15/08/2018 - 15:42

Nghị lực chị Nhiều 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhiều, khu vực Thạnh Thắng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, luôn giữ nụ cười lạc quan. 8 năm qua, từ ngày chồng chẳng may bị tai nạn giao thông qua đời, chính nghị lực, niềm tin giúp chị Nhiều thêm bản lĩnh đối diện với khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, nuôi dạy hai con…

Ngừng tay may giỏ, chị Nhiều thắp cho chồng nén hương như để giấu cảm xúc khi nhắc chuyện cũ. Chị Nhiều cho biết, vừa cúng giỗ chồng lần thứ 8, mời bà con trong xóm bao năm qua cưu mang, đùm bọc ba mẹ con chị trên quê hương thứ hai này. Chị Nhiều từng trải qua thời gian nghèo khó ở quê nghèo tỉnh Hậu Giang, bươn chải khắp nơi làm nhiều việc phụ giúp cha mẹ nuôi các em thơ. Năm 2005, chị Nhiều lập gia đình với anh Lê Văn Hai. Hằng ngày, chị theo chồng mưu sinh nghề phụ hồ. Khi con trai đầu lòng Lê Trọng Phúc được 2 tuổi, vợ chồng bàn bạc vay mượn thêm tiền mua mảnh đất nhỏ, che tạm chòi lá ở gần nhà mẹ chồng, sau này có điều kiện cất nhà tươm tất, chăm lo tương lai con cái. Năm 2010, cuộc sống đang bình yên thì tai họa bất ngờ ập đến, lúc con gái thứ hai Lê Thị Ngân 5 tháng tuổi, anh Hai qua đời, để lại món nợ mua đất. Ba mẹ con chị Nhiều nương tựa mẹ chồng và bà con xóm nghèo sống qua ngày với nghề dệt chiếu lác. 

Chị Nhiều tranh thủ thời gian nhàn rỗi may hàng gia công.

Cuối năm 2010, cuộc sống chừng như bế tắc, đang loay hoay tìm việc làm để trả nợ dần, thông qua Báo Cần Thơ, chị Nhiều được Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông 586 Cần Thơ hỗ trợ xây tặng Căn nhà Nhân ái. Ổn định chỗ ở, được chị em trong xóm giới thiệu, chị Nhiều nhận vé số bán buổi sáng, buổi chiều phụ mẹ chồng phơi lác, dệt chiếu. Năm 2011, chị Nhiều là hội viên phụ nữ nghèo Chi hội phụ nữ khu vực, được giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chị Nhiều nói: “Thời điểm đó, gia cảnh thắt ngặt lắm, hai con còn nhỏ, làm bữa nào ăn bữa đó. Tuy nhiên, được bà con trong xóm động viên, giúp đỡ, tôi không cảm thấy cô đơn mà có thêm động lực để làm nhiều việc. Mấy dì, chị trong xóm cần gì cũng “hú” tôi phụ giúp, để có tiền nuôi con, dành dụm trả nợ dần”. Khi đến mùa vụ, chị Nhiều gởi  hai con đến trường, theo các chị đi gặt lúa, đốn mía cả tuần. Chị Nhiều “lân la” chợ Cái Chanh xin “chân” tạp vụ tại Trạm y tế phường; dọ tìm phụ việc chạy bàn, dọn dẹp quán bún riêu đến trưa; buổi chiều, tranh thủ nhận giặt giũ mướn…

Chị Nhiều vui vẻ nhất khi kể về các con. Khi Trọng Phúc học lớp 4, dáng vẻ cao ráo, yêu thích và có khiếu thể thao nên được chọn vào học Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao TP Cần Thơ. Cứ hai tuần, Phúc về thăm nhà, mạnh khỏe, hoạt bát và rất hiểu chuyện. Phúc kể mẹ nghe chuyện được tham quan, giao lưu đây đó; đi thi đấu võ thuật ở Đà Nẵng, Huế đạt giải thưởng; Phúc cũng thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, phụ giúp mẹ việc nhà, vui đùa với em… Chị Nhiều xúc động, vui mừng khi thấy con trai chững chạc, trưởng thành và càng có thêm động lực, hăng say làm việc. 

Nhanh tay cắt chỉ, vải thừa, sắp xếp đống ba lô trên nền gạch, chị Nhiều nói, ráng may xong đợt hàng này, rồi nhận thêm đợt khác, kiếm tiền mua tập sách, quần áo năm học mới cho 2 con. Chị được em họ hướng dẫn nghề may gia công hơn năm nay, thêm thu nhập, trang trải chi tiêu hằng tháng. Chị Nhiều vui vẻ kể: “Tôi học gần 1 tháng là thạo việc. Mỗi ngày, tôi tranh thủ bán vé số, nấu cơm xong là may hàng đến tối. Nghề này không cần xuất vốn, chỉ nhận nguyên liệu, rồi ra công ráp thành phẩm, với tiền công từ 4.500 – 6.000 đồng/cái”. Để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chị Nhiều vừa trích vốn vay mua máy may công nghiệp. Quay sang cuộn dây nhựa nhiều màu sắc nơi góc nhà, chị Nhiều khoe, hơn tháng qua, tham gia lớp nghề đan giỏ nhựa do phụ nữ phường phối hợp tổ chức mỗi tối. Học thạo nghề, chị mua dây nhựa về đan vài cái giỏ để “tiếp thị” và được chị em trong xóm đặt hàng. Chị Nhiều bộc bạch niềm vui được hỗ trợ 10 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp căn nhà: “Tôi an tâm vì trả dứt nợ, có nhà ở, việc làm, thu nhập ổn định, các con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Tôi sẽ nỗ lực làm việc để thoát nghèo, hướng đến  tương lai tươi sáng”.     

Chị Phạm Thị Ánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Thắng, nói: “Nhờ chính quyền, đoàn thể khu vực giúp đỡ, xóm giềng cưu mang, cộng đồng trợ giúp, nhưng trên hết vẫn là tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó, chị Nhiều từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống, nuôi dạy 2 con khôn lớn, học hành tử tế. Hiện cuộc sống mẹ con chị Nhiều tương đối ổn định. Chúng tôi tiếp tục động viên, hỗ trợ mọi mặt để chị có thể vươn lên thoát nghèo bền vững thời gian tới”. 

Chuyên trang Chính sách giảm nghèo do Báo Cần Thơ phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ thực hiện.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết