07/12/2018 - 20:18

Nghệ thuật biểu diễn Cần Thơ vươn xa 

Năm 2018 dần khép lại, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Cần Thơ, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên, ghi dấu một mùa “trái ngọt” khi thành công ở nhiều hội thi, hội diễn… Qua đó, những nét văn hóa truyền thống, nét đẹp Cần Thơ hôm nay, được quảng bá và hội nhập.

Chương trình thi diễn tại Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2018 của Cần Thơ.

Gần đây nhất, Cần Thơ ghi dấu ấn tại Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào cuối tháng 10. Đoàn nghệ thuật quần chúng TP Cần Thơ đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn; tất cả 6 tiết mục dự thi đều đoạt giải với 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. “Thắng đậm” này cho thấy sự chăm chút của ê- kíp vào chương trình, dàn dựng và khả năng thể hiện của những diễn viên không chuyên. Đó là những “đặc sản” của dân ca miền Hậu Giang như hò Cần Thơ, lý Cấy, lý Thanh trục, hát múa Bóng rỗi…

Bên cạnh phác họa một Cần Thơ xưa, chương trình còn mang đến một Cần Thơ hôm nay đầy sức sống. Soạn giả Hoài Minh đã đưa người xem về với Cần Thơ năng động, phát triển, về với những điểm thưởng ngoạn Tây Đô như chợ nổi, nhà cổ, cù lao, vườn cò… NSND Đặng Hùng, bậc thầy trong lĩnh vực múa Việt Nam, cho rằng: “Ê- kíp thực hiện chương trình am hiểu về âm nhạc dân gian, có sự đầu tư chỉn chu”.

Trước đó, tại Hội diễn Tiếng hát hẹn hò chín dòng sông diễn ra ở tỉnh An Giang vào đầu tháng 8, Cần Thơ dự thi chương trình có 6 tiết mục. Kết quả 5/6 tiết mục đoạt Huy chương với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc (không chấm giải toàn đoàn). Một chương trình đầy màu sắc với ca múa nhạc tổng hợp, toát lên sức sống mới trên quê hương Cần Thơ, quê hương miền Tây sông nước đã chinh phục giám khảo và du khách.

Hay tại Cuộc thi Sáng tác múa hài Việt Nam 2018 vào tháng 5 tại TP Đà Nẵng, Cần Thơ có 2 tác phẩm dự thi là “Khởi nghiệp” và “Tiến sĩ giấy” và đều được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chọn đầu tư, trong đó tác phẩm “Khởi nghiệp” đoạt Huy chương Bạc. Biên đạo Huỳnh Nhật Danh, tác giả kịch bản, cho biết: “Cười của múa là đôi khi chỉ là cười nhếch môi, cười trong lòng, nên việc tạo cảm xúc cho khán giả là rất khó. Nếu không khéo, các tác phẩm múa hài dễ rơi vào chuyện chọc cười thô thiển, thiếu ý tứ”.

Ở lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, đáng chú ý nhất trong năm qua là tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018. Đoàn Cải lương Tây Đô đoạt Huy chương Bạc với vở diễn “Cánh buồm ngược gió”. 2 Huy chương Vàng cá nhân gồm: nghệ sĩ Hoàng Khanh vai Bùi Hữu Nghĩa và nghệ sĩ Hồng Thủy vai bà Nguyễn Thị Tồn. Ngoài ra, với vai diễn Thái hậu Từ Dũ, nghệ sĩ Hồng Giang cũng đoạt Huy chương Bạc cá nhân. Chia sẻ về thành công này, nghệ sĩ Phan Thiện Minh, Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô, cho rằng Đoàn đã vượt qua “mạo hiểm”. Nói “mạo hiểm” là bởi trước nay, Đoàn Cải lương Tây Đô thường ghi dấu qua những vở diễn đề tài xã hội hoặc chiến tranh cách mạng. Thử sức ở đề tài cổ trang, màu sắc, các nghệ sĩ đã phải trau chuốt rất nhiều cả về phần thoại, ca và diễn xuất, điệu bộ.

***

Những mùa “trái ngọt” của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Cần Thơ năm qua đã khẳng định vị thế của thành phố trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Điều đó còn cho thấy sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo thành phố và tâm huyết với nghề của đội ngũ nghệ sĩ Tây Đô. Điển hình như ở Đoàn Cải lương Tây Đô, tiếp nối những thế hệ nghệ sĩ tài hoa đi trước, một thế hệ nghệ sĩ trẻ tâm huyết, giỏi nghề đang kế thừa xứng đáng như Hồng Thủy, Lê Duy, Phương Anh, Hồng Giang, Kim Ngân… Ngay cả như nghệ sĩ Hoàng Khanh, đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, cũng luôn ý thức dốc hết tâm sức cho nghề nghiệp. Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018, vai diễn Bùi Hữu Nghĩa đã thực sự khiến anh “mất ngủ” vì sự mới mẻ, lần đầu thử sức với vai cổ trang. “Phần nói thơ, nói chữ của cụ Thủ khoa cũng khiến tôi tập đi tập lại, làm sao ra chất của một vị quan thanh liêm. Qua mỗi vai diễn tôi thêm kinh nghiệm làm nghề cho mình”, nghệ sĩ Hoàng Khanh nói.

Ở lĩnh vực nghệ thuật không chuyên, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ là cái nôi đào tạo cộng tác viên và giúp họ gắn bó với đam mê. Thông qua các câu lạc bộ của Nhà văn hóa, những nhân tố mới sẽ được “đãi cát tìm vàng”. Nhờ vậy Trung tâm Văn hóa thành phố có thể tham dự các liên hoan, hội thi, hội diễn quy mô khu vực, toàn quốc. Điển hình như Thùy Trang - cộng tác viên của Trung tâm - người trình diễn thành công tiết mục hát bóng rỗi “Cầu an” tại Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2018. Thùy Trang nói: “Tôi ca vọng cổ, tài tử nhiều nhưng đây là lần đầu hát bóng rỗi. Nhờ cộng tác với trung tâm, được hướng dẫn, tập luyện nên tiến bộ nhiều”.

Cũng chính cách làm nghệ thuật bài bản, nghiêm túc của nghệ sĩ Cần Thơ mà đã mời gọi được nhiều nghệ sĩ gạo cội về đây cộng tác, hướng dẫn. Thành công của vở cải lương “Cánh buồm ngược gió” phải kể đến công của NSND Trần Ngọc Giàu trong vai trò đạo diễn và NSND Phan Phan trong vai trò thiết kế sân khấu. Đồng tình với nhận xét này, ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, cho rằng: Sự giúp đỡ của nghệ sĩ tiền bối đã giúp nghệ thuật biểu diễn Cần Thơ thêm vươn xa. Ông Danh đơn cử như tại Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2018, NSND Đặng Hùng dù tuổi cao những vẫn theo sát, trau chuốt cho từng tiết mục. Còn với trường hợp nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang, ông Danh kể: “Khi chúng tôi lên xin ý kiến về các tiết mục dân ca, cô chú hỗ trợ hết mình vì cho rằng Cần Thơ làm nghệ thuật đàng hoàng”.

Điu không th không nhc đến là nhiu ngh sĩ Cn Thơ vn rt tâm huyết, gn bó vi ngh thut biu din ca địa phương. Biên đạo Hunh Nht Danh là mt ví d. Hay vi tác gi Hoài Minh (Tht Nt), góp phn thành công cho hàng lot chương trình thi din ca Cn Thơ cũng rt gn bó vi ngh. Tác phm mình viết nên được thi và có gii thì hnh phúc nào bng, tác gi Hoài Minh nói vy.

***

Hòa chung trong xu thế hội nhập và phát triển của thành phố, các nghệ sĩ Cần Thơ vẫn luôn nặng lòng “rút ruột nhả tơ”, góp phần điểm tô cho đời sống tinh thần của Cần Thơ.

Bài, ảnh: Duy Khôi

 

Chia sẻ bài viết