13/09/2018 - 07:24

Nga - Trung bắt tay đối phó Mỹ? 

Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh quan hệ với phương Tây tuột dốc.

Hôm 11-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có buổi hội đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok. Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất và đầu tư, thúc đẩy giao thương và kinh tế Nga-Trung ở Vùng Viễn Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Putin còn cho biết hai bên nhất trí tăng cường sử dụng đồng nội tệ thay cho USD trong các giao dịch thương mại song phương. Lãnh đạo Nga tin tưởng động thái này giúp tăng tính ổn định của ngân hàng trong hoạt động xuất, nhập khẩu giữa lúc thị trường toàn cầu liên tục biến động.

Nằm trong hoạt động hợp tác song phương, Quỹ Đầu tư Nga-Trung (RCIF) cho biết Ủy ban Cố vấn Kinh doanh Nga-Trung gồm hơn 150 đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu hai nước đang xem xét 73 dự án đầu tư liên doanh trị giá trên 100 tỉ USD. Trong khi đó, RCIF và Tập đoàn Trung Quốc Tus-Holdings cũng đang xúc tiến dự án khu công nghệ trị giá 1,28 tỉ USD. Hai bên còn đang cân nhắc xây dựng khu công nghệ sáng tạo Trung-Nga và lập quỹ đầu tư với vốn ban đầu mỗi dự án hơn 100 triệu USD.

Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc được nhìn nhận là vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu ở thời điểm cả hai đang nỗ lực duy trì kinh tế ổn định và tìm kiếm giải pháp đối trọng với Mỹ. Trong đó, Mát-xcơ-va hướng đến Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư trước thách thức từ các lệnh trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Ngược lại, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm đồng minh giữa lúc đối mặt làn sóng chỉ trích liên quan hoạt động quân sự hóa Biển Đông, vấn đề nhân quyền và chính sách thương mại không công bằng với đỉnh điểm là cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Theo hãng thông tấn Tass, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng 50% trong nửa đầu năm 2018, dự kiến đạt 100 tỉ USD vào cuối năm.

Liên quan cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung, Bắc Kinh đang hoãn tiếp nhận đơn xin cấp phép hoạt động của các công ty Mỹ thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính và các ngành công nghiệp cho đến khi Washington đạt được tiến triển trong giải quyết căng thẳng thương mại.

Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ- Trung Quốc (USCBC), tiến trình cấp giấy phép bị trì hoãn đối với những ngành công nghiệp mà Bắc Kinh cam kết mở cửa cho cạnh tranh nước ngoài. Trước đó có tin Tổng thống Donald Trump sẵn sàng áp thuế lên thêm 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, theo sau đề xuất 200 tỉ USD trước đó. Do vậy, động thái của Bắc Kinh dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc đang nhắm đến hoạt động của các công ty Mỹ khi tình hình hiện nay cho thấy cường quốc châu Á đang cạn dần các mặt hàng có thể đánh thuế trả đũa Washington.

Ngoài gây khó cho doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc đang trình yêu cầu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp trừng phạt Mỹ với cáo buộc Washington không tuân thủ phán quyết trong tranh chấp bán phá giá.

Nga chỉ trích Mỹ về chính sách “trừng phạt trước, đàm phán sau”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12-9 đã chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ, cụ thể là áp đặt lệnh cấm vận trước khi ngồi vào bàn đàm phán, đang gây căng thẳng giữa hai cường quốc này.

Phát biểu trước các nhà ngoại giao trẻ bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 4, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: “Trong hầu hết các trường hợp, Mỹ không sẵn sàng đàm phán. Đầu tiên họ tuyên bố trừng phạt, rồi gia tăng trừng phạt và sau đó mới mở cửa cho các cuộc đàm phán”. Theo ông Lavrov, những chính sách như vậy thường sẽ không dẫn đến “thành công lâu dài”.

Ông Lavrov nhấn mạnh nhận xét của ông không chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa Mỹ và Nga - vốn được ông đánh giá “đang ở mức độc hại nhất”, mà thực tế trên còn có thể thấy rõ qua cách hành xử của Mỹ với Triều Tiên, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
 

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết