16/12/2009 - 08:48

Nghi vấn xung quanh vụ bắt giữ vũ khí Triều Tiên ở Thái Lan

Các thành viên phi hành đoàn bị bắt giữ tại Thái Lan. Ảnh: AFP

Ngày 14-12, tòa án Thái Lan bắt đầu thụ lý vụ một máy bay chở 35 tấn vũ khí của Triều Tiên bị bắt tại sân bay quân sự Don Muang cuối tuần rồi. Nếu bị kết tội sở hữu vũ khí trái phép, các thành viên phi hành đoàn, gồm 4 người Kazakhstan và một người Belarus, có thể bị kết án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, bối cảnh vụ bắt giữ, cũng như vì sao chiếc máy bay chở vũ khí trái phép lại tiếp nhiên liệu ở một quốc gia đồng minh của Mỹ, đang làm phát sinh nhiều nghi vấn. Báo Christian Science Monitor (Mỹ) ngày 14-12 có bài phân tích về vấn đề này như sau:

Chiếc máy bay chở hàng đã bị giữ lại sau khi đáp xuống sân bay Don Muang hôm 12-12. Phi hành đoàn cho biết họ đang vận chuyển thiết bị dùng để khai thác dầu. Tuy nhiên, cảnh sát phát hiện nhiều thùng niêm phong cẩn thận chứa súng phóng lựu, bệ phóng tên lửa và các loại vũ khí nhỏ khác. Bắt giữ 35 tấn vũ khí là vụ quy mô nhất kể từ khi LHQ áp lệnh trừng phạt Triều Tiên, và theo quy định, Thái Lan sẽ báo cáo lên LHQ trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều vấn đề chính xung quanh vụ việc vẫn chưa được lý giải, như điểm đến cuối cùng của chiếc máy bay này là ở đâu, ai là người mua vũ khí, và vì sao phi hành đoàn lại mạo hiểm tiếp nhiên liệu ở Thái Lan.

Cảnh sát Thái Lan cho biết họ đã khám xét chiếc Ilyushin-76 đăng ký tại Gruzia, dựa theo chỉ điểm của tình báo Mỹ và sự hỗ trợ của các nước khác. Theo khai báo của phi hành đoàn, máy bay xuất phát ở Ukraina và đang trở về nước này. Sau Thái Lan, họ còn dự định ghé qua Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) để tiếp nhiên liệu, một thành viên viên phi hành đoàn nói với tờ New York Times (Mỹ). Trong khi đó, báo giới Thái Lan dẫn lời các quan chức cảnh sát cho rằng vũ khí có thể “dừng lại” tại Trung Đông. Còn Panitan Wattanyagorn, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, thì cho biết các thành viên của chiếc Ilyushin-76 đưa ra lịch trình khác nhau về chuyến bay, vì vậy không thể biết chính xác máy bay đang đi tới đâu. Có thành viên khai rằng điểm tiếp nhiên liệu tiếp theo là Sri Lanka chứ không phải UAE, nhưng các quan chức Sri Lanka nói họ không biết về điều này.

Nhiều người hoài nghi việc bắt giữ máy bay đã được dựng lên theo kế hoạch. Các nhà quan sát cho rằng vẫn chưa rõ vì sao phi hành đoàn lại dự định tiếp nhiên liệu ở nhiều nơi như vậy, khi mà họ đang chở hàng cấm. Hơn nữa, Thái Lan có truyền thống hợp tác với Mỹ trong các vụ án lớn, nên đây là trạm dừng chân rất nguy hiểm cho một chiếc máy bay chở vũ khí, nhất là của Triều Tiên. Cựu nhân viên CIA Paul Quaglia, giám đốc cơ quan tư vấn an ninh PSA châu Á ở Bangkok, cho rằng “mọi chuyện đã được sắp đặt từ đầu chí cuối” nhằm làm bẽ mặt giới lãnh đạo Triều Tiên. Theo ông Quaglia, phi hành đoàn có thể là một phần trong kế hoạch và sau đó họ sẽ bị trục xuất một cách lặng lẽ khỏi Thái Lan.

Vụ bắt giữ trên được xem là tai họa đối với Triều Tiên, vốn là quốc gia có nguồn thu lớn từ buôn bán vũ khí nhưng bị LHQ cấm. Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Triều Tiên xuất khẩu công nghệ hạt nhân tới nhiều nước khác như Iran, và giục LHQ siết chặt lệnh cấm vận đối với nước này hồi tháng 6 vừa qua, nhằm trả đũa việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai.

N. KIỆT

Chia sẻ bài viết