31/07/2017 - 21:27

Nga trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Mỹ phải giảm 755 nhân viên ngoại giao đang làm việc tại nước này, đồng thời nhấn mạnh Mát-xcơ-va có thể cân nhắc các biện pháp bổ sung nhằm vào Washington để trả đũa các biện pháp trừng phạt mới vừa được Quốc hội Mỹ thông qua tuần rồi.

Tổng thống Putin duyệt binh tại St Petersburg ngày 30-7. Ảnh: AFP

 

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Vesti TV ngày 30-7, Tổng thống Putin cho biết hiện có hơn 1.000 nhân viên Mỹ gồm các nhà ngoại giao và phụ tá đang làm việc tại Nga. Ông Putin yêu cầu Washington trước ngày 1-9 phải giảm con số này xuống còn 455 người, tương đương số nhà ngoại giao Nga ở Mỹ.

Cùng với thu hẹp nhân sự, Bộ Ngoại giao Nga trước đó còn cho biết đang đóng cửa một khu nghỉ dưỡng và các kho bãi mà Mỹ sử dụng ở ngoại ô Mát-xcơ-va.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận số lượng chính xác nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán nước này tại Nga. Nhưng trong một thông báo, họ cho rằng Nga vừa có “động thái đáng tiếc và không cần thiết”.

“Chúng tôi đang đánh giá tác động của lệnh hạn chế như vậy và biện pháp đối phó” – trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo BBC, đây là vụ trục xuất nhân viên ngoại giao lớn nhất từ ​​bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử hiện đại.

Trả lời kênh Russia 24, Tổng thống Putin cũng nói rõ động thái trục xuất các nhân viên ngoại giao Mỹ là nhằm đáp trả “các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp” từ Washington.

Hồi tuần rồi, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan cáo buộc Mát-xcơ-va can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Thông báo hôm 28-7 của Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký phê chuẩn dự luật trên.

 Về khả năng trừng phạt bổ sung đối với Washington, Tổng thống Putin cho biết Nga có thể có nhiều biện pháp chống lại Mỹ nhưng vẫn chưa rõ liệu có cần thiết trả đũa thêm nữa hay không, bởi những động thái như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Nga.

Thay vào đó, ông chủ Điện Kremlin cho rằng Mát-xcơ-va và Washington có thể hợp tác trong lĩnh vực cả hai quan tâm bao gồm chống khủng bố, tội phạm mạng, năng lượng và hàng không. Dù vậy, ông Putin cho biết chưa thấy khả năng “sớm có thay đổi “trong quan hệ hai nước.

“Thay vì bắt đầu hợp tác một cách xây dựng, chúng tôi chỉ nghe những cáo buộc vô căn cứ rằng Mát-xcơ-va can thiệp công việc nội bộ của Mỹ” – Tổng thống Putin chỉ trích.

Mỹ trấn an đồng minh NATO

Trong diễn biến khác, Guardian cho biết Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 30-7 đã đến Estonia nhằm trấn an các quốc gia đồng minh Baltic về cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữa lúc ngày càng có nhiều quan ngại về ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Tại đây, Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Juri Ratas để thảo luận về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở Estonia.

Ngoài ra, ông Pence cũng có cuộc gặp với lãnh đạo 2 nước Baltic khác là Latvia và Lithuania.  Hồi đầu tháng này, Mỹ đã lần đầu tiên triển khai một loạt tên lửa phòng không tầm xa ở Lithuania.

Chuyến đi của ông Pence diễn ra sau khi Nga đưa 2.500 quân tới biên giới Latvia và Estonia như một phần trong cuộc tập trận ở vùng Pskov, và trước thời điểm Nga-Belarus tiến hành cuộc tập trận Zapad vào tháng 9. Các quan chức NATO ước tính sẽ có hơn 100.000 quân nhân tham gia sự kiện này.

Trong tuyên bố tái khẳng định cam kết của Mỹ, Phó Tổng thống Pence cho biết chủ trương của chính quyền Trump là “Nước Mỹ trên hết” nhưng không có nghĩa “ Nước Mỹ đơn độc”, qua đó trấn an các đồng minh ở Đông Âu rằng Washington vẫn sát cánh bên họ.

Theo kế hoạch, ông Pence cũng sẽ lần lượt viếng thăm thành viên mới của NATO là Montenegro, và quốc gia từ lâu muốn gia nhập liên minh quân sự này là Gruzia.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết