19/03/2018 - 07:17

Nghề thủ công ổn định cuộc sống 

Phù hợp với giới, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, một số nghề thủ công đã giúp chị em phụ nữ vươn lên ổn định kinh tế. 

Tọa lạc tại tổ 9, khu vực 4, phường Bùi Hữu Nghĩa, cửa tiệm hoa voan của chị Nguyễn Thị Thảo được trưng bày đẹp mắt với rất nhiều sản phẩm thủ công độc đáo. Khoe con chim công kết từ lá vàng lạ mắt, chị Thảo cho biết: “Đây là sản phẩm kết lá vàng bạc tôi vừa thử nghiệm; chủ lực vẫn là hoa voan. Trước đây, tôi học “lóm” nghề hoa voan này từ người quen. Về sau, do đam mê nên tôi lên thành phố tìm mua nguyên liệu về bán. Năm 2008, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên tôi được Hội LHPN phường hỗ trợ vay 9 triệu đồng Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nhờ vậy, tôi được làm nghề đúng sở thích, đam mê”.

Nghề làm hoa voan giúp chị Thảo (ngồi giữa), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ảnh: HỒNG VÂN
Nghề làm hoa voan giúp chị Thảo (ngồi giữa), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ảnh: HỒNG VÂN

Theo chị Thảo, làm hoa voan không khó, nhưng đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ với nhiều khâu: vòng kẽm thành hình cánh hoa, bọc vải voan, kết các cánh kèm với nhụy thành hoa, ghép vào cành. Không chỉ nhiệt tình hướng dẫn miễn phí tại nhà, chị Thảo còn là giáo viên hướng dẫn dạy nghề làm hoa voan cho hội viên phụ nữ phường. Chị Thảo chia sẻ: “Đây là nghề thủ công nhẹ nhàng, sản phẩm dễ tiêu thụ, mang lại thu nhập khá ổn định. Lúc cao điểm, tôi thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng; các tháng còn lại khoảng 4 triệu đồng/tháng”. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Thảo còn giúp trên 10 hội viên nhận gia công hoa voan, với thu nhập dao động từ 100.000 – 150.000  đồng/ngày. Theo chị Lê Minh Xuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thủy, qua các lớp nghề do các cấp Hội phối hợp tổ chức, nhiều mô hình nghề thủ công được xây dựng đã phát huy hiệu quả, như: se đan kết thảm, hoa voan, kết cườm...

Mô hình tổ đan đát tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ được thành lập giúp nhiều phụ nữ có việc làm trong thời gian nhàn rỗi. Theo chị Sơn Thị Lang, Chủ nhiệm tổ đan đát, mô hình này duy trì từ năm 2007 đến nay, tập trung trên 100 hội viên phụ nữ Khmer. Từ lớp nghề đan lục bình, Chi hội đã thành lập tổ đan đát và hợp tác với Hợp tác xã Kim Hưng (quận Cái Răng) nhận nguyên liệu, phân phối để các thành viên gia công sản phẩm. Hiện nay, mỗi chị có thu nhập khoảng 1,5 – 3 triệu đồng/tháng. Nhiều chị còn tranh thủ thời gian tự cắt lục bình, phơi, làm nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào.

Tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, có mô hình thủ công đan dây nhựa tại ấp Trường Trung A. Không chỉ phối hợp mở lớp nghề, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn chủ động tìm nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm giúp chị em an tâm sản xuất. Hiện mô hình có khoảng 18 thành viên, với thu nhập bình quân từ 600.000- 1,2 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ sản xuất loại giỏ đi chợ, chuyên chở trái cây, các thành viên đa dạng hóa mặt hàng dây nhựa với mặt hàng giỏ thời trang độc đáo.

Nhiều mô hình dạy nghề thủ công gắn với giải quyết việc làm, như: chằm nón, đan đát, kết cườm, dệt chiếu... đã hỗ trợ thiết thực phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết