04/05/2013 - 20:50

Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây - Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia

Nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng) trình diễn Chầm riêng Chà pây tại Liên hoan Dân ca Việt Nam -
khu vực Nam bộ 2013.

Ngày 24-4-2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định 1524/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 2-2013. Trong đó, nghệ thuật đàn hát Chầm riêng Chà pây của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ được vinh danh. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng về giá trị nghệ thuật, lịch sử của loại hình âm nhạc dân gian độc đáo đang có nguy cơ mai một này.

* Tinh hoa của âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ

Tại Liên hoan Dân ca Việt Nam - khu vực Nam bộ được tổ chức ở tỉnh Long An vào giữa tháng 4 vừa qua, nghệ nhân Lý Sêm, 80 tuổi, đến từ tỉnh Sóc Trăng, đã mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc du dương, truyền cảm và rất mộc mạc qua tiết mục hát ru bằng nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Bài hát ru được lưu truyền hàng trăm năm qua trong đời sống dân gian có nội dung thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã có công khai khẩn đất hoang để con cháu đời sau sinh cơ lập nghiệp và răn dạy con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết yêu quý lao động. Dù tuổi cao sức yếu nhưng tiếng đàn, giọng hát của ông vẫn còn réo rắt làm đắm say lòng người. Tiết mục của ông là một trong 5 tiết mục lọt vào vòng chung kết toàn quốc không chỉ vì hay mà còn vì sự độc đáo của nghệ thuật Chầm riêng Chà pây.

Hiện chưa có tài liệu nào xác định nghệ thuật Chầm riêng Chà pây có từ khi nào, nhưng người ta cho rằng nó xuất hiện từ rất lâu đời, sớm hơn cả nghệ thuật múa Rô Băm, kịch hát Dù kê hay hát À Dây… Đây là loại hình trình diễn âm nhạc dân gian trong đời sống sinh hoạt và lao động của người Khmer xưa. Theo tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là ca hát và “Chà pây” là tên một loại đàn. Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật độc xướng – độc tấu với đàn Chà pây đệm theo. Người trình diễn Chầm riêng Chà pây sẽ hát theo lời thơ có cốt truyện hoặc một vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống, khuyên mọi người ăn ở hiền lành, tránh làm điều ác. Nghệ nhân còn có thể ứng tác ngay trong lúc trình diễn theo kiểu “nghĩ gì hát nấy”. Điểm độc đáo của nghệ thuật này là không phải “vừa đàn vừa hát” như những loại hình âm nhạc khác mà nghệ nhân hát “chay” một đoạn rồi dừng lại để gảy đàn rồi hát tiếp… Do lời hát do nghệ nhân tự ứng tác nên mang bản sắc riêng của từng nghệ nhân và có thể đàn hát rất lâu, thâu đêm suốt sáng.

Nói đến nghệ thuật Chầm riêng Chà pây phải kể đến cây đàn Chà pây, hay còn được gọi là Chàpây đonvêng. Đây là loại đàn thuộc nhóm dây gảy, có cần rất dài, thùng đàn có nhiều hình dáng như: hình thang cân, tứ giác, lá bồ đề hay giống hình dáng trái khóm. Nhìn chung, đàn có hình dáng gần giống với đàn đáy của người Việt nhưng cần đàn dài hơn, thùng đàn to hơn, 4 góc của thùng đàn bo tròn chứ không vuông như đàn đáy. Đàn có cấu tạo gồm 5 bộ phận chính là thùng đàn, cần đàn, dây đàn, bộ phận lên dây và phím gảy. Cần và thùng đàn được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Hai dây đàn được làm bằng tơ se lại, một lớn, một nhỏ để cân chỉnh quãng âm. Ngày trước, phím gảy đàn được làm bằng ống tre nhỏ được mài giũa kỹ lưỡng, nghệ nhân dùng đeo vào ngón trỏ tay trái để gảy đàn giúp tạo âm thanh giòn giã, linh hoạt và chuẩn xác hơn. Đàn Chà pây có âm thanh trầm ấm, sâu lắng mang màu sắc tự sự, tình cảm êm đềm nên thích hợp những bài hát ru. Từ xa xưa, tiếng đàn Chà pây đã trở thành tinh hoa trong âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc Khmer. Tiếng đàn réo rắt, nhặt khoan như mang cả không khí ngày mùa, lễ hội, phong tục của phum sóc vào mỗi cung bậc, giai điệu. Đàn Chà pây còn được dùng trong nghệ thuật hát À dây, dàn nhạc lễ cưới, cúng thần nhưng có lẽ chỉ phát huy hết thanh sắc trong nghệ thuật Chầm riêng Chà pây.

Không rộn ràng, màu sắc cũng không quá cầu kỳ, phức tạp trong trình diễn như một số bộ môn nghệ thuật Khmer khác nhưng hình ảnh nghệ nhân một người một đàn, đàn hát Chầm riêng Chà pây đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ đồng bào Khmer trên vùng đất Nam bộ. Tiếng hát ân tình, dạy người ta cái đạo ở đời, cách đối nhân xử thế này đã trở thành phương châm sống, góp phần tạo nên cốt cách đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Việc nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bảo chứng cho sức sống bền bỉ và giá trị của loại hình nghệ thuật này.

* Nỗi lo mai một

Khẽ khàng ngồi ôm đàn Chà pây, tỉ mẩn chỉnh lại phím đàn, nghệ nhân Lý Sêm tâm sự rằng, ông là một nghệ nhân duy nhất ở huyện Trần Đề biết hát Chầm riêng Chà pây. Toàn tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ có khoảng 2-3 người. “Tui sợ chết mang theo. Vậy thì uổng lắm, cái hồn của dân tộc đó!” – nghệ nhân Lý Sêm trăn trở. Bởi vậy, lần ra Thủ đô tham dự Liên hoan Dân ca toàn quốc vào đầu tháng 5 này, nghệ nhân Lý Sêm mang theo cả tâm huyết giới thiệu tinh hoa trong âm nhạc dân gian Khmer để người có trách nhiệm có biện pháp giữ gìn.

Ngày trước, hầu như mỗi phum sóc đều có người biết hát Chầm riêng Chà pây. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, loại hình nghệ thuật này còn đóng vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối cách mạng cho đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng, theo thống kê hồ sơ xếp hạng, hiện toàn ĐBSCL số người biết đàn hát Chầm riêng Chà pây còn không tới chục người, có thể kể đến như: nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng), nghệ nhân Thạch Mâu (Trà Vinh), nghệ nhân Chau Nưng (An Giang), nghệ nhân Danh Xà Rậm (Bạc Liêu)… Đáng lo là hầu hết các nghệ nhân đều đã cao tuổi nhưng thế hệ kế thừa thì rất hiếm hoi. Nghệ nhân Chau Nưng, ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, ông đã có thử truyền dạy cho hàng chục thanh niên Khmer nhưng họ đều lắc đầu chịu thua bởi độ khó và thiếu đam mê. Ông Chau Nưng nói: “Hát Chầm riêng Chà pây thì phải có đam mê và kiên trì. Mấy ngón tay trái phải nhanh lắm thì mới vuốt kịp. Tụi nhỏ học hai ba ngày thì bỏ ngang, không chịu học nữa”.

Nghệ thuật được xem là tinh hoa là vậy nhưng việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy vẫn chưa được các cơ quan chức năng chú trọng. Hiện việc truyền dạy vẫn do những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc, không đành lòng “chết đem theo” nên cố truyền lại cho lớp trẻ. Chỉ một bộ phim tài liệu nói về nghệ thuật Chầm riêng Chà pây do Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh thực hiện hay những nỗ lực phục hồi của ngành văn hóa Trà Vinh dường như chưa đủ để bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, việc nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối tháng 4 vừa qua hy vọng sẽ trổi lên những khúc nhạc vui, tạo sinh khí mới để nghệ thuật âm nhạc dân gian phát triển, tồn tại lâu bền trong đời sống người dân Khmer Nam bộ. Mong sao tiếng đàn, lời ca của nghệ thuật Chầm riêng Chà pây – tiếng lòng nhân ái, bao dung của đồng bào Khmer - sẽ còn ngân mãi trong đời sống đương đại.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết