07/06/2014 - 18:41

Nghề vịt chạy đồng

Bút ký: Đặng Duy Khôi

Dân gian đã đúc kết: “Muốn nghèo nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” để chỉ sự hẩm hiu, bèo bọt của nghề nuôi vịt, nhất là vịt chạy đồng. Thế nhưng ở miền châu thổ Cửu Long, vẫn còn nhiều người gắn chặt đời mình với đàn vịt chạy đồng, quanh năm rong ruổi xứ lạ quê người.

Cánh đồng Bến Bào (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) những ngày đầu hè tràn ngập sắc trắng của vịt chạy đồng. Tiếng kêu rền vang của lũ vịt trong buổi chiều tà, khi mặt trời treo lơ lửng trên ngọn tre già. Thỉnh thoảng người lùa vịt về chuồng lại cầm cây ven - cây trúc hoặc sậy có treo bọc nilông hoặc miếng vải trên ngọn để lùa vịt – và hô lớn “diều, diều…” điệu nghệ điều khiển đàn vịt cả ngàn con về chuồng.

Vịt chạy đồng ở đồng Bến Bào (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).  Ảnh: D. KHÔI 

Chuồng vịt của ông Nguyễn Văn Hùng (Ba Hùng) nằm sát kinh Mới, xã Vĩnh Lộc A. Vừa qua tuổi 57 nhưng ông Ba Hùng có vẻ già dặn và lao khổ hơn so với tuổi của mình. Tôi đến căn chòi khi ông Ba vừa ăn cơm chiều xong và nằm “xả hơi” trên chiếc võng được mắc trên hai cây bạch đàn ở bờ kinh. Sau một hồi uống trà giữa cánh đồng quạnh vắng, ông Ba Hùng bồi hồi: “Vậy mà đã ngót 30 năm vợ chồng tôi theo nghề này. Rong ruổi, cực khổ biết bao nhiêu, nhưng được cái vui, bạn bè cũng nhiều nên mến nghề!”. Vợ chồng ông Ba Hùng nguyên quán ở xã Vĩnh Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Vì ít đất sản xuất, gặt lúa mướn cũng không có việc để làm quanh năm nên năm 1983, vợ chồng ông quyết định nuôi vịt chạy đồng. Mặc dù nghề này không đem đến giàu có nhưng cũng đủ sống qua ngày. Năm 1991, trong một lần bán đàn vịt gần 500 con để gầy đàn mới, vợ chồng ông bị kẻ gian giật tiền. Thời ấy, mỗi con vịt đẻ trị giá 1 giạ lúa khô. Vậy là, ông Ba Hùng đành ngậm ngùi bán đất, bán nhà trả nợ, rồi bỏ xứ ra đi…

Nhấp ly trà quạu, ông Ba Hùng kể, xui rủi cũng qua, niềm vui cũng tới. “Trời đâu triệt đường sống con người!” – ông khẳng khái. Chuyển đến sống ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, ông Ba Hùng vẫn theo nghề nuôi vịt. Cũng nhờ nuôi vịt mà gia đình ông Ba dần khấm khá, mua đất, sắm máy cày, máy suốt lúa, có tiền cất nhà tường, cưới dâu, gả con. Gả con gái, ai cũng mỉa mai rằng chắc vợ chồng Ba Hùng “hồi môn” cho con mấy chục con vịt đẻ. Nhưng khi Ba Hùng “gởi cho con làm ăn” 2 cây vàng, ai cũng trầm trồ: “Ông Ba nuôi vịt mà làm giàu”. Đàn vịt của ông giờ có đến khoảng 2.800 con. Mỗi năm, ông hết về miệt Bạc Liêu, Cà Mau rồi lại lên An Giang, Kiên Giang tìm đồng cho vịt. Giờ thì ông Ba đã quen với cảnh lấy đồng ruộng làm nhà, vịt làm bầu bạn và dân tứ xứ đều là bằng hữu thâm giao.

Ở cánh đồng Bến Bào, còn rất nhiều người gắn bó vài chục năm với nghề vịt chạy đồng như ông Ba Hùng. Ông Năm Tòng quê ở Thạnh Phú, Cờ Đỏ; ông Ba Gia, Tư Chắc ở Phước Long, Bạc Liêu… Người ít nhất cũng sở hữu khoảng 1 ngàn con vịt; người nhiều có đến 3-4 ngàn con. Ngọn gió đồng thổi thốc tháo vào căn chòi trống không của ông Ba Hùng, tiếng vịt kêu đêm, tiếng ếch nhái ểnh ương hòa cùng tiếng mẹ ru con buồn buồn ở cánh đồng Bến Bào này chắc hẳn khiến ai đã trải qua một lần khó mà quên.

***

Đưa mắt nhìn ra bờ ruộng, ông Ba Hùng nhớ lại đã 28 năm ông ăn Tết xa nhà. Hằng năm, khoảng 28 Tết, ông Ba bắt đò dọc về quê dọn dẹp bàn thờ, làm mâm cơm cúng ông bà rồi trở lại chăm sóc đàn vịt. Bạn bè trong xóm vẫn thường nói vui rằng: “Ông Ba Hùng có nhà không ở đi ở ngoài đồng, có bạn không chơi mà đi “chơi” với vịt”.

Ông Ba Hùng vui vẻ cho biết lần này trúng đồng, vịt đẻ sai, mỗi đêm “rớt” hơn 2.500 hột vịt. Sợ nhất mấy lần “lật đồng”, nghĩa là đồng ít cá, ốc hay lúa rơi vãi, vịt xuống sức, không còn mắn đẻ. Câu chuyện về đời, về nghề của ông Ba thu hút tôi mãi. Những “thuật ngữ” mà chỉ người trong nghề mới hiểu, như: “ven vịt” - nghĩa là cầm cây ven lùa vịt theo ý mình, tránh bị sổng bầy, nhập bầy với đàn vịt của người khác; “xả lông” – tức công việc bứt lông cho vịt ngưng đẻ nhằm dưỡng vịt; “xuống bồn” – tức những giai đoạn không có đồng cho vịt ăn, phải dùng lưới giữ vịt tại nhà… Đồng này hết mồi, ông Ba Hùng lại “gả vịt”, mướn tàu chở vịt sang đồng khác. Vậy là thêm một miền đất mới ông đã đi qua và ở lại, đã trải nghiệm và nhớ thương.

Nếu ai nghĩ, “lượm trứng lấy tiền” là công việc dễ nhất thì dường như đã lầm. Trong chuồng vịt gần 100m2, nền đất trắng xóa trứng vịt, cha con ông Ba Hùng như những nghệ sĩ xiếc đi trên sợi dây căng. Đôi chân uyển chuyển, khéo léo, chỉ đi bằng mũi bàn chân, chen vào từng khoảng trống để tránh đạp trứng vịt. Không phải là người nuôi vịt chạy đồng hẳn sẽ choáng ngợp khi thấy gần 3 ngàn hột vịt nằm lô nhô, trắng xóa trên mặt đất. Mỗi buổi chiều, đàn vịt về chuồng đều phải qua “trạm kiểm soát” của anh Của – con trai ông Ba Hùng. Gần 3 ngàn con vịt nháo nhào, kêu la rền vang lại phải đếm từng con cho đủ số lượng, quả thật không dễ dàng. Nhưng với những người dày dặn nghề, đó là chuyện thường như “cơm bữa” và là bài học sơ đẳng nếu ai muốn theo nghề nuôi vịt chạy đồng.

***

Gần 60 tuổi đời, 30 tuổi nghề, ông Ba Hùng vẫn chưa có ý định bỏ nghề. 8 đứa con của ông đã có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa khang trang. Ông Ba Hùng theo vịt chạy đồng bởi thương cái nghề lận đận mà vui. Hễ vắng vịt mấy ngày là ông thấy buồn, thấy nhớ. Xa xứ, xa quê, chưa quen được bạn, đêm đêm ông nằm nghe tiếng tu hú kêu đêm và… “nói chuyện” với vịt. Ông coi những chuyến chạy đồng là những chặng hành trình mới, lấy sông nước xứ người làm bạn, sống chan hòa với đồng ruộng, rẫy bái.

Nghe tiếng vịt kêu đêm là ông biết vịt khỏe hay bệnh: vịt “khẹt” là sắp bị cúm, vịt “hả họng” là bị phổi… lấy thuốc “dằn” ngay. Ông Ba nói rằng, bây giờ người nuôi vịt được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng nên ít xảy ra dịch bệnh. “Nuôi vịt không chịu tiêm phòng là “chơi không đẹp”. Không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho người khác, mấy người đó anh em bạn vịt tẩy chay liền” – ông Ba nói. Ông Ba Hùng còn rành luôn lịch thời vụ của nhà nông vùng châu thổ Cửu Long này. Ông có thể kể vanh vách miệt Tháp Mười tháng mấy lúa chín, miệt Ba Thê – Núi Sập tháng mấy gặt lúa...

Lần đưa vịt đến đồng Bến Bào này, ông Ba Hùng có ý định chọn vợ cho con trai Út. Chẳng là cho vịt ăn đồng Bến Bào, ông Ba có dịp quen ông Út, có con gái trạc tuổi thằng Út của ông, tính tình hiền lành lại đẹp người. Mấy lần uống trà với ông Út, ông Ba cũng ưng vì gia đình nề nếp. Nếu thành công thì đây là lần thứ 7 ông Ba làm sui trong những lần đưa vịt chạy đồng. Sui gia ông Ba có người ở Kiên Giang, có người ở An Giang, Bạc Liêu… Vịt cắm đồng, ông Ba cảm chủ đất ở cái nghĩa “thương người xa xứ lạc loài tới đây”; chủ đất cảm ông Ba bởi tính tình bộc trực, ăn ngay nói thẳng – thế là nên tình thông gia.

Tôi cảm nhận cái tình cái nghĩa của dân làm nghề vịt chạy đồng thân thiết như ruột thịt. Dường như mấy câu ca dao: “Nước sông trong không lộn nước sông ngoài. Thương người xa xứ lạc loài đến đây” đã trở thành phương châm của những người sống phận chạy đồng. Họ cũng biết rằng, giữa con nước lớn ròng, giữa gánh đời mưu sinh nơi đồng ruộng, không đoàn kết giúp đỡ nhau thì sao sống được. Họ sẵn sàng chia đồng, tìm đồng cho vịt, bắt tay nhau trong tiêu thụ trứng vịt…

***

Đêm Bạc Liêu, ông Ba Hùng lấy “bạn tri kỷ” là cây đờn ghi-ta phím lõm rồi cất giọng ca tài tử. Tiếng hát ông vang vọng giữa đêm, thỉnh thoảng lại được điểm xuyết bằng tiếng vịt la, tiếng vạc kêu sương… Một chút ngùi ngùi, một chút nhớ thương hòa lẫn vào không gian tĩnh mịch của đêm, dứt lời ca là một câu xuống xề: “Thương lắm vịt ơi, bỏ bạn sao đành...”.

Chia sẻ bài viết