21/11/2008 - 21:26

Nghệ nhân Thạch Re - Người xây dựng phong trào văn nghệ cho vùng quê Loan Mỹ

Đam mê cung bậc trầm bổng của nhạc ngũ âm nên ông đã bền chí theo thầy học tập và tự mày mò nghiên cứu. Khi đã trở thành một nghệ nhân, ông không đến với các sân khấu chuyên nghiệp để tạo tiếng tăm, tiền bạc mà đem hết sở học dạy lại cho lớp trẻ. Chính ông đã xây dựng cho xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long một đội ca múa nhạc Khmer để phục vụ cho bà con ở quê mình … Ông là nghệ nhân Thạch Re, năm nay đã 66 tuổi.

Lớn lên trong một gia đình nghèo, cha mất từ lúc mới chào đời, nên Thạch Re chỉ được sự đùm bọc, yêu thương của mẹ. Năm 13 tuổi, theo truyền thống của dân tộc Khmer, cậu bé Thạch Re được mẹ đưa vào chùa Sa Ra Von Ô Zdên Phhech Chhuos để tu học. Tại đây, ngoài việc học đạo, học chữ, Thạch Re còn nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc Khmer thông qua sách, tài liệu có sẵn trong nhà chùa. Từ đó, niềm đam mê âm nhạc của Thạch Re lớn dần theo thời gian. Sau 18 năm tu học, Thạch Re hoàn tục rồi tìm đến nhà ông Thạch Sung, ở ấp Kỳ Son để theo học nhạc ngũ âm.

Ông kể: “ Lúc đó, trước ngày hòa bình lập lại, dàn nhạc ngũ âm rất khó tìm. Để mua được 1 dàn nhạc ngũ âm, thầy Sung đã bán hết 50 công ruộng và phải sang tận Campuchia, rồi mời thầy ở bên đó về dạy. Tôi mê nhạc lắm! Ngày đi làm phụ giúp mẹ, đêm thì đến nhà thầy Sung để học...”. Sau 2 năm, chàng thanh niên Thạch Re đã sử dụng khá thành thạo dàn nhạc ngũ âm. Đến năm 1975, Thạch Re chính thức trở thành nghệ nhân và sau đó được Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Cửu Long mời dạy nhạc ngũ âm cho thanh niên dân tộc Khmer trong tỉnh.

 Nghệ nhân Thạch Re đang chơi nhạc cụ Rô-niêt-ek.

Từ lòng yêu thích âm nhạc và qua nhiều năm giảng dạy nhạc ngũ âm, Thạch Re đã tìm hiểu và học thêm được nhiều loại hình nghệ thuật Khmer khác. Ông Thạch Re cho biết: “ Múa Sa dăm, hát Rô Băm, Dù kê... đều rất khó diễn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nhiều sách báo và thấy các đoàn nghệ thuật biểu diễn, tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm...”.

Xã Loan Mỹ ở những năm 1980, phong trào văn nghệ trong đồng bào dân tộc Khmer gần như là không có. Còn số người biết sử dụng nhạc cụ Khmer, ca, múa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cứ mỗi lần vào dịp lễ, hội của dân tộc, nhìn thấy thôn xóm lặng im không có lấy một tiếng đàn lời hát, nhất là thanh niên không có một sân chơi vui tươi lành mạnh, làm cho nghệ nhân Thạch Re thấy xót xa trong lòng. Ông quyết định đem tài nghệ của mình truyền dạy lại cho lớp trẻ và thành lập đội văn nghệ Khmer. Được chính quyền xã Loan Mỹ ủng hộ, từ năm 1981 đến nay, ngôi nhà nhỏ của ông ở ấp Kỳ Son ngày ngày đều rộn rã tiếng đàn, tiếng hát của thanh niên Khmer trong xã đến học đàn và tập văn nghệ. Đội văn nghệ Khmer Loan Mỹ được thành lập, gồm đội nhạc ngũ âm, múa Sa dăm... với hơn 30 người do ông Thạch Re trực tiếp chỉ dạy. Thạch Thị Sô Phol, thành viên của đội văn nghệ, cho biết: “Năm 13 tuổi, tôi đến nhà thầy Re xin học đánh nhạc ngũ âm. Từ đó, tôi được thầy hướng dẫn rất kỹ cách đánh nhạc ngũ âm, luyện giọng hát, múa các điệu múa của dân tộc. Bây giờ, tôi biết đánh gần 30 bài truyền thống của nhạc ngũ âm và thường theo đội đi biểu diễn nhiều nơi, như: Hà Nội, Kiên Giang, Trà Vinh...”.

Những năm qua, các thành viên trong Đội Văn nghệ xã Loan Mỹ, được chọn để đi biểu diễn trong các dịp lễ, hội trong tỉnh, còn được đại diện tỉnh tham dự Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Khmer Nam bộ được tổ chức ở Kiên Giang và Trà Vinh. Trong các lần tham dự, Đội Văn nghệ xã Loan Mỹ đều đoạt nhiều Huy chương vàng, với các tiết mục như: giã gạo, múa Sa dăm và bài No, Nay.

Hơn 32 năm gắn bó với âm nhạc, nghệ nhân Thạch Re đã dạy cho hơn 100 học trò người dân tộc Khmer trong và ngoài tỉnh. Bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Thạch Re vẫn ngày ngày dạy nhạc ngũ âm cho các em trong xã Loan Mỹ. Ông tâm sự: “ Mỗi lần đến dịp lễ, hội thấy các cháu đánh nhạc ngũ âm phục vụ cho bà con tôi rất vui. Tôi cố gắng truyền dạy cho các cháu để sau này vùng quê Loan Mỹ có nhiều nghệ nhân tài hoa, tiếp tục giữ gìn và đưa nền âm nhạc dân tộc Khmer phát triển cao hơn...”.

Bài, ảnh: DUY ANH

Chia sẻ bài viết