16/06/2010 - 22:01

"Nghệ thuật" ăn theo !

Album “Ngôi sao lẻ loi” với ca khúc “SOS kẹt xe” phản cảm. Ảnh: phununet.com

Thời gian gần đây, các vấn nạn xã hội: ô nhiễm môi trường, kẹt xe, trẻ em lang thang cơ nhỡ… đang là những đề tài nóng mà công luận quan tâm. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà đặc biệt là âm nhạc cũng tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng. Đây là việc làm rất đáng trân trọng và có ý nghĩa giáo dục! Tuy vậy, đã xuất hiện nhiều tác phẩm dễ dãi, trình diễn tùy tiện gây tác dụng ngược, phản cảm.

Trong dòng âm nhạc nước ta có không ít ca khúc phục vụ yêu cầu tuyên truyền cổ động nhưng vẫn đi vào lòng công chúng và có giá trị lâu dài. Nhưng dù với mục đích đó, các bài hát này cũng chính là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Điển hình như các ca khúc phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường: “Lời tự sự của hành tinh” (Văn Dung), “Một Hạ Long xanh, một Hạ Long sạch” (Tân Huyền); cổ vũ tinh thần lao động: “Anh đi tìm tôi trên biển cả”, “Chim hót trên cánh đồng đay” (Nguyễn Văn Tý); hay an toàn giao thông với ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” (Phạm Tuyên)... Gần đây, những ca khúc viết về trẻ em lang thang cơ nhỡ gây được những hiệu ứng tốt đẹp của khán giả như: “Đứa bé” (Minh Khang), “Bước chân về đâu” (Dương Cầm)...

Tuy vậy, trong dòng nhạc “thời sự”, không ít nhạc sĩ, ca sĩ nhân danh “nâng cao nhận thức của công chúng về những vấn đề xã hội”, đưa ra những tác phẩm non yếu, thô thiển như ca khúc “SOS kẹt xe” của nhạc sĩ N.H.T. trong album “Ngôi sao lẻ loi” của ca sĩ P.Đ.T. mới ra mắt gần đây. Bài hát có giai điệu đơn giản, nghe cứ đều đều. Còn phần ca từ thì... Mở đầu là những “cụm từ” (?) vô nghĩa: “SOS. Xe nơi đâu quá đông. SOS. Phố xá sao dừng chân. SOS. Sao cho ta đến nơi? SOS. Chẳng muốn đi ra đường” và rồi “mời gọi”: “Yeah. Welcome to Việt Nam. Welcome to kẹt xe. Welcome to nóng nực. Welcome to bực tức...”. Sự khó chịu của người nghe lên đến đỉnh điểm với phần đọc rap ngây ngô: “Đi cái gì mà kỳ vậy? Chạy về nhà chở bà nội đi bơi. Chạy về nhà chở pa-pa xông hơi. Chạy về nhà nấu cơm cho mẹ không lẹ lẹ mẹ la. Chạy về nhà ăn cơm với ghẹ, không lẹ lẹ ghẹ la...” (!).

“5:00 PM” – một ca khúc khác của nhạc sĩ N.H.P. được “quảng bá” góp phần tuyên truyền cho ý thức người dân khi tham gia giao thông, tránh nạn kẹt xe. Ngoài phần âm nhạc hỗn độn, không xác định thể loại thì phần lời (khó có thể gọi là ca từ) tự nhiên chủ nghĩa, tiếng Việt trộn lộn tiếng Anh: “Tránh ra, tránh ra. Xe xe cộ cộ. Nép vào, nép vào. Now... now...”, và: “Đừng vội vàng lại gần, lại gần khi ngoài kia đông như thế. Thôi, thôi tôi đứng đây đợi chờ hết giờ, hết giờ” và kết thúc bằng một loạt tiếng Anh “lãng xẹt”. Ca sĩ hát như “hành khúc”. Đáng tiếc, nhạc sĩ N.H.P. là một nhạc sĩ trẻ mới nổi qua chương trình Bài hát Việt và từng được đánh giá cao.

Thiết nghĩ, dù là đề tài và mục đích gì thì âm nhạc phải mang tính nghệ thuật. Thế nhưng, hiện nay đã xuất hiện kiểu sáng tác theo kiểu “nghĩ sao viết vậy”, không ít nhạc sĩ “mượn gió bẻ măng” viết về những chủ đề “nóng” để có cớ tự lăng- xê tên tuổi. Người yêu nhạc đã phải bỏ nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để thưởng thức một loại nhạc thấp kém. Có nhạc sĩ, ca sĩ lại “tự tin” phát biểu: “Khi chọn thu âm ca khúc này cho album của mình, P.Đ.T. mong muốn đây sẽ như như một thông điệp để tác động đến một chút gì đó trong xã hội...” (!).

Với cách làm nghệ thuật tùy tiện, hời hợt biểu hiện sự xem thường người yêu nhạc và công chúng đã không phát huy tác dụng tuyên truyền, giáo dục mà còn “phản tác dụng”. Trước hết, những người làm ra loại âm nhạc này đã tự đánh mất hình tượng của mình trong lòng công chúng.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết