30/04/2018 - 10:04

Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018)

Ngày 30-4 lịch sử tại Cần Thơ

Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, đất nước thống nhất và đang trong quá trình xây dựng, phát triển. Đối với Đảng bộ, quân, dân thành phố Cần Thơ, khí thế hào hùng, thắng lợi vẻ vang của “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử  43 năm trước mãi là niềm tự hào, thôi thúc các thế hệ cách mạng kế thừa phát huy xứng đáng những thành quả cách mạng của ông cha, đưa thành phố, đất nước phát triển nhanh, bền vững...

Dồn sức cho trận cuối cùng

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, giao nhiệm vụ cho Tây Nam Bộ phải kềm chế Sân bay Trà Nóc và cắt đứt Quốc lộ 4, không cho địch từ Sài Gòn xuống Cần Thơ và từ Cần Thơ lên Sài Gòn, ngăn chặn tình huống địch thất thủ ở Sài Gòn, kéo về miền Tây cố thủ. Khu ủy đã quyết định chọn thành phố Cần Thơ là trọng điểm trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Tây Nam Bộ.

Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị mở rộng vào ngày 22-4-1975 tại Cảng Chủ Hàng, xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ. Trong 3 ngày (22 - 24/4/1975), Hội nghị đã triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, hạ quyết tâm giải phóng tỉnh Cần Thơ trong chiến dịch lịch sử này.

Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 lệnh cho lực lượng vũ trang Quân khu 9 nổ súng tấn công phối hợp với Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 27-4-1975, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ cùng chủ lực Quân khu 9 chia làm 3 cánh quân tiến công, áp sát thành phố Cần Thơ. Một cánh quân do đồng chí Lê Thanh Sơn, Tỉnh đội Trưởng trực tiếp chỉ huy tiến thẳng về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ qua xã An Bình. Một cánh quân từ Vĩnh Long vượt sông Hậu hướng Châu Thành B tiến thẳng về Xóm Chài và thị trấn Cái Răng do đồng chí Lê Hoàng Sương, Tỉnh đội Phó Cần Thơ trực tiếp chỉ huy. Một cánh quân tiến về hướng Châu Thành A, lên Lộ Vòng Cung qua Trà Niền, xã Nhơn Ái.

Thần tốc giành chiến thắng

Ngày 28-4-1975, quân Mỹ ở Tòa Lãnh sự tại thành phố Cần Thơ rút chạy. Suốt hai ngày đêm 28 - 29/4/1975, bộ đội chủ lực của ta hành quân vượt qua các tuyến phòng thủ của địch. Đến 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, Tiểu đoàn Tây Đô và chủ lực Khu tiếp cận Lộ Vòng Cung, đánh rã 2 trung đoàn chủ lực của địch và 2 thiết đoàn xe thiết giáp án ngữ Lộ Vòng Cung.

11 giờ ngày 30-4-1975, Ban Chỉ huy khởi nghĩa cùng bác sĩ Lê Văn Thuấn, Tổng Thư ký Hội Hồng thập tự (cơ sở cách mạng), tranh thủ bọn lính gác khám mở cửa 2 trại giam (Khám Lớn và Khám ở Nha Cảnh sát miền Tây) thả trên 6.000 tù chính trị và thường phạm.

14 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, đồng chí Nguyễn Văn Lưu cùng đồng chí Trương Văn Biên và lực lượng cán bộ tự vệ, nhiếp ảnh, cơ sở mật (12 đồng chí) có trang bị 4 khẩu súng từ Tham Tướng tiến thẳng vào chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Đến 15 giờ cùng ngày, bản tuyên bố đầu tiên của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Cần Thơ do đồng chí Nguyễn Văn Lưu (đại diện Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Cần Thơ) đọc, phát trên sóng của Đài Phát thanh Cần Thơ.

17 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn Tây Đô và biệt động thành phố đã đập tan 1 đại đội biệt kích của chính quyền Sài Gòn ở Rau Răm, mở đường vào thị trấn Cái Răng, phối hợp với lực lượng binh vận đánh chiếm 1 chi đội xe bọc thép làm phương tiện cơ động tiến quân thẳng vào nội ô thành phố Cần Thơ.

18 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng tự vệ và quần chúng Hưng Thạnh nổi dậy chiếm trụ sở phường. Địa phương quân thành phố Cần Thơ tiến công chiếm Quận II; Tiểu đoàn 303 chủ lực Khu chiếm chi cảnh sát, làm chủ khu vực Xóm Chài, phường Hưng Phú. Tại Châu Thành, Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công địch trên bờ Nam sông Cái Răng, làm chủ quận lỵ Cái Răng. Lực lượng tự vệ tại chỗ tước súng phòng vệ dân sự làm chủ xã An Bình, nhân dân tại đây dẫn đường đưa bộ đội qua phường Hưng Thạnh, Hưng Phú tiến vào thành phố Cần Thơ.

18 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân ta chiếm Dinh Tỉnh trưởng chính quyền Sài Gòn; đồng chí Trần Minh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Lê Thanh Sơn, Tỉnh đội Trưởng Cần Thơ cùng các đồng chí trong Mặt trận tiền phương, buộc chuẩn tướng Mạch Văn Trường (Tư lệnh Sư đoàn 21 chính quyền Sài Gòn) ra lệnh hạ súng đầu hàng quân giải phóng.

Niềm vui Ngày toàn thắng

Trong 2 ngày 30-4 và 1-5- 1975, quân dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ (63 xã, 568.000 dân); loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 25.000 tên địch; tiêu diệt 2 tiểu khu, 11 chi khu; thu hơn 3.000 súng các loại, 200 xe quân sự, 200 tấn đạn, 91 máy bay; hàng chục ngàn sĩ quan, binh sĩ ngụy đã ra trình diện chính quyền cách mạng.

Sau khi tiếp quản trọn vẹn thành phố Cần Thơ, Khu ủy chỉ đạo ban hành ngay chế độ quân quản để vãn hồi trật tự trị an, bảo vệ tài sản quốc gia, tính mạng, tài sản và đảm bảo sinh hoạt bình thường của nhân dân. Ngày 1-5-1975, Ủy ban Quân quản thành phố Cần Thơ được thành lập do đồng chí Trần Văn Long, Phó Bí thư Khu ủy, giữ chức Chủ tịch, trụ sở đóng tại Dinh Tư lệnh vùng IV chiến thuật. Trong ngày 1-5-1975, có 46.940 sĩ quan, binh sĩ quân đội chế độ cũ ra trình diện, nộp 126.000 súng các loại.

Thắng lợi của Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân.  Phát huy hào khí Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 43 năm trước, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ càng thắt chặt đoàn kết, ra sức xây dựng thành phố, đất nước ngày càng phát triển, thịnh vượng.  

------------------
Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ (1954 - 1975), tập III, xuất bản 2006

2. Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, năm 2006

3. Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (1969 - 1975), tập III, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2010

4. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Thắng lợi và bài học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1995

   N.T. (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết