10/12/2017 - 15:13

Ngan Dừa và một số địa danh có thành tố “Ngan” ở ĐBSCL 

Ngan Dừa hiện nay là một thị trấn thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, giáp với phần nhiều huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Về địa danh Ngan Dừa, có nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải. Bài viết sau đây xin bàn đôi điều về địa danh này cũng như một số địa danh khác có thành tố “Ngan” ở ĐBSCL.

Người dân Ngan Dừa có nghề dệt chiếu lâu đời. 

Thị trấn Ngan Dừa có hệ thống sông rạch bao quanh, đều là những con sông lớn. Ngan Dừa có làng nghề dệt chiếu, nghề rèn và đặc sản bánh tằm Ngan Dừa nổi danh khắp vùng. Nhiều người dân ở Ngan Dừa vẫn thường hay thắc mắc khi những người lớn tuổi (nay hầu như đã qua đời) vẫn thường gọi vùng đất này là “Ngan Gừa” hay “Ngăn Gừa” nhưng địa danh hành chính là Ngan Dừa.

Theo lời ông Nguyễn Văn Thiếp (tự Tám Thiếp, đã mất gần chục năm, nếu còn sống năm nay khoảng 105 tuổi), một người dân gốc gác ở Ngan Dừa và rất am tường về xứ sở này, hồi xưa nơi đây toàn là rừng tràm nhưng trong rừng tràm có nhiều cây gừa (loài cây cùng họ với sộp, si…) rất cao lớn, gốc năm bảy người ôm, rễ treo tua tủa kỳ dị. Ông Tám Thiếp đặt giả thuyết địa danh Ngan Gừa có từ đây, lâu dần gọi trại thành Ngan Dừa?

Hơn 1 thế kỷ trước, vùng Ngan Dừa thuộc làng Vĩnh Lộc, tỉnh Rạch Giá. Lần giở cuốn biên khảo “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, tác giả Sơn Nam thuật lại rằng xứ này xưa kia có nhiều kinh rạch, cuối mỗi ngọn rạch có nhiều xóm nhỏ là nơi trú ngụ của những người gác kèo ong lấy mật, sáp (gọi là ăn ong) và những người đốn củi lậu thuế. Đặc biệt, nghề ăn ong ở xứ Rạch Giá cho nguồn lợi rất lớn. Huê lợi này được Nhà nước giao cho các ông Cai tổng làm thầu rồi Cai tổng tự chia ra từng sở nhỏ để các “tay sai” thầu lại. Đến khoảng thời Tự Đức, các quan địa phương chia rừng thành từng lô nhỏ, lấy những kinh rạch tự nhiên làm rạch giới, gọi là “Ngăn” hay “Ngan”. Nghề ăn ong vì vậy mà còn được gọi là “ăn ngan”, lô rừng đem đi đấu thầu gọi là sở phong ngạn. Tác giả Sơn Nam thống kê được: “Phong ngạn tập trung ở những làng nhiều rừng tràm, năm 1905, làng Vĩnh Lộc có tới 19 sở (nhiều nhất trong các làng của tỉnh Rạch Giá- NV)” (“Lịch sử khẩn hoang miền Nam”). Con số này cho thấy nghề ăn ong từng một thời thịnh vượng ở xứ Ngan Dừa. Về lợi nhuận của nghề ăn ong, theo tài liệu của tác giả Sơn Nam, năm 1895, hương chức làng thâu lợi nhiều quá đến mức dám hiến lại cho ngân sách phân nửa số lời mà họ vẫn còn thu được gần 3.000 đồng.

Trở lại địa danh Ngan Dừa, từ cách lý giải về thành tố “Ngan” và lời kể của ông Tám Thiếp, có thể nhận định Ngan Gừa là chỗ ăn ong có nhiều cây gừa mọc. Lâu dần, bà con gọi trại thành Ngan Dừa đến bây giờ. Cách lý giải này có lý khi theo khảo sát của chúng tôi, một vùng đất rộng cách Ngan Dừa bán kính chừng 30km, có rất nhiều địa danh có thành tố “Ngan” đứng đầu, kể ra như: Ngan Trâu, Ngan Vọp, Ngan Mồ, Ngan Rít, Ngan Rô, Ngan Kè… Những cách đặt địa danh này cũng được lý giải thuyết phục như xứ ăn ong có nhiều, lần lượt là: con trâu, con vọp (loài nhuyễn thể thường sống trong lòng đất sình nơi lá dừa nước mọc), mồ mả, con rít, bụi ô rô, cây kè (cùng họ với cây dừa cạn)… Điều này cũng được tác giả Sơn Nam đồng tình trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”. Về chuyện phát âm trại từ “Gừa” thành “Dừa” không phải không có ngoại lệ. Ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có địa danh Xẽo Gừa, trại từ “xẽo có nhiều cây dừa” mà ra. Hay ở xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thì có địa danh gọi trại theo chiều ngược lại: Rạch Dừa, lâu dần thành Rạch Gừa.

*   *   *

Cách xứ Ngan Dừa chừng trên 30 cây số, cũng nằm trong vùng Rạch Giá xưa, có những địa danh Cây Bàng, Nhà Ngang, Kè Một, nay thuộc huyện U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Về những địa danh này, trong quá trình điền dã, chúng tôi ghi nhận câu ca dao được người dân trong vùng truyền tụng:

“Nhà Ngang, Kè Một, Cây Bàng

Ngược xuôi in dấu chân chàng, chàng ơi”

Cùng với đó, chúng tôi cũng ghi nhận một câu chuyện dân gian lý giải nguồn gốc các địa danh này. Truyện kể rằng, thuở xưa có một anh Hai từ đâu về xứ này định cư, vóc người to lớn, khỏe mạnh, hiền lành, cương trực và hay giúp đỡ mọi người. Chị Hai- vợ anh là người có nhan sắc nên tên hương quản làng hay trêu ghẹo, thất lễ. Vốn đã ghét tính hiếp đáp dân nghèo, nay vợ bị hắn trêu cợt, anh Hai đâm chết tên hương quản, trừ hại cho dân. Anh Hai bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, còn vợ anh thì bụng mang dạ chửa tìm về cố quán. Lúc chia tay, anh Hai dặn vợ: “Chừng nào con mình tròn 20 tuổi, mình dắt con xuống miệt này tìm tôi. Cứ thấy con rạch nào có căn nhà bắc ngang qua là tôi ở đó”.

Một con rạch đi tắt về Kè Một.

Đến nơi ở mới, cơ ngơi vừa gầy dựng lại thì lại gặp cường hào ác bá bóc lột, anh Hai ra tay nghĩa hiệp trừ hại cho dân. Trước khi đi xứ khác náu thân, anh Hai dặn bà con: “Chừng nào vợ tôi tới, bà con giùm chỉ thẳng vô ngọn rạch, thấy nhà nào có duy nhất cây kè là nhà tôi”. Khốn đốn vẫn chưa buông tha, lần thứ 3 như 2 lần trước, anh Hai trừ hại bọn tay sai, bóc lột dân nghèo, anh cũng phải đi chỗ khác lánh nạn, cũng dặn dấu chỉ cho vợ mình như 2 lần trước, nhưng lần này là cây bàng. 20 năm sau, vợ con anh Hai trùng phùng, anh Hai được coi như người hùng, thủ lĩnh của người dân xứ này. Từ những dấu chỉ đó, các địa danh Nhà Ngang, Kè Một, Cây Bàng ra đời từ sự biết ơn của bà con dành cho anh Hai.

Anh Hai trong câu chuyện dân gian này thật như lời nói bông đùa trong một lần trả lời phỏng vấn của cố nhà văn Sơn Nam, đại ý: Anh Hai, đại ca là những thằng chơi được, biết lo cho em út, cho em út tiền xài khi tụi nó hết tiền. Có thể nói, anh Hai trong câu chuyện của người dân vùng U Minh Thượng là nhân vật đại nghĩa diệt thân, rất hay và tiêu biểu trong kho tàng truyện dân gian ĐBSCL.

Tuy nhiên, xét về cách lý giải nguồn gốc địa danh, chúng tôi chỉ xem đây là yếu tố “truyền thuyết hóa” địa danh. Từ những tài liệu nói về vùng đất này, cũng như địa danh có thành tố “Ngan” đã nói ở trên, chúng tôi lập luận rằng, địa danh Nhà Ngang (nay là tên chợ, tên vùng đất) nguyên thủy là “Nhà Ngan”- nhà ở để coi sóc những ngan ăn ong thuở trước. Còn với địa danh Kè Một, thật ra trước đây và hiện nay, nhiều người vẫn quen gọi là “Kèo Một”. Phải chăng, “kèo” ở đây mang ý nghĩa là kèo ong, tức cây gác trong rừng để dẫn dụ ong về làm tổ. Gác kèo ong là một thủ thuật “gia truyền” của người làm nghề với những bí quyết riêng. Nói thêm một chút, từ chợ Kè Một bây giờ, đi tuyến đường Nước Chảy sẽ đến chợ Ba Đình (thuộc tỉnh Bạc Liêu) vẫn còn nhiều thửa đất hoang vu, mang đậm tính phong ngạn thuở trước, dù đã được người dân khai khẩn nhiều để trồng khóm, nuôi tôm.

*    *    *

“Hò ơ... Hỡi ai đi xuôi về ngược. Nếu thuận nước thuận tình ghé chợ Ngan Dừa cho em thưa một chuyện. Hò ơ… Nếu thuận nước thuận tình ghé chợ Ngan Dừa cho em thưa một chuyện. Nếu có duyên có nợ ghé chợ ăn bánh tằm giùm em”. Câu hò ngọt lịm của thôn nữ xứ Ngan Dừa làm xao xuyến lòng ai. Ngan Dừa rồi đi đôi ba cây số lại đến Ngan Trâu, Ngan Mồ, Ngan Kè… những địa danh lưu dấu thuở ông cha khai khẩn đồng bằng. Mộc mạc mà thật đáng trân quý!

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh 

Chia sẻ bài viết