28/07/2013 - 20:15

Ngành mía đường hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh

Một rẫy mía thuộc Câu lạc bộ 200 của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2012-2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, nhiều ý kiến cho rằng, ngành mía đường nước ta đã liên tục phát triển, tăng trưởng mạnh về diện tích, sản lượng mía và lượng đường. Song, ngành mía đường đang đối diện với thách thức về cải thiện năng lực cạnh tranh, giải quyết tiêu thụ và xuất khẩu đường, đảm bảo giá thu mua mía có lợi cho nông dân…

Sản xuất vượt nhu cầu

Trong  5 năm gần đây, giá đường và mía khá cao, các công ty sản xuất kinh doanh mía đường và người trồng mía có lãi, diện tích mía đã được mở rộng. Ngoài ra, đầu tư sản xuất thâm canh mía cũng được quan tâm nên năng suất, sản lượng mía liên tục tăng.

Theo Bộ NN&PTNT, vụ sản xuất mía đường 2012-2013 cả nước trồng 298.200 ha, tăng hơn 15.000 ha so với vụ trước. Trong đó, diện tích vùng nguyên liệu tập trung (gồm 25 tỉnh có nhà máy đường) là 285.100 ha, cao hơn 14.139 ha so với vụ trước. Năng suất mía bình quân cả nước đạt 63,9 tấn/ha, tăng 2,2 tấn/ha so với vụ trước. Đây là mức năng suất đạt cao nhất trong 10 năm qua. Sản lượng mía cả nước trong niên vụ 2012-2013 đã đạt 19,04 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với vụ trước. Trong vụ này, 40 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế trên 134.200 tấn mía/ngày đã ép mía với sản lượng 16,6 triệu tấn và sản xuất 1,53 triệu tấn đường (tăng 224.000 tấn, tương đương 17,1%), trong đó có 700.000 tấn đường tinh luyện. Tiêu thụ đường trong nước niên vụ 2012-2013 tương đương so với niên vụ trước, mức trung bình khoảng 100.000 tấn đường/tháng. Tính từ đầu vụ (khoảng 15-8-2012) đến 15-7-2013, các nhà máy sản xuất kinh doanh mía đường  đã bán ra trên  1,26 triệu tấn đường, tăng 58.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu khoảng 200.000 tấn, nhập khẩu 68.000 tấn (nhập cuối năm 2012 theo quota năm 2012). Theo đánh giá của các ngành chức năng thì lượng đường hiện có đang dư so với nhu cầu khoảng 200.000 tấn (chưa kể lượng đường tối thiểu phải nhập khẩu theo cam kết WTO). Nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn, thì lượng đường dư thừa khoảng 100.000 tấn. Đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường trước khi vào vụ 2013-2014 từ cuối tháng 8-2013. Lượng đường các nhà máy sản xuất trong vụ mới sẽ đảm bảo cung ứng đủ và dư thừa từ tháng 11-2013.

Vụ sản xuất mía đường 2013-2014 dự kiến diện tích mía cả nước sẽ tiếp tục tăng khoảng 8.000 ha, đạt khoảng 306.000 ha, trong đó diện tích vùng nguyên liệu tập trung khoảng 289.100ha. Năng suất mía dự kiến bình quân 64 tấn/ha và sản lượng mía cả nước sẽ đạt 19,6 triệu tấn. Theo kế hoạch sản xuất của các nhà máy, sản lượng mía ép trong vụ 2013-2014 sẽ đạt 17 triệu tấn và sản lượng đường dự kiến đạt 1,6 triệu tấn. Dự kiến, dù mức tiêu thụ đường trong nước phục hồi sau khủng hoảng tăng lên ở mức 1,5 triệu tấn, thì nguồn cung đường trong nước vẫn lớn hơn cầu khoảng  200.000 tấn (phần này chưa tính đến lượng hàng tồn kho nếu không xuất khẩu được của vụ này và áp lực của đường nhập lậu). Vì vậy, nếu không có giải pháp xuất khẩu hết lượng đường thừa thì giá đường trong nước vụ tới có nhiều khả năng tiếp tục giảm, các nhà máy sẽ bị thua lỗ và nông dân trồng mía sẽ gặp khó khăn.

Phải nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học và các chuyên gia ngành mía đường, gần đây, sản lượng đường trên thế giới cũng vượt cao so với nhu cầu.  Niên vụ mía đường 2012-2013 cung đường trên thế giới đạt trên 187,1 triệu tấn, vượt 7,5 triệu tấn so với vụ trước và thừa cung 10 triệu tấn. Đặc biệt, do giá đường trong nước có phần giảm chậm so với giá thế giới và hiện chi phí sản xuất mía đường trong nước vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều nước lân cận, nhất là Thái Lan nên 2 năm gần đây lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào nước ta có xu hướng tăng mạnh. Đó là mối “đe dọa lớn” cho ngành mía đường trong nước. Trước tình hình này, để tồn tại và phát triển, đòi hỏi ngành mía đường phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Diệp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam cho rằng, chất lượng mía đường chúng ta còn thấp và chi phí sản xuất mía cao là do đầu tư về giống, ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía đường chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, mía cho năng suất, chữ đường thấp và tỷ lệ mía đường thất thoát trong và sau thu hoạch cao, nông dân tốn nhiều chi phí nhân công trong sản xuất và thu hoạch... Để ngành mía đường trong nước phát triển bền vững và có thể đủ sức cạnh tranh với các nước, chúng ta cần quan tâm khắc phục các hạn chế trên. Trong đó, yếu tố về giống là rất quan trọng. “Giống được xem là tiền đề, nước phân là cơ sở, chăm sóc là quyết định”, Tiến sĩ Diệp nói.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đường Biên Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhận định: “Trong niên vụ mía đường 2013-2014, toàn cầu dự kiến sẽ thừa khoảng 6,6 triệu tấn đường và tình trạng cung thừa cầu này sẽ tiếp tục kéo dài sang vụ mía đường 2014-2015 và giá sẽ giảm. Do vậy, để giải quyết đầu ra, bên cạnh việc giảm chi phí sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, chúng ta cần thực hiện ngay các biện pháp đa dạng hóa các sản phẩm từ mía để tránh sản xuất đường thừa nhiều so với nhu cầu. Từ cây mía, làm ra đường, chúng ta còn có thể  sản xuất ra nhiều sản phẩm khác như: cồn nhiên liệu, chất dẻo sinh học, ván ép từ bã mía, phân hữu cơ vi sinh, điện đồng phát từ bã mía…Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã đa dạng hóa sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế của cây mía lên rất nhiều so với chỉ đơn thuần  sản xuất đường. Ở Ấn Độ, từ cây mía họ còn sản xuất thêm cồn và tận dụng bã mía để sản xuất điện, giúp tăng lợi nhuận từ 19-29%”.

Theo ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, trên cơ sở thực tế của Việt Nam và các nước có kinh nghiệm đi trước, Chính phủ nên xây dựng và sớm ban hành Nghị định về sản xuất mía và đường trong năm 2014. Mặt khác, để giải quyết các khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước cần có cơ chế về xuất nhập khẩu đường linh hoạt, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu đường. Song song đó, cần tăng cường nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm các chi phí cho người trồng mía…

     KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết