23/05/2011 - 21:18

Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

Nghị quyết số 21/NQ-TW góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở ĐBSCL

Ngày 20-1-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2010 (gọi tắt là Nghị quyết 21-NQ/TW). Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, về những thành tựu đạt được sau gần 10 năm Nghị quyết này đi vào cuộc sống.

* Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đến nay, ĐBSCL đã đạt được những thành tựu gì, thưa đồng chí?

- Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế vùng ĐBSCL có những chuyển biến rõ nét và đạt được những thành tựu khá toàn diện. Môi trường đầu tư vùng được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều nằm ở tốp khá và tốt. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch đúng hướng. Cuối năm 2010 so với giai đoạn 2001-2005: tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP từ 44,92% giảm còn 39%; ngành công nghiệp, xây dựng thu hút nhiều lao động, đưa tỷ trọng từ 23,3% lên 26%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ từ 31,78% lên 35%. Ngoài ra, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm của vùng ĐBSCL tăng gấp 2,5 lần so năm 2001...

Hoạt động văn hóa-xã hội được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng (theo chuẩn mới) đến năm 2010 giảm còn 13,45%; giải quyết việc làm bình quân 375.000 lao động/năm; tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt trên 87%. Thông qua các chương trình an sinh xã hội, các địa phương như: Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp,... đã huy động nguồn lực từ xã hội đóng góp hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư phát triển. Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình đã được đầu tư phát triển, nội dung phong phú, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân. Giáo dục- đào tạo nghề là một trong những khâu đột phá để nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của vùng. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng; mạng lưới y tế trong vùng được tăng cường và phát triển. Gần 10 năm qua, các dịch bệnh xảy ra trong vùng đều được kiềm chế và dập tắt kịp thời.

Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong vùng được củng cố và tăng cường, nhất là trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng biển, đảo; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Sự phối hợp giữa quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng chặt chẽ hơn. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân được tăng cường, nâng cao chất lượng...

* Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc đã đạt được những thành quả như thế nào, thưa đồng chí?

- Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những kết quả quan trọng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã giải quyết hỗ trợ 88.665 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ đất ở 2.580 hộ, đất sản xuất 2.756 hộ, đào tạo nghề 5.986 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 10.657 lao động; hỗ trợ vay vốn mua máy móc, công cụ lao động cho 524 hộ. Chính sách trợ giá, trợ cước, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 tỉnh ĐBSCL trên 100 tỉ đồng, giải quyết cho trên 3.000 hộ vay vốn để phát triển sản xuất...

Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL là một trong những mục tiêu trọng tâm
của Nghị quyết 21-NQ/TW. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG 

Có thể nói, nhờ các chương trình, dự án trên và ý thức tự lực, tự cường vượt qua đói nghèo của đồng bào dân tộc được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên đủ ăn, có hộ trở thành giàu có; nhiều nơi xuất hiện mô hình tập thể, cá nhân dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm, còn 24% vào cuối năm 2010 ...

* Đâu là những yếu kém, hạn chế cần khắc phục của vùng ĐBSCL trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, thưa đồng chí?

- Tuy đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng nhưng hiện nay các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều mặt yếu kém, hạn chế cần khắc phục. Những thành tựu và kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Thu nhập bình quân đầu người tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đạt mức bình quân chung của cả nước. Nông nghiệp có lợi thế nhưng chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả cao. Các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của địa phương chưa tạo được thương hiệu mạnh nên giá các mặt hàng nông sản không ổn định. Nền kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL quy mô nhỏ, rủi ro cao, bị đe dọa nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hầu hết còn nghèo, cuộc sống khó khăn. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ở ĐBSCL, nhiều mặt phát triển chậm so với các vùng miền khác, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tuy được tập trung đầu tư trong các năm qua, nhưng cơ bản vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong tham mưu, quản lý điều hành ở các cấp còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng giáo dục vẫn còn thấp so với các vùng khác. Trang thiết bị giảng dạy thiếu, lạc hậu, giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, chủ yếu dạy nghề ngắn hạn...

* Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL tổng kết thực hiện Nghị quyết 21 - NQ/TW. Công việc này đã được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiến hành thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

-Thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết 21 - NQ/TW, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết với các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu cần tập trung. Cụ thể như sau: Việc tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được; tồn tại và nguyên nhân; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện; chú trọng việc làm rõ chuyển biến mới, những nhân tố điển hình để nhân rộng. Qua đó, tổng hợp báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về những chủ trương, giải pháp, phương pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 (thay thế Nghị quyết 21-NQ/TW). Yêu cầu tổng kết, đánh giá phải khách quan, đúng thực chất, có lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm như: vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau); xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL; đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, các tuyến biên giới trên bộ, trên biển...

Với các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, sau hơn 3 tháng tập trung thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cơ quan chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong vùng, đến nay công tác chuẩn bị cho hội nghị tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW cơ bản đã hoàn tất... Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 6 - 2011.

* Xin cảm ơn đồng chí!

THANH LONG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết