11/01/2014 - 19:53

Ngành xây dựng trên đà phục hồi

Năm 2013, với nỗ lực vượt khó toàn ngành, các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng (XD) đã khắc phục nhiều khó khăn, từng bước phục hồi, góp phần chuyển biến tích cực cho nền kinh tế cả nước. Phát huy kết quả này, năm 2014, ngành XD tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) để tiếp tục là điểm tựa đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển chung của nền kinh tế, đưa ngành XD phát triển ổn định trong những năm tiếp theo…

* Vượt qua khó khăn

Ngành xây dựng giữ vai trò nòng cốt trong sự phát triển chung của nền kinh tế, ngành XD phát triển ổn định góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ. 

Năm 2013, ngành XD nói chung và BĐS nói riêng hoạt động trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, phục hồi chậm hơn dự báo; kinh tế trong nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn; thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng; sản xuất kinh doanh của các DN vẫn trong tình trạng khó khăn… Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá cả BĐS sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Nhiều DN kinh doanh BĐS nhất là các DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng khi thị trường trầm lắng bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng...

Song, với sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Đảng, Chính phủ cùng sự vượt khó của toàn ngành..., năm qua, ngành XD đã từng bước phục hồi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nhiều chỉ tiêu ngành đạt kết quả khả quan. Theo Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất XD toàn ngành (theo giá hiện hành) năm 2013 đạt khoảng 770.410 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2012; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 33,47% (tăng 1,02% so với năm 2012); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu/quy hoạch chi tiết 1/2000 đạt khoảng 70% (tăng 10% so với năm 2012); tỷ lệ xã hoàn thành lập quy hoạch chung đạt 83,5% (tăng 11,2% so với năm 2012); diện tích bình quân nhà ở toàn quốc khoảng 19,6 m2 sàn/người (tăng 0,5m2 sàn/người so với năm 2012); cả nước có khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương với khoảng 20 nghìn căn hộ. Bên cạnh đó, các DN ngành XD tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhờ vậy giá trị sản xuất ngành XD năm 2013 ước đạt 770,4 nghìn tỉ đồng, bao gồm: khu vực Nhà nước đạt 92,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 12%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 644,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 4,4%. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 61 triệu tấn, đạt 107,5% so với kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ nội địa 47 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn...

Ngành xây dựng TP Cần Thơ cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, Sở Xây dựng thành phố phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện thường xuyên xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện dự án, kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn hoặc đề xuất hủy bỏ nếu dự án không còn khả thi và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch. Sở đã tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất 60 công trình và tham mưu trình UBND thành phố ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với tổng số tiền 275 triệu đồng. Công tác rà soát các khu dân cư tái định cư trong năm 2013 được tăng cường, kết quả đã tham mưu cho UBND thành phố thu hồi chủ trương 8 trên tổng số 72 dự án, đến nay số lượng dự án còn lại là 64 dự án...

* Củng cố, phát triển ổn định ngành XD, BĐS…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dù tích cực vào cuộc tìm nhiều giải pháp gỡ khó cho các DN, nhưng ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: Chất lượng một số công trình còn thấp, hiệu quả đầu tư của một số dự án không bảo đảm, chưa tương xứng với chi phí đầu tư thực hiện dự án; phân cấp quản lý đầu tư XD chưa gắn với các giải pháp quản lý đồng bộ; vẫn còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tại một số công trình, dự án; hầu hết các hợp đồng xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch; việc phát triển nhà ở chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp… Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 của ngành XD do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trịnh Đình Dũng, cho rằng, thị trường BĐS những tháng cuối năm 2013 đã "ấm" dần lên, thể hiện qua lượng giao dịch tăng nhiều so với những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, nhiều dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng vào thị trường đang dần được hồi phục. Song, để phát triển ổn định toàn ngành cần phấn đấu nhiều hơn nữa. Bởi thị trường BĐS "đóng băng" không chỉ gây khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất vật liệu xây dựng, DN xây lắp, DN sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất... Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2014 hết sức nặng nề, cần có sự nỗ lực quyết tâm của toàn ngành ngay từ đầu năm, đặc biệt chú trọng lĩnh vực BĐS với chiến lược phát triển bền vững...

Theo đó, Bộ Xây dựng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014: Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch chung trên phạm vi cả nước; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện việc lập và quản lý thực hiện thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng; tiếp tục nghiên cứu, rà soát quyết liệt các dự án từ Trung ương đến địa phương…

Tại hội nghị tổng kết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chỉ đạo: Năm 2014, bên cạnh việc tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đồng thời ngành XD phải chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục là điểm tựa, đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung giải quyết xử lý các dự án bị bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN; tái cấu trúc các DN ngành XD; tổ chức triển khai có hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến ngành XD trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của cả nước và chương trình, đề án trong các lĩnh vực của ngành... Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ ngành hữu quan và các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đô thị. Năm 2014, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh về cơ chế chính sách, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia, đẩy mạnh xây dựng các công trình, dự án…

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết