30/07/2018 - 07:11

Nghị lực một thương binh 

Đôi chân gửi lại chiến trường, thương binh 1/4 Trần Thanh Tùng (khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn) với ý chí, nghị lực vượt khó phi thường của người lính Cụ Hồ, đã vượt qua bao khó khăn, cần cù lao động, sống có ích, làm điểm tựa vững chắc cho gia đình...

Anh Tùng đánh cá trên rạch Bằng Lăng. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Anh Tùng đánh cá trên rạch Bằng Lăng. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Lúc chúng tôi đến, anh Tùng bơi xuồng đánh cá trên rạch Bằng Lăng vừa về đến bến. Anh Tùng cắm cây sào xuống lòng rạch, neo xuồng sát bờ, chồm mình lấy hai chiếc ghế gỗ đặt sẵn trên cầu tại bến sông, dùng hai tay di chuyển hai chiếc ghế gỗ để vào nhà.

Trong căn chòi ở bến sông, anh Tùng nhớ lại, năm 1984, tròn 18 tuổi, anh tình nguyện nhập ngũ. Anh được biên chế ở Trung đoàn Công binh 550 (Binh đoàn Cửu Long), làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Khoảng tháng 3-1986, lúc đi lấy nước cho đơn vị, tại địa bàn giáp Thái Lan, anh đạp phải quả mìn K58 địch cài sẵn, mất cả hai chân. Anh Tùng được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 121 Quân khu 9, rồi đến Trại điều dưỡng thương binh Quân khu 9 ở tỉnh Sóc Trăng. Anh Tùng bộc bạch: “Mất đôi chân, nhưng tôi nghĩ mình còn đôi bàn tay và tuổi đời còn trẻ nên tôi quyết định không ở trại điều dưỡng, mà về quê sinh sống với gia đình”.

Với chiếc ba lô, vài bộ quân phục bạc màu và tấm thẻ thương binh ¼, anh Tùng về quê, quyết tâm vượt lên thương tật, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu,  anh cố gắng luyện tập, tự lo sinh hoạt cá nhân, không làm phiền người khác. Anh Tùng mày mò đóng 2 chiếc ghế nhỏ, tập dùng 2 tay cầm ghế, tự di chuyển. Tuy khó khăn, lúng túng bước đầu nhưng dần dần việc di chuyển dễ dàng, anh sống lạc quan hơn.

Năm 1987, anh Tùng lập gia đình với chị Nguyễn Thị Đức, được gia đình cho 500m2 đất để xây dựng cuộc sống riêng và sau đó được Nhà nước tặng Nhà tình nghĩa. Những năm đầu mới cưới, với tiền trợ cấp thương binh và tiền làm mướn của vợ, cuộc sống gia đình tạm ổn định. Khi 2 con lần lượt ra đời, gánh nặng chi tiêu gia đình, việc học hành, khiến cuộc sống dần khó khăn. Anh Tùng nói: “Thời điểm khó khăn, tôi nghĩ, bom đạn chiến trường ác liệt, thương tật còn vượt qua được, chẳng lẽ giờ bó tay trước đói nghèo. Tôi quyết định kiếm việc làm để thêm thu nhập, không trông chờ tiền trợ cấp thương binh”.

Đầu tiên, anh Tùng ngồi xe lăn bán vé số dạo, nhưng không thành công vì nhiều lần bị kẻ xấu cướp giật tiền và vé số. Không nản chí, anh bàn với vợ cải tạo vườn trồng rau, quả, xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà, vịt, bồ câu. Hằng ngày, anh bơi xuồng dọc rạch Bằng Lăng đặt lờ, thả lưới bắt cá, soi ếch để bán và có thức ăn cho cả nhà. Nhờ chịu khó, cần cù lao động, gần 20 năm qua, cuộc sống gia đình anh luôn ổn định. Hiện con trai lớn của anh đã trưởng thành, lập gia đình, làm tài xế cho doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Nóc; con gái út chuẩn bị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ.

Anh Tùng bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm, mình là người may mắn được sống và trở về với gia đình, dẫu mất đi phần thân thể, vì vậy phải sống tốt, có ích cho gia đình, xã hội...”. Theo lãnh đạo phường Phước Thới, anh Tùng là thương binh giàu nghị lực, biết khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên trong cuộc sống, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước.

PHƯƠNG NAM

Chia sẻ bài viết