12/08/2018 - 06:30

Ngân hàng - doanh nghiệp cần sự thấu hiểu 

Cần Thơ được Trung ương xác định là thành phố trung tâm động lực vùng ĐBSCL. Với vị trí trung tâm, Cần Thơ đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao chất lượng điều hành kinh tế của lãnh đạo thành phố, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Đặc biệt là sự cam kết về vốn cho sản xuất kinh doanh của các ngân hàng, nhưng DN vẫn cần sự thấu hiểu hơn của ngân hàng để cung - cầu vốn gặp nhau hiệu quả.

Nỗ lực của “nhà băng”

TP Cần Thơ hiện có đầy đủ các loại hình ngân hàng đang hoạt động (Ngân hàng TMCP, liên doanh và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài) với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ tăng 9,22% so với đầu năm 2018; vốn huy động đáp ứng 95,53% nguồn vốn cho vay. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chi nhánh TP Cần Thơ, đây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc cung ứng vốn ra thị trường, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: GIA BẢO
Khách hàng đến giao dịch tại BIDV chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: GIA BẢO

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, khả năng hoạt động của các TCTD trên địa bàn  ngang bằng với các thành phố trực thuộc Trung ương. Các TCTD phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, hoạt động thanh toán, tư vấn,... và không chỉ hỗ trợ DN Cần Thơ trong giao dịch liên quan đến ngân hàng, quốc tế mà còn hỗ trợ cho cả DN các tỉnh lân cận thành phố. Năm 2019, NHNN chi nhánh TP Cần Thơ sẽ cấp phép hoạt động cho một số ngân hàng nước ngoài và khi có nhiều ngân hàng cùng hoạt động, thị phần tín dụng chắc chắn sẽ mở rộng để đưa Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm tài chính của vùng ĐBSCL.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ cũng cho biết, hoạt động dịch vụ là một trong những hoạt động đem lại nguồn thu chủ lực cho ngân hàng, do vậy, các TCTD đều chú trọng mảng này. Hiện tại hoạt động dịch vụ thanh toán trên địa bàn Cần Thơ tăng rất cao và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển đa dạng; hoạt động dịch vụ khác của ngành ngân hàng cũng hỗ trợ rất lớn cho các tổ chức, DN và người dân trên địa bàn. Song song đó, các TCTD cũng rất nỗ lực kéo giảm tỷ lệ nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2018 nợ xấu trong hệ thống xuống dưới mức 1,5% trên tổng dư nợ cho vay. Khi đã xử lý nợ xấu tốt thì hoạt động tín dụng sẽ mở rộng để thúc đẩy hoạt động, hỗ trợ tốt nhất cho DN. 

 Trong hoạt động cho vay, các TCTD đều ưu tiên vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên, trong các tháng đầu năm 2018, tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đều tăng; trong đó cho vay xuất khẩu, lúa gạo, nông nghiệp- nông thôn tăng trên 2 con số. Cụ thể, đến cuối tháng 7-2018, tổng dư nợ cho vay của các TCTD đạt khoảng 73.800 tỉ đồng, tăng 9,22% so với đầu năm. Vốn huy động khoảng 70.500 tỉ đồng, tăng 6,87% so với đầu năm, đáp ứng 95,53% nguồn vốn cho vay. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn với dư nợ 26.500 tỉ đồng; cho vay xuất khẩu 11.400 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 17.500 tỉ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 100 tỉ đồng; cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản 7.700 tỉ đồng; cho vay thu mua lúa-gạo 7.600 tỉ đồng... Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 7,0% - 9,0%/năm; trung, dài hạn từ 9,0% -11%/năm…

Mặc dù các TCTD đều cam kết xem DN là bạn đồng hành để cùng phát triển, nhưng thực tế nhiều DN cũng phản ánh nhiều ngân hàng đang siết cho vay đối với một số lĩnh vực. Điều này rất khó khăn cho DN trong quay vòng vốn sản xuất, kinh doanh; nhất là các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, dài hạn.

DN vẫn than khó về vốn

Các nhà băng cam kết đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, ưu đãi lãi suất cho các DN có tài chính minh bạch và lành mạnh.  Các DN cũng rất chủ động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu nhưng cũng cần sự nới lỏng của ngân hàng trong việc xét duyệt vốn cho vay.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam- South Vina (KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ) cho rằng, khi công ty xác định khi đầu tư vào thành phố đã nhìn thấy những chủ trương chính sách của Cần Thơ có nhiều ưu đãi cho DN. South Vina xuất khẩu sản phẩm cá tra chế biến đi trên dưới 100 thị trường, gồm: Mỹ, các quốc gia Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Quốc và một số thị trường châu Á… Trong đó, thị trường Brazil chiếm khoảng 65% thị phần xuất khẩu của công ty. Tất cả thị trường đều có khó khăn và có những kiểm soát với các chính sách áp đặt khác nhau. Khi DN định hướng đi vào thị trường nào thì sẽ có sự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của thị trường đó. Nhưng để phát triển ổn định, DN cần sự thấu hiểu của ngân hàng và chính sách của địa phương cần cụ thể hơn.

Theo ông Quang, doanh thu hằng năm của South Vina đề ra khoảng 45 triệu USD, năm 2017 đạt và có thể vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2018. Song, việc thiếu vốn sản xuất, South Vina phát triển vùng nuôi cá tra để phục vụ cho nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều trở ngại. Chủ trương của TP Cần Thơ là tập trung cho thủy sản, phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến để kiểm soát nguyên liệu, nhưng vốn đầu tư vùng nuôi rất lớn và vốn tự có của Công ty thì không thể nào nuôi cá nổi trong thời gian dài. Hiện vùng nuôi của công ty khoảng 100ha, đáp ứng 80% nguyên liệu cho công ty sản xuất còn lại mua ngoài. Thời gian qua, công ty sử dụng vốn tự có để duy trì vùng nuôi và làm sản phẩm phù hợp cho từng thị trường.

 “Tuy nhiên, để cạnh tranh trên thị trường, công ty cần phải đầu tư lại rất nhiều thứ, từ công nghệ, dây chuyền chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý ao nuôi,... để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Công ty không đủ lực để đầu tư, mà cần vốn từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhưng nhiều ngân hàng gần đây thắt chặt cho vay đối với nuôi cá tra, nên nhiều DN cũng rất khó xoay xở”- ông Quang cho biết. Không chỉ DN nuôi cá tra, một số DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng cho biết, để có sản phẩm tốt, chất lượng, đạt chuẩn và đi vào thị trường lớn cần vốn đầu tư lớn. Song, vẫn còn nhiều điểm vướng trong tiếp cận vốn chính sách cho các dự án này.      

  Theo khẳng định của lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố, chi nhánh đã thành lập Tổ hỗ trợ DN để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Do vậy, các DN có khó khăn có thể phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo NHNN. Mục tiêu của Tổ hỗ trợ DN là thúc đẩy vốn sản xuất đến đúng địa chỉ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời góp phần phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết