07/02/2010 - 19:59

Ngày mai đang bắt đầu...

Ghi chép: PHƯƠNG HÀ

Xuân đến, mọi người thường chúc nhau bao điều tốt lành và may mắn. Thấu hiểu ý nghĩa câu nói: May mắn không bao giờ mỉm cười với kẻ lười biếng, thời gian qua đã có không ít gia đình nghèo khó nhưng không cam chịu số phận, họ đã chủ động tận dụng mọi cơ hội, bằng trí thông minh và tinh thần lao động cần cù phấn đấu vươn lên, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc. Và khi năm hết, Tết đến, nhiều gia đình đã có thể quẳng đi gánh lo đói nghèo, náo nức chào đón một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, vững tin ngày mai đang bắt đầu... từ hôm nay.

Vươn lên từ ý chí tự lực

Gió bấc về, khí trời se lạnh, nhìn những cây vạn thọ, cúc vàng trồng trước sân nhà đang kết nụ, trổ hoa, anh Hùng cảm thấy lòng thật vui khi mùa xuân đang về.Với khoản thu nhập kha khá từ việc xuất chuồng đàn heo thịt dịp cuối năm, vợ chồng anh bàn nhau mua sắm chút ít vật dụng cần thiết và mua chiếc xe gắn máy để Tết này có phương tiện đi lại, thăm bà con chòm xóm, chúc Tết họ hàng.

Nhìn bàn tay đầy những nốt chai sần của anh đang xoa nhẹ tách trà ấm nóng, tôi thấu hiểu bao nỗi vất vả mà vợ chồng anh trải qua để được công nhận là hộ khá. Giọng nhẹ nhàng, anh nói về những thành quả đạt được trong sản xuất, chăn nuôi của gia đình, nhờ nhiều yếu tố: đó là sự cần cù, năng động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình làm ăn có hiệu quả, sự trợ vốn của chính quyền địa phương, chính sách ưu đãi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo,... Từng là một trong những hộ cận nghèo của xã, không nghề nghiệp, không phương tiện sản xuất, năm 2005, anh Lê Văn Hùng (ở ấp 5, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ) được Hội nông dân xã xét gia nhập Tổ tiết kiệm - vay vốn và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 4 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh Hùng chăn nuôi heo và học nghề nấu rượu lấy hèm cho heo ăn, tận dụng những khoảng đất trống sau nhà trồng rau muống, bổ sung thức ăn cho heo. Heo lớn, anh tiếp tục cho nhân giống để gầy đàn nuôi tiếp, đồng thời mua thêm heo con của bà con trong xóm, từ các hợp tác xã về nuôi. Cứ thế, hàng năm anh Hùng xuất bán được 3 lần heo thịt, mỗi lần từ 14 đến 20 con, mỗi con ngoài 100kg. Hiện nay, trong chuồng heo của gia đình Hùng có 14 con heo thịt sắp đến kỳ xuất chuồng và 20 con heo con... Anh Hùng vui vẻ nói: “Nhờ kết hợp nuôi heo với nấu rượu lấy hèm, trồng rau, tận dụng nguồn nước vo gạo của bà con trong xóm và mua thêm nguồn cám tổng hợp để bổ sung vào khẩu phần ăn nên heo chóng lớn mà giảm chi phí rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn xây một hầm biogas nhằm tránh ô nhiễm môi trường, vừa làm nguồn chất đốt cho nấu rượu. Những lứa heo con đẻ ra, thay vì bán giống tôi chuyển sang nuôi thịt. Trung bình mỗi lứa heo bắt đầu nuôi đến khi xuất bán là 4 tháng, thu lãi trên 30 triệu đồng”. Anh Hùng khoe, trong năm 2009, anh được vay 20 triệu đồng từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm nên tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và đầu năm 2010, có kế hoạch mở rộng mô hình nuôi heo nái kết hợp heo thịt, với quy mô lớn hơn.

Anh Hùng quê ở Lâm Đồng, gia cảnh khó khăn, năm lên 10 tuổi, cả nhà anh bồng chống nhau đến Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ lập nghiệp. Cha anh vừa tham gia công tác ở Hội chữ thập đỏ của xã, vừa làm ruộng; mẹ anh làm đủ nghề từ buôn bán đến làm thuê, làm mướn kiếm sống, phụ chồng nuôi con. Học hết lớp 10, Hùng nghỉ học, ra đồng làm mướn, kiếm tiền phụ tiếp cha mẹ lo cho gia đình. 27 tuổi, anh cưới vợ, cuộc sống cũng hết sức chật vật. Khi mẹ anh Hùng mất, được cha giao cho 5 công ruộng, anh trở thành lao động chính trong nhà, vừa phụng dưỡng cha già, nuôi người anh tật nguyền mất cả 2 tay, vừa chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Tự nhủ phải hết sức tiết kiệm, nỗ lực lao động để cải thiện cuộc sống, anh Hùng đề ra mục tiêu “3 không” cho mình, đó là: Không nhậu nhẹt, không tiêu xài lãng phí, không lười biếng, cẩu thả trong công việc. Anh quyết tâm bằng sức lao động chân chính, vươn lên làm giàu, phấn đấu nuôi dạy hai đứa con cho tốt, tạo điều kiện cho chúng học hành nên người. Anh Hùng thường nói với bạn bè, anh rất thích khoảng thời gian cắp sách đến trường, nó như những kỷ niệm đẹp khó phai mờ trong ký ức. Những điều học được, anh vận dụng tốt vào cuộc sống, vào lao động, sản xuất, nhờ đó gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Anh rất tâm đắc 4 câu thơ Bác Hồ dạy thanh niên mà mình đã thuộc làu:

“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.

Vợ chồng anh Hồng đồng lòng vượt khó thoát nghèo, góp phần tạo dựng tương lai cho con cháu. (Trong ảnh: Vợ chồng anh Hồng lể ốc bổ sung thêm thức ăn cho ếch, để giảm chi phí chăn nuôi). Ảnh: PHƯƠNG MAI 

Anh Hùng nhớ những năm đầu về xã Đông Hiệp lập nghiệp, thấy gia đình cần cù làm ăn, sống chan hòa với bà con trong xóm, chính quyền địa phương giao cho canh tác phần đất của một hộ dân bỏ hoang, đi nơi khác làm ăn. Cải tạo đất, canh tác được khoảng 5 năm thì chủ sở hữu đất trở về địa phương và yêu cầu gia đình anh Hùng phải trả lại đất hoặc trả bằng vàng, tổng cộng là 2 lượng vàng 24k. Không có tiền, không có vàng, gia đình Hùng phải vay mượn của người quen cùng quê vào Cần Thơ lập nghiệp để trả cho chủ sở hữu đất. Suốt 3 năm, cả gia đình lao động vất vả, tích góp dành dụm mới trả được nợ. Phần đất này, cha mẹ đã chia đều cho anh em của Hùng. Khó khăn kế tiếp là thời gian người anh lớn của Hùng bị tai nạn phải cưa bỏ 2 cánh tay. Lúc đó, gia đình thiếu thốn, chạy vay mượn tiền chữa trị và sau vụ tai nạn người anh trai không còn khả năng lao động. Từ đó anh Hùng phải gánh vác gia đình và chăm sóc người anh trai, động viên tinh thần để anh sống vui, sống khỏe. Tất cả nhờ ý chí tự lực mà Hùng vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình.

Ông Đặng Văn Đấu, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Đông Hiệp, nhận xét: “Từ một hộ hết sức khó khăn, nhờ cần cù lao động, biết sử dụng tốt nguồn vốn vay, gia đình anh Hùng thật sự đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Đây là điển hình để nhiều nông dân trong xã học hỏi”.

Hết nghèo nhờ... Ếch

Năm nay, không khí đón Tết ở cái xóm được mệnh danh là xóm nghèo (thuộc khu vực Thạnh Lợi, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) thật rộn rịp. Căn nhà đầu xóm vừa thay mái lá bằng mái tôn sáng loáng, nhà bên cạnh cũng nâng nền, quét vôi, sửa lại mặt tiền cho sáng sủa; nhà cuối xóm đem phơi trước sân những vỉ chuối khô tươm mật vàng óng, những mâm dưa kiệu ráo hoảnh, trắng phau, khiến ai đi ngang cũng trầm trồ... Chị Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, phấn khởi nói: “Mấy năm gần đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho các hộ vay nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Biết cách làm ăn, sinh lợi và chi tiêu tiết kiệm, nên đời sống bà con xóm này khá lên trông thấy, số hộ nghèo giảm dần hàng năm”.

Anh Hùng cùng vợ con trong căn nhà khang trang đón Tết Nguyên đán 2010. Ảnh: H.V 

Một chút hiếu kỳ, tôi đến nhà anh Đặng Quang Hồng và chị Lê Thị Hoa, cặp vợ chồng tay trắng nhưng khấm khá nhờ con ếch nên bà con xóm này thường gọi đùa “vợ chồng ếch”. Tay đung đưa võng ru đứa cháu nội trai kháu khỉnh giáp thôi nôi đang ngủ say, chị Hoa vui vẻ khoe: “Tụi nhỏ có việc làm ổn định hết rồi, tuy chỉ là công nhân nhưng thu nhập cũng khá. Giờ chúng tôi có thể bày biện đón Tết, chứ hồi đó không có tâm trạng, mà cũng không dám nghĩ đến việc ăn Tết...”.

Ngọn gió xuân đùa vui trước khoảng sân lung linh nắng làm chị Hoa thêm bồi hồi về quá khứ. Hồi đó mà chị Hoa nhắc tới là quãng thời gian gần ba chục năm trước, từ lúc chị lập gia đình đến khi 3 đứa con lần lượt chào đời, cả nhà luôn trong cảnh vất vả, thiếu thốn. Mới đầu, tập tành làm ăn, anh chị dốc hết vốn liếng dành dụm, vay thêm tiền nuôi vịt đẻ. Thiếu kỹ thuật và ít kinh nghiệm, bầy vịt chưa kịp lớn đã lăn đùng ra chết sạch sau một đợt dịch bệnh. Chị không quên một chiều mưa tầm tã, do lâm nợ, trắng tay, gia đình túng quẫn, cả nhà chị xuôi chiếc ghe nhỏ rời quê chồng từ chợ Cái Chanh về nương nhờ mẹ ruột chị ở xã Đông Thạnh, Châu Thành để làm mướn nuôi các con. Một lần đi làm cỏ mướn, do bất cẩn, anh Hồng bị miểng đạn văng vào mắt, nên múc bỏ mắt trái, từ đó thị lực và khả năng lao động của anh giảm sút. Tuy nhiên, bệnh tật không làm anh Hồng nản chí, vẫn cố gắng lao động nuôi gia đình. Có chút kiến thức đông y, buổi sáng, anh Hồng nhận khám chữa bệnh, châm cứu, hốt thuốc cho người dân trong xóm; buổi chiều, xắn quần, lội đồng giăng lưới, bắt ốc, bắt cá vừa đem bán lấy tiền mua gạo, vừa có thức ăn cho gia đình. Chị Hoa cũng suốt ngày làm thuê làm mướn, nhưng cảnh nghèo đói vẫn bủa vây.

Bước ngoặt của gia đình chị Hoa bắt đầu vào năm 2004, chị được cán bộ địa phương vận động tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, được xét cho vay vốn ưu đãi và học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Ban đầu, chị vay 1 triệu đồng làm nghề dệt chiếu. Sang năm sau, được vay 5 triệu đồng, chị xây chuồng nuôi heo. Nhờ biết tính toán chi phí thức ăn, mỗi năm nuôi 2 lứa heo, trừ chi phí, chị lãi gần 3 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm vốn vay tăng lên, chị lại tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi và lại kiếm thêm được khoản lời kha khá. Còn anh Hồng cũng tích cực tham gia công tác địa phương (từng là chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu vực Thạnh Lợi và hiện là Chủ tịch Hội người mù phường Thường Thạnh). Dịp tình cờ, trong một chuyến công tác, anh được giới thiệu tham quan mô hình nuôi ếch ở khu vực Thạnh Hưng. Lại được chủ hộ nhiệt tình chỉ vẽ, anh Hồng ưng bụng lắm, nên về bàn với vợ tận dụng khoảng đất sau vườn thí điểm mô hình nuôi ếch, đúng lúc chị Hoa được vay 10 triệu đồng vốn. Thế là, sau khi dọn sạch ao, anh Hồng mua 1.000 con ếch giống với giá 800.000 đồng. Sau 3 tháng, thu hoạch ếch, anh lời trên 5 triệu đồng. Dù phải thức khuya dậy sớm, cả nhà cùng tham gia bắt, lể ốc bươu vàng làm thức ăn cho ếch nhưng mọi người rất phấn khởi với thành quả lao động gặt hái được. Anh Hồng nói: “Phải chịu khó, tiết kiệm, thu nhập mới khá, chớ vụng tính toán thì chẳng tích luỹ được gì đâu”. Tính sơ sơ, mỗi đợt thu hoạch ếch, anh chị “bỏ túi” trên 6 triệu đồng.

Bà con ở xóm nhỏ này đều khen chị Hoa bây giờ khác hẳn chị Hoa những năm trước, sự tự tin, nhanh nhạy đã thay cho nét buồn bã, bế tắc trước kia. Không chỉ chu đáo việc nhà cửa, vườn tược, chị Hoa còn tích cực tham gia công tác khu vực: từng là Chi hội trưởng Phụ nữ, kiêm tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và hiện là cán bộ phụ trách Mặt trận khu vực Thạnh Lợi. Thấu hiểu nỗi khó khăn của chị em nghèo, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nên chị Hoa luôn tạo mọi điều kiện giúp chị em nhanh chóng được vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật và hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập gia đình. Với tinh thần sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, mô hình nuôi ếch dưới ao của anh chị trở thành địa chỉ tin cậy thu hút nhiều hộ nghèo tìm đến học hỏi, áp dụng và nhờ đó xóm nghèo Thạnh Lợi dần thay da đổi thịt. Anh Hồng phấn chấn nói về những dự tính sắp tới, với giọng chắc nịch. Sau Tết, anh sẽ thả trên 4.000 con ếch giống, rủ các hộ cùng nuôi ếch xóm này đi các nơi học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi để đạt năng suất và thu nhập cao hơn. Theo anh, cần “tầm sư” học nghề nuôi ếch giống, cá giống, góp phần nâng cao thu nhập gia đình và dành dụm, tích lũy để có vốn dồi dào, mạnh dạn liên kết thành lập HTX nuôi ếch ngay trên mảnh đất quê nhà.

Tết này, chị Hoa dành khoản tiền nhỏ sửa chữa, tu bổ lại căn nhà đang ở sáng sủa hơn để đón Tết. Bánh mứt thì đã có các con mang về biếu cha mẹ, vợ chồng chị theo thông lệ lo đòn bánh tét, nồi thịt heo thật ngon, mâm hoa quả tươi cúng ông bà, tổ tiên. Không chỉ mua cho các cháu quần áo mới, năm nay, anh chị đã rủng rỉnh tiền lì xì cho các cháu nội, ngoại “lấy hên”...

Đồng lòng vượt khó...

Những ngày giáp Tết, không khí sinh hoạt ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai thật xôm tụ. Tết miệt vườn không hoa đèn như chốn thị thành, nhưng có những nét riêng. Nhà bà Năm làm bánh kẹp, bánh thuẩn, bà Bảy gói bánh tét, làm mứt dừa. Và làm gì cũng có vài nhà trong xóm để dành con heo ú nhất, xẻ thịt chia cho bà con, để nhà nào cũng có nồi thịt heo kho nước dừa trong ngần, thơm lựng... Bỏ lại phía sau những nhọc nhằn, lo toan thường nhật, năm nay xóm nghèo này lại có thêm cái Tết bình an, phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Anh Phương, vừa quét dọn ngoài sân, vừa góp chuyện bàn kế hoạch đón Tết tiết kiệm với chị em trong xóm.

Chị Phương và con gái đang nhặt lá cây mai, hy vọng năm mới nhiều điều tốt đẹp, an lành đến với gia đình. Ảnh: PHƯƠNG MAI 

Xóm nghèo của chị Phương vốn nổi tiếng với nghề chằm nón truyền thống. Thế hệ của bà rồi mẹ chằm nón khéo, lại đến thời của chị Phương nối nghiệp, tiếp tục kế thừa, phát triển nghề. Mấy anh em chị Phương khôn lớn nên người cũng nhờ những chiếc nón tưởng như đơn giản kia nhưng chất chứa biết bao những chắt chiu, dành dụm. Chị Phương bộc bạch: “Nghề này không chỉ giúp nhiều gia đình ở đây có việc làm, thu nhập mà còn chất chứa tình người miệt này. Làm gì chúng tôi cũng phải giữ và truyền nghề, không để mai một”.

Tuổi ấu thơ của chị Ánh Phương là chuỗi ngày dài cơ cực. Mang tiếng dân ruộng vườn nhưng “không miếng đất chọi chim”, ngoài cái chòi nhỏ xíu ông bà ngoại nhín cho cha mẹ ở để đi làm mướn. Vui mừng một nỗi là chị em Phương đều được đến trường học hành, hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa trong xóm nghèo này. Thương cha mẹ, anh Hai và các em vất vả, ngoài giờ học, Phương lo phụ tiếp việc nhà cửa, bếp núc rồi cùng đi làm mướn với cha mẹ, hết việc lại chằm nón đến khuya. Chị Phương nhớ lại, lúc đó nhà nghèo đến nỗi nhiều bữa không có 500 đồng để qua đò đến trường. Đắn đo mãi, chị quyết định nghỉ học khi chưa hết lớp 8, để phụ mẹ lo cho anh Hai và hai đứa em tiếp tục đến trường. Mới mười bốn, mười lăm tuổi đầu, nhưng ai mướn làm gì chị cũng làm thật giỏi, với niềm tin mãnh liệt rằng chẳng ai khó ba đời....

Hồi còn con gái đã khổ, khi lấy chồng (khoảng năm 1998), cuộc sống của chị Phương càng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Tấn Hùng, chồng chị, cũng thuộc diện gia đình nghèo, đông anh em, chỉ chuyên nghề làm mướn, chẳng dư dả gì. Chị Phương bàn với chồng về nương nhờ mẹ ruột, phát triển nghề chằm nón. Hàng ngày, khi anh Hùng theo thanh niên trong xóm đi làm cỏ, cắt lúa mướn, chị Phương chèo ghe chọn mua từng đám trúc, lá Huế tươi, đẹp, về làm nón. Mỗi ngày, chị Phương chằm được 3 chiếc nón, thu nhập khoảng 20.000 đồng, tuy không nhiều, nhưng nhờ công việc thường xuyên, giúp chị có nguồn thu nhập ổn định, xoay sở các chi phí trong gia đình.

Từ năm 2006, chị Phương và mẹ cùng tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ ấp. Trong các buổi họp nhóm, ngoài những nội dung sinh hoạt về chính sách, pháp luật, chị được nghe hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Thế là, sau khi được chị em khuyến khích và có dịp tham quan các mô hình chăn nuôi heo hiệu quả ở địa phương, chị Phương quyết định thử nghiệm nuôi heo. Đầu tiên, với 2 triệu đồng vốn vay ngân hàng, chị Phương xây chuồng và thả nuôi 2 heo con. Không chỉ học hỏi phương pháp chăm sóc, phòng ngừa, tiêm chủng bệnh cho heo, chị Phương còn nghiên cứu cách giảm chi phí thức ăn mà heo vẫn tăng trọng nhanh. Mỗi ngày, chị dậy sớm, tranh thủ đi cắt rau đồng, xắt cây chuối để làm thức ăn cho heo. 6 tháng sau, xuất chuồng lứa đầu tiên, trừ chi phí, thu lãi trên 1 triệu đồng. Lứa thứ hai, chị Phương đầu tư nuôi 4 heo con, sau 4 tháng, chị “bỏ túi” trên 4 triệu đồng. Chị Phương nói về kinh nghiệm chăn nuôi của mình là: Chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, chọn giống heo tốt, cho ăn đầy đủ, đúng giờ và theo dõi diễn biến thể trọng của heo... Và những lứa heo sau này, nuôi chưa đầy 4 tháng, mỗi con heo đều cân nặng 100 kg.

Chỉ chiếc xe gắn máy dựng nơi góc sân, chị Phương khoe đã “sắm” cho anh Hùng từ tiền lãi bán heo, để anh chạy xe ôm, không còn phải cực khổ làm mướn nữa. Anh chị thỏa thuận, dành khoản thu nhập từ nghề chạy xe (khoảng 50.000 đồng/ngày) để vài năm nữa cất nhà tường và mua sắm thêm các tiện nghi gia đình. Chị còn “hùn” với mẹ sang nhượng được 7 công đất ruộng, thỏa niềm mơ ước của gia đình, sau bao năm tay trắng. Nghe kể chuyện vượt khó, tôi cảm nhận được niềm vui của chị khi được công nhận thoát nghèo vào năm 2007. Sự chuyên cần, chăm chỉ và niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, chính là cứu cánh giúp chị vươn lên từ nghèo khó... Bà Võ Thị Vân, mẹ của chị Phương, cười hiền nói: “Phương giỏi giang và chịu khó từ nhỏ, đã quyết làm việc gì thì làm cho bằng được, khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua”.

Đón xuân mới, cả xóm nón như bừng lên sức sống diệu kỳ. Chị Phương thường nói với chị em trong xóm: “Thấy nghề chằm nón có vẻ như kiếm bạc cắc, chứ nhờ nó mà tôi mới có cuộc sống ổn định như hôm nay. Chỉ cần chịu làm thì lo gì không thoát được đói nghèo”. Bây giờ tuy đang làm nhỏ, lẻ, nhưng chị Phương ấp ủ ý định phát triển nghề chằm nón với thương hiệu riêng, là nghề truyền thống của Trường Thắng quê mình. Chị Phương đang khuyến khích và truyền nghề cho con gái Nguyễn Thị Thúy An, đang học lớp 3 nhưng cũng yêu nghề như bà, như mẹ...

***

Xuân về. Năm nay, nhiều hộ đón xuân trong niềm vui “được mùa”, thoát cảnh nghèo đói, vất vả. Đó không chỉ là thành quả gặt hái được từ sự dồn sức chăm lo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể đối với phong trào xoá đói giảm nghèo ở địa phương mà qua đó còn thể hiện: Không có sự nỗ lực nào là hoang phí và ý chí là sức mạnh cần thiết để vượt khó. Không ai khác, chính tấm gương những nông dân nghèo bằng sức lao động chân chính, phấn đấu vượt khó, vươn lên làm giàu, đã minh chứng cho điều này.

Chia sẻ bài viết