09/03/2014 - 22:15

Nga-Mỹ tiếp tục bất đồng về Ukraina

Đoàn xe quân sự được cho là của Nga đổ về Simferopol hôm 8-3.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây càng leo thang quanh vấn đề Ukraina sau khi cộng hòa tự trị Crimea đề xuất trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga ngày 16-3 tới giữa lúc có tin nói rằng Mát-xcơ-va đang đưa thêm quân vào Crimea.

Obama vận động đồng minh

Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tuần qua đã thực hiện hàng loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Anh, Pháp, Ý và Đức để tìm kiếm hậu thuẫn từ các nước đồng minh cho vấn đề Ukraina. Như vậy, chỉ trong tuần qua, ông Obama đã thảo luận qua điện thoại ba lần với Thủ tướng Anh David Cameron và hai lần với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tổng thống Obama cũng bàn về cuộc khủng hoảng tại Ukraina lần đầu tiên với tổng thống ba nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva. Các nước này đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng thời có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Nga.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết "lãnh đạo các nước đều quan ngại sâu sắc việc Nga vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina". Còn theo Văn phòng Thủ tướng Anh, hai ông Cameron và Obama nhất trí rằng Mát-xcơ-va chỉ có một cơ hội để giải tỏa căng thẳng hiện nay là rút quân khỏi Crimea và hỗ trợ cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Văn phòng Tổng thống Pháp thì cho biết ông Hollande và ông Obama đã thảo luận "các biện pháp mới" để trừng phạt Nga nếu nước này không làm dịu đi cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc Nga rút quân khỏi Crimea và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các quan sát viên quốc tế được triển khai đến Ukraina. Họ cảnh báo nếu phải áp dụng "các biện pháp mới", nó sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Nga và cộng đồng quốc tế và điều này không có lợi cho bất kỳ ai".

Đe dọa lẫn nhau

Ngoại trưởng Nga Sergei Larvov và người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 8-3 cũng có cuộc điện đàm. Ông Kerry nhấn mạnh "Các hành động leo thang quân sự và tiếp tục khiêu khích tại Crimea hoặc các nơi khác ở Ukraina, cùng với các động thái nhằm sáp nhập Crimea vào Nga sẽ làm bế tắc các nỗ lực ngoại giao hiện nay". Đáp lại, ông Larvov cảnh báo Washington không nên "vội vã và thiếu cân nhắc" khi phản ứng trước vấn đề Ukraina và việc áp đặt cấm vận với Mát-xcơ-va cũng sẽ gây tổn hại lợi ích của Mỹ.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Mát-xcơ-va không có ý định sáp nhập với Crimea nhưng sẽ ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý ở Crimea vì cho rằng người dân khu tự trị này có quyền quyết định tương lai của họ. Ngoài ra, để đáp trả việc Washington tuần qua gây sức ép bằng cách hủy các hợp tác quân sự Nga-Mỹ, Mát-xcơ-va cho biết sẽ xem xét các hình thức trả đũa đối với những cấm vận của phương Tây. Truyền thông Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết Mát-xcơ-va có thể ngừng cho phép các hoạt động thanh tra vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) đã ký với Washington. Theo START, Nga và Mỹ đồng ý mỗi năm tiến hành 18 cuộc thanh tra thực địa kho vũ khí của nhau, hướng đến cắt giảm số đầu đạn hạt nhân mỗi bên còn 1.550 và số bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược xuống 800 đơn vị vào năm 2018.

Nga gia tăng hiện diện quân sự tại Crimea

Theo Kiev, hiện có khoảng 30.000 lính Nga tại Crimea, nhiều hơn 5.000 so với mức tối đa cho phép theo thỏa thuận giữa hai nước về Hạm đội biển Đen đã ký hồi những năm 1990. Truyền thông phương Tây cho rằng Mát-xcơ-va đang tăng cường binh lực tới Crimea. Chiều 8-3, phóng viên hãng AP ghi nhận có hàng chục xe chở quân được trang bị vũ khí đổ về hướng sân bay quân sự Gvardeiskoe ở thủ phủ Simferopol. Một số xe được cho là sử dụng biển số của Nga và đăng ký tại Mát-xcơ-va. Trong khi đó, nhóm phóng viên Reuters quay lại hình ảnh đoàn xe khoảng 50 chiếc chở hàng trăm lính Nga cùng với xe thiết giáp và xe cứu thương đang di chuyển về một căn cứ quân đội ở phía Bắc Simferopol.

Ngoài ra, AP dẫn lời Vladislav Seleznyov, người phát ngôn các lực lượng Ukraina tại Crimea, cho rằng nhiều nhân chứng mục kích cảnh các tàu chiến đổ bộ khoảng 200 xe quân sự tại miền Đông Crimea tối 7-3. Các xe này được cho là đã vượt qua Eo biển Kerch, biên giới giữa Nga và Crimea. Selznyov còn cho biết hôm 8-3, một đoàn xe tải quân sự hơn 60 chiếc được phát hiện đang từ Feodosia tiến về Simferopol.

Phía Mát-xcơ-va bác bỏ cáo buộc triển khai thêm quân tại Crimea. Tuy nhiên, Nga cho biết đã tăng cường phòng thủ tại căn cứ hải quân của mình ở bán đảo Crimea và phối hợp kiểm soát an ninh với các đơn vị tự vệ địa phương.

Trong một diễn biến khác tại Crimea, nhiều phát súng cảnh báo đã vang lên hôm 8-3. AP cho biết đoàn thanh sát viên 54 người thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã bị các phần tử vũ trang chặn lại khi đang tìm cách đến Crimea. Nhóm nhân viên quốc tế đến từ Mỹ và 28 nước khác bị buộc phải quay lại thị trấn Armiansk sau khi bị cảnh cáo bằng một loạt các phát súng tự động bắn vào xe. Ngoài ra, một máy bay tuần tra của Ukraina cũng bị bắn khi làm nhiệm vụ ở biên giới Crimea. Còn tại Kiev, hàng loạt các máy tính của hội đồng an ninh Ukraina đã bị virus cực mạnh tấn công và phương Tây cáo buộc đây là chiêu trò trong chiến tranh mạng mà Mát-xcơ-va từng sử dụng tại Gruzia hồi năm 2008.

THUẬN HẢI
(Theo AP, Reuters, AFP, BBC)

Biểu tình tại các tỉnh miền Đông đòi trưng cầu dân ý

Ngày 8-3, gần 3.000 người đã tập trung biểu tình tại quảng trường Lenin ở trung tâm thành phố Donetsk đòi tiến hành trưng cầu dân ý về qui chế vùng Donbass. Trong số người biểu tình có những người ủng hộ "Thống đốc nhân dân" Pavel Gubarev, một trong những thủ lĩnh của tổ chức xã hội "Dân quân Donbass". Trước đó, theo quyết định của tòa án Kiev, ông Gubarev đã bị bắt giữ hai tháng và bị khởi tố với những cáo buộc ly khai và âm mưu lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Trước đó, đề xuất trưng cầu dân ý được Gubarev đưa ra, với lập luận người dân tỉnh Donetsk cần được bày tỏ ý kiến rằng họ muốn khu vực này nằm trong Ukraina hay Nga. Người biểu tình mang theo các biểu ngữ: "Nhân dân ủng hộ trưng cầu dân ý", "Tổ quốc của chúng ta – Liên Xô", "Donbass – Nga".

Cùng ngày, hơn 2.000 người đã tụ tập tại quảng trường Tự do ở Kharkov, yêu cầu lãnh đạo địa phương từ chức, đồng thời ủng hộ việc tiến hành trưng cầu dân ý về qui chế của tỉnh này.

Trong khi đó, quyền Thị trưởng thành phố Sevastopol, ông Dmitry Belik, cho biết sau cuộc trưng cầu dân ý, Sevastopol có thể sáp nhập vào Nga như một thực thể riêng rẽ. Theo ông Belik, Sevastopol sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý cùng với Crimea, song nếu sáp nhập vào Nga sẽ có 2 chủ thể: Sevastopol và Crimea.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết