09/11/2018 - 07:29

Nghe, nhìn và chạm vào quá khứ 

Không còn là những bài học Sử nhiều chữ và số liệu, không đơn thuần là những giờ học thầy giảng, trò nghe. Với tiết học Lịch sử tại Bảo tàng, học sinh được nghe, nhìn và chạm tay vào từng hiện vật như chạm vào quá khứ hào hùng của bao thế hệ tiền nhân.


Học sinh tham quan và tìm hiểu hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tiết học Lịch sử tại Bảo tàng được Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với các trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, “khai trương” và duy trì suốt nhiều năm qua là Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều). Năm nay, có 400 học sinh khối lớp 10 của trường tham gia tiết học thú vị này. Các em được tham quan Bảo tàng, nghe thuyết minh từng thời kỳ lịch sử của vùng đất Trấn Giang - Tây Đô và Cần Thơ hôm nay. Những câu chuyện về tiền nhân khai hoang mở đất, những chiến công oai hùng của người Cần Thơ trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc… được truyền tải trọn vẹn qua từng hiện vật, hình ảnh nên thuyết phục các em tuyệt đối.

Vào tiết học, các em được xem phim tư liệu về Di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng, nghe kể về lai lịch địa danh Cần Thơ, về những nét văn hóa - lịch sử đặc trưng của vùng đất này. Lớp học rộn ràng, cô trò xích lại gần nhau với những phần giao lưu thú vị: “Cô ơi chợ nổi bán gì treo đó, vậy bán cà phê, hủ tiếu sao treo được?”, “Cô ơi, thương hồ ở dưới ghe rồi nấu nướng, ăn uống làm sao cô?”…Vậy rồi, không ai khác, qua những kiến thức tích cóp được trong suốt buổi tham quan và tiết học, chính học sinh khái quát kiến thức dưới sự hướng dẫn của người đứng lớp. Em Phạm Thị Ngọc Mai, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, nói: “Học tiết học Lịch sử địa phương này em mới biết TP Cần Thơ mình có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa rất có giá trị. Có dịp, em sẽ đi tham quan những nơi đó để hiểu biết hơn về quê hương mình”.

Nếu như các bạn khác tập họp thành nhóm để bàn luận về các hiện vật, hình ảnh, thì em Phạm Hưng Khang, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, lại một mình đến bên hiện vật, tay cầm sổ, miệt mài ghi chép cẩn thận những thông tin. Khang mê nhất là mảng chủ đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những vũ khí, vật dụng dùng trong thời chiến. “Em ấn tượng nhất là Trận Tầm Vu 4 của quân và dân Cần Thơ vì trong trận đánh đó mình đã thu được khẩu đại bác 105 ly đầu tiên. Chiến công này quả là đáng tự hào”- Hưng Khang rành rẽ.

Thầy Đào Văn Lê, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: Sau nhiều năm triển khai, tiết học Lịch sử tại Bảo tàng được học sinh hào hứng tham gia vì được tự do khám phá, nghe nhìn trực quan sinh động nên dễ tiếp thu hơn là những giờ học thông thường. Kiến thức mà các em tích lũy sau mỗi tiết học cũng khá tốt, minh chứng rõ nhất là bài thu hoạch của từng em về tiết học này. Có em viết bài cảm nhận, kèm theo hình ảnh rất đẹp, đóng thành cuốn như một chuyên đề nho nhỏ. Chỉ có say mê và thích thú thì các em mới làm được điều đó.

Người phụ trách tiết học là thuyết minh viên của Bảo tàng TP Cần Thơ. Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, người có nhiều năm đứng lớp tiết học Lịch sử tại Bảo tàng, chia sẻ rằng, chị cố gắng truyền đến các em tình yêu và sự hào hứng với Sử địa phương, di tích, di sản và truyền thống quê hương. Rừng cánh tay xung phong trả lời câu hỏi, những câu hỏi ngây thơ, thích khám phá của các em… chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất của “cô giáo nghiệp dư” này.

Trong bối cảnh xã hội đau đầu thực trạng giới trẻ ngày càng không “chuộng” học Sử thì những mô hình khơi dậy niềm đam mê Sử Việt trong nhà trường rất cần được nhân rộng. Được biết, sắp tới Bảo tàng TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các Trường THPT để thực hiện tiết học Lịch sử tại Bảo tàng, gần nhất sẽ là Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết