12/12/2017 - 15:38

Ngành công an nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới 

Tại TP Cần Thơ, Bộ Công an vừa tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) khu vực phía Nam. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp để ngành công an nâng cao chất lượng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM nói chung và tiêu chí an ninh, trật tự nói riêng...

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua, Bộ đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn nông thôn. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêu chí số 19 an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của việc thực hiện nội dung giữ vững an ninh, trật tự xã hội từ đó tích cực tham gia thực hiện.

Công an TP Cần Thơ xã hội hóa gắn bảng tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên các tuyến đường nông thôn, giúp người dân kịp thời thông báo tình hình an ninh trật tự và tố giác tội phạm. Ảnh: TUYẾT TRINH

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Ngành công an đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải; vận động quần chúng tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những điểm nóng về tội phạm, tệ nạn xã hội ở nông thôn. Hiện nay, cả nước có trên 700 loại mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phần lớn tập trung ở địa bàn nông thôn. Chẳng hạn: “Mô hình Tự quản về an ninh, trật tự”, “Nông dân với pháp luật”, “Xóm đạo bình yên”, “Dòng họ an toàn về an ninh, trật tự”,... góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Tùy tình hình thực tế, các địa phương đã xây dựng các mô hình phù hợp. Thời gian qua, Đồng Nai đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự tại ấp, xã. Điển hình như: mô hình “Tiếng kẻng an ninh trật tự”, mỗi khu dân cư được bố trí 1 kẻng an ninh. Mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự” với sự tham gia của cả cộng đồng dân cư. Tại TP Cần Thơ, Thượng tá Đinh Văn Nơi, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, chia sẻ: Ngành công an thành phố đã chú trọng xây dựng các mô hình dân vận khéo trong phòng, chống tội phạm tại nông thôn trong  thời gian qua với 33 nhóm mô hình, tiêu biểu như: mô hình “Cổng rào an ninh trật tự”, “Móc khóa tố giác tội phạm”, bảng thông báo số điện thoại đường dây nóng... Bên cạnh đó, Công an TP Cần Thơ ban hành Quyết định công nhận ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “3 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm). Đây là tiêu chuẩn bắt buộc các xã đạt được trong thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự về xây dựng NTM.

Giữ vững an ninh, trật tự nông thôn

Mặc dù thời gian qua, chương trình xây dựng NTM nói chung và thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự nói riêng tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, các địa phương luôn nhận thức rằng đây chỉ là bước đầu và tiêu chí an ninh, trật tự chưa thật sự bền vững. Ông Lê Văn Gọi, Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, cho biết: Đối với tiêu chí an ninh, trật tự phải thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, xem mô hình tự quản cộng đồng là trung tâm. Sắp tới đây, ngoài việc nhân rộng các mô hình hiệu quả, Đồng Nai sẽ lấy khu dân cư kiểu mẫu làm hạt nhân dựa trên nền tảng cộng đồng tự quản bằng các hương ước, qui ước nhằm hóa giải những phức tạp, mâu thuẫn ngay từ trong gia đình.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đảm bảo tình hình an ninh, trật tự nông thôn là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các xã NTM, trong đó, xây dựng nhiều mô hình để qua đó người dân nông thôn tiếp cận được pháp luật. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, một số địa phương thực hiện hương ước, qui ước cộng đồng giữ gìn an ninh, trật tự, người dân tự cùng nhau cam kết các qui ước với những giải pháp cụ thể. Đây là mô hình hay các địa phương cần phát huy và nhân rộng. Ngoài ra, các địa phương nhân rộng mô hình cộng đồng tự quản với sự tham gia của các tổ chức chính trị trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương tiếp tục quán triệt tư tưởng, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, nhất là thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự xã hội. Cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Lực lượng công an các cấp làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, phải nắm chắc tình hình địa phương, kịp thời tham mưu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh nông thôn. Ngành công an cần nâng cao công tác vận động nhân dân tham gia tích cực tố giác, phòng, chống tội phạm, bảo vệ và giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn...

TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết