Hùng thủ vai đã không làm nổi lên được bản lĩnh, cá tính thâm trầm, điềm tĩnh và quyết đoán của một vị hoàng đế xuất thân áo vải vang danh sử sách. Trong phim, người ta chỉ thấy một nhân vật hoàng đế không ra hoàng đế, tướng lĩnh không ra tướng lĩnh, múa may, gào thét, hô hào. Còn công chúa Ngọc Hân (hoa hậu Thùy Lâm đóng) đẹp, đài các, lại thiếu sự sắc sảo, kiên cường và tiết tháo như truyền sử. Đáng nói nhất là nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh (NSND Thế Anh đóng) được xây dựng hời hợt với một mẫu người hèn nhát, kém cỏi chứ không toát lên được bản chất của một nhân vật tham vọng và thủ đoạn.

Cách xây dựng nhân vật phản diện của phim như: Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh... đều chung chung kiểu: hèn yếu, bỏ chạy, bất tài... thậm chí “ngớ ngẩn” mà không lột tả được sự gian hùng, ác độc và ngạo mạn của những danh tướng của nước lớn. Nhưng hạt sạn làm khán giả khó chịu là lời thoại của các nhân vật trong phim quá “hiện đại”.

Đáng nói nhất là một số chi tiết không đúng với lịch sử. Sử sách đều ghi Sầm Nghi Đống bị vỡ trận, nhục nhã và thất vọng đã treo cổ tự tử, nhưng trong phim thì lại bị chính Nguyễn Huệ tiêu diệt (!).

Dĩ nhiên, không thể so sánh phim lịch sử Việt với phim lịch sử của Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc... Nhưng nếu có sự chăm chút hơn thì phim sẽ không rơi vào những sai sót không đáng có. Những phim khai thác đề tài lịch sử trước đây như: “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Lục Vân Tiên”, “Long thành cầm giả ca”, “Khát vọng Thăng Long” hay “Tây Sơn hào kiệt”... tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn thu hút rất đông khán giả đến rạp hay qua màn ảnh nhỏ. Khán giả kỳ vọng rằng, sau “Tây Sơn hào kiệt”, sẽ có thêm nhiều bộ phim lịch sử được thực hiện chân thực, nghiêm túc hơn để người Việt thêm tự hào về sử Việt.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết