22/11/2008 - 21:17

Truyện ngắn

Ngậm ngùi

* NHẬT HỒNG

"Rắn bông súng lạ lắm! Chỉ cái tên của nó cũng đủ làm cho lòng của người dân ruộng thấy một chút tình ấm áp rồi. Đừng nói chi đến thịt của nó có một mùi vị độc đáo mà đến bây giờ Chú nhớ còn chảy nước miếng" - Chú Hai nói. Năm nay tuổi đã cao nhưng đầu óc chú còn minh mẫn, không còn lao động chỉ ở nhà quanh quẩn với đàn gà. Gà mắc toi chết hết. Chú buồn ra vườn bứng gốc sung gốc khế về làm kiểng. Một hôm tôi bất chợt về thăm, chú Hai mừng lắm, kéo ở lại cho bằng được...

Ở quê tôi vào mùa nước nổi. Chống xuồng ra ruộng sẽ nghe được một mùi đặc trưng: bên cạnh mùi nồng của lúa, cỏ mang cái lành lạnh của nước còn một mùi nữa thơm ngan ngát thật là dễ chịu làm cho người ta trải rộng tấm lòng giữa bao la đồng ruộng- đó là mùi bông súng. Buổi sáng bông súng nở trắng lốp ngoài đồng ruộng. Mặt ruộng bao la, người ta dễ dàng phân biệt, màu xanh là lúa, cỏ, màu trắng là bông súng. Bông súng mọc tập trung ở lung trũng, xen vô gốc lúa, bờ giồng, bờ kinh mương...

Vào những năm thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước lúa chỉ làm một vụ, trên đồng ruộng chỉ có ba tháng: Giêng, hai, ba, khô nứt nẻ còn lại là nước. Bắt đầu sa mưa là trên đồng có nước đọng ở lung đìa cho đến hai mươi lăm tháng chạp nước mới bắt đầu rút khô. Trên đồng có nước chín tháng trong năm. Các loài cua đinh, càng đước, rùa rắn, cá, tôm đủ cỡ lớn nhỏ người ăn không hết, lúc ấy rắn bông súng ít ai ăn, con nít ra đồng bắt rắn bông súng về rồi thả vì nó hiền lắm.

Chú Hai đẩy ly nước trà qua cho tôi. Tôi im lặng, ráng chờ nghe chú kể chuyện. Tôi cũng mê chuyện lạ đồng ruộng năm xưa nên chú ý nghe đến đỗi quên công việc. Nghĩ bụng, công việc trễ một ngày mai làm tiếp, còn việc đời mai kia, mốt nọ ai mà kể cho mình nghe đây?

* * *

Hồi chú Hai còn trẻ có quen một cô gái tên là Sáu Linh. Nhà Sáu Linh ở cách chú một giang đồng. Nếu như mùa nước chống xuồng vài hơi thuốc lá thì tới, còn mùa khô phải lội bộ hơi lâu vì lội bộ xa phải cởi quần lội qua hai con kinh nhỏ. Ông Bảy ba của Sáu Linh thích nuôi gà nòi. Nuôi mà không cho đá để bộ cựa dài thậm thượt coi chơi. Chú thì đi tìm kiếm các giống gà tốt mà đem về cho ông Bảy. Ông Bảy khoái, chú mới tới lui được để gặp mặt Sáu Linh. Có hôm, chú chống xuồng qua lại đôi ba giác, sáng - trưa - chiều - tối với lý do đem lúa cho gà ăn, đem tre trúc để ông Bảy dạy đương bội úp gà. Sáu Linh thấy Chú thường xuyên qua lại, nói:

- Anh Hai! ... Mai anh qua đem gạo theo.

- Chi vậy?

- Ở đây luôn cho vui!

Chú không biết Sáu Linh nói chơi hay nói thiệt hoặc có ý gì... nhưng mà nụ cười chum chúm cái miệng ấy làm cho chú mơ màng hoài.

Có hôm, chú đang cặm cụi cho con gà điều uống nước, Sáu Linh đến phía sau hồi nào không hay.

- Thả gà ra đi anh Hai.

- Hổng được! Ba em rầy chết.

- Thả lén mà! Nhốt hoài tội nó!

- Thả ra nó rượt gà mái rồi làm sao?

- Thì... thây kệ nó.

- Ba em dặn không được thả mà!...

Sáu Linh đi khuất sau bờ trúc nhưng như còn in cái dáng eo thon tròn trịa trong chiếc áo bà ba. Chú về kể cho người lớn nghe chuyện của Sáu Linh, có người xúi: “Sáu Linh thương mày rồi đó”.

Buổi trưa vắng hoe, chú vừa cập xuồng vô sàn nước của nhà ông Bảy thì có tiếng la hơ hãi trong nhà. Chú vội vàng không kịp cắm xuồng phóng lên bờ chạy tọt vô nhà. Sáu Linh mặt mày tái mét, ngồi ở ngóc nhà tay ôm lấy hai vai trong nỗi sợ hãi còn in trên mặt. Gặp chú, Sáu Linh phóng tới ôm chú gọn gàng, nhanh đến độ chú chỉ biết đứng trơ trơ, không kịp phản ứng. Trong cái va chạm lạ lẫm mềm mại của da thịt còn có hơi ấm, thật ấm. Sáu Linh vừa buông chú ra, ông Bảy cũng vừa về tới. Nhìn nét mặt con gái. Ông Bảy hỏi:

- Có chuyện gì vậy Linh?

- Rắn! ba ơi! Rắn con lúc nhúc!

- Ở đâu?

- Ở trong cái khăn của Ba.

Ông Bảy nhớ ra:

- Con lấy lên từ ở mũi xuồng của Ba phải không?

- Dạ! Phải.

- Rồi! Hôm qua tao đi dỡ lờ có nhiều rắn bông súng lắm, tao trút đại vô xuồng, ban đêm nó bò đi chui vô trong khăn. Khi con đem khăn lên sơ ý không giũ ra, nó nằm đó rồi đẻ con luôn.

- Ủa! Rắn đẻ con chứ không đẻ trứng hả Ba.. Sáu Linh hỏi:

- Rắn thường đẻ, còn đặc biệt rắn bông súng nở con trong bụng đến khi cứng cáp mới chui ra đi tìm thức ăn.

- Nè! Bây lại xem đi. Ông Bảy phanh cái khăn tắm ra: cả chục con rắn con bò ngọ nguậy, ông hốt vô khăn đem chúng ra thả xuống ruộng. Ông nói: “Để nó chết tội lắm!”.

Chú nhìn Sáu Linh. Sáu Linh lặng lẽ đi ra phía sàn nước ngồi rửa chén, mắt long lanh nửa thẹn thùa, nửa như nuối tiếc giấc mơ đẹp vừa tan. Linh cố trốn tránh cái nhìn của chú. Lần đầu tiên chú có dịp chứng kiến tình cảm của người con gái biểu lộ bằng đôi mắt thật là dễ thương mà cũng vô cùng bí ẩn.

Một buổi chiều nhà Linh vắng vẻ, chú bước vô thấy cái khăn tắm như hôm trước quấn một cục để ở góc ngựa phía trong vách. Chú đến cầm cái khăn giũ ra, sợ rắn có trong đó làm Linh sợ như hôm nọ. “ Cộp cộp” -hai trái lựu đạn rơi xuống đất. Trời! Mặt chú cắt không còn chút máu. Sáu Linh trong buồng bước ra hỏi:

- Anh Hai mới qua hả?

Thấy chú đứng trơ trơ. Linh đến, nhẹ nhàng cúi xuống lượm hai trái lựu đạn bỏ vào khăn túm lại nói:

- Có gì đâu mà sợ! Cái càng bung ra mới nổ mà...

... Chú tham gia Cách mạng từ cái hôm đó. Chiến tranh ngày một ác liệt. Chú thoát ly gia đình cũng tại nhà ông Bảy. Đêm tiễn chú. Ông Bảy kêu Sáu Linh làm một món đặc biệt: “Rắn bông súng dồi nấu cháo”.

Ông Bảy quấn cái khăn rằn lao vào bếp vừa làm vừa giải thích:

- Rắn này trụng nước sôi làm sạch vẫy, lột da cho thật khéo, giữ cho da còn nguyên. Thịt rắn đem bằm cho thật nhuyễn trộn với thịt ba rọi một ít tiêu, tỏi, hành, nước mắm biển trong tỉn hiệu “Con cua” mới ngon. Bằm ướp xong dồn vô da rắn đã lột hồi nãy, buộc túm đầu bằng cọng hành bỏ vô nồi cháo. Cháo nhừ bốc mùi thơm phưng phức, chưa nếm cũng biết ngon, chưa ăn cũng thấy đã. Con rắn dồi tròn lẳn, xắt ra từng khoanh cho vào đĩa trộn rau ghém bằng bắp chuối. Suốt bữa cháo ông Bảy một mình nhâm nhi hết một xị ruợu nếp, chếch choáng tiễn chú xuống xuồng nói với Linh:

- Nè! Con đưa anh Hai con tới nơi tới chốn, còn cái thau rắn nhồi thì nói tao gởi cho thằng Tư Xê ở Tỉnh đội dùng thử món của tao chế biến.

Khi chia tay Sáu Linh trao cho chú chiếc khăn thêu có tên hai đứa ở góc chéo. Cô căn dặn: “Anh đi mạnh giỏi nghen! Em thương anh hẹn ngày hòa bình thống nhất mình cưới nhau nghen anh”. Chú làm gan nắm tay Sáu Linh, Sáu Linh rưng rưng nước mắt nói: “Em vẫn là “rắn bông súng” ngoan hiền của anh”.

* * *

Năm một chín bảy mươi hai, chú về thăm ông Bảy. Đã quá nửa khuya mà nhà vẫn còn ánh đèn leo lét. Sau một hồi nghe ngóng động tĩnh chú mới cho xuồng tấp vào. Ông Bảy ngồi trên bộ ván. Trông ông như pho tượng gầy gò đến không ngờ. Chú vừa bước vô cửa ông Bảy đã nhận ra ngay, nói:

- Hai. Mới về đó hả?

- Dạ! Con về thăm ông Bảy nè!

- Dữ ha! Biền biệt tăm hơi.

Ông Bảy đứng lên ôm lấy chú nước mắt ông lăn xuống má, nghẹn lời:

- Con Linh nó hy sinh rồi Hai ơi!

- Hồi nào? Chú thảng thốt

- Ba ngày rồi! Hôm đó lính huy động đi bố ráp nhiều mặt, nó chống càn cả ngày mệt mỏi rút xuống hầm bí mật. Hầm bị tốc nắp, nó cưa lựu đạn với đám lính. Lính chết và bị thương cả chục. Chừng như hai trái chứ không phải một.

Chú rụng rời tay chân ngồi phịch xuống bộ ván. Sống chết với chú như chuyện ăn cơm bữa, nhưng mà sự hy sinh của Sáu Linh chú cảm thấy mất mát to lớn vô cùng, nước mắt chú chảy xuống.

- Thằng Hai về đây! Bác mừng lắm, coi chừng bọn biệt kích đánh điểm.

- Đừng lo, tụi con về đông lắm.

Ông Bảy lụm cụm đi moi móc cái vật gì đó ở góc cột nhà. Một lúc lâu đem ra một cái bọc ni-lông đen quấn dây thun kỹ lưỡng:

- Cái vật này con Linh nó chưa kịp gởi cho cháu thì nó đã hy sinh. Chú cầm gói cao su mở ra xem hóa ra là một lá thư nét chữ còn thơm mùi mực. Nội dung thư cho biết tổ chức đồng ý cho Linh với chú kết hôn. Chú xin phép làm một việc: lạy ông Bảy gọi bằng ba và xin để tang cho Sáu Linh như người vợ chính thức của chú. Ông Bảy ứa nước mắt, gọi chú bằng con. Đêm ấy, lần đầu tiên chú ngồi âm thầm cùng với ông già vợ uống hết một chai rượu nếp. Chia tay trong tiếng gà thúc giục. Ông Bảy nắm níu:

- Con đi! Cẩn thận nghen con!

Chú dặn dò:

- Ba đừng lấy rượu giải buồn, ráng giữ gìn sức khỏe cho đến ngày hòa bình nghen ba! Không lâu lắm đâu!

* * *

Chú Hai vừa nói vừa chỉ tay lên bàn thờ:

- Đó, hình của ông già vợ. Đó, hình của Sáu Linh - “rắn bông súng” của chú.

Tôi bước đến bàn thờ nhìn tấm hình người phụ nữ trẻ trong bộ áo bà ba đen, đội nón tai bèo có nụ cười tươi. Tôi ngậm ngùi đốt nén nhang cắm lên lư hương.

Chú Hai giục:

- Thôi! Đủ rồi! Bữa nay nhân ngày giỗ cháu ở lại chơi cho vui.

Sau khi cúng xong, trên bàn đầy ắp những món có cá, có thịt... nhưng có một món đặc biệt được chú Hai dặn người trong nhà đem ra sau cùng: “rắn dồi”. Chú Hai nâng ly rượu lên trịnh trọng nói với mọi người: “Rắn bông súng bây giờ khó kiếm quá nên tôi lấy rắn ri voi dồi thay thế để nhớ về một người không thể mất trong lòng tôi”. Chú Hai vừa nói mà nước mắt chảy ra, nhểu xuống ly rượu đang cầm.

Chia sẻ bài viết