10/07/2018 - 14:39

NATO lo lắng trước thềm hội nghị thượng đỉnh 

Pháp và Đức vừa lên tiếng cam kết tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt sức ép từ Washington yêu cầu các nước đồng minh tuân thủ cam kết tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời cảnh báo giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu.

Tổng thống Trump (giữa) trong một cuộc họp tại trụ sở NATO. Ảnh: Reuters

Dự kiến cuối tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ký thông qua khoản tăng ngân sách quốc phòng gần 19 tỉ USD. Chi tiêu quân sự của Pháp sẽ đều đặn tăng trong 7 năm tới nhằm đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí năm 2014. Về phần Đức, Thủ tướng Angela Merkel tái khẳng định cam kết của Berlin đáp ứng mục tiêu NATO trong những năm tới. Cuối tuần rồi, Đức cho biết sẽ tăng chi tiêu quân sự thêm 21 tỉ USD, hướng tới mục tiêu đạt 1,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, chỉ có 4 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Nhưng trong năm 2018,  có 8 nước NATO đang thực hiện cam kết và 7 quốc gia khác sẽ đạt yêu cầu vào năm 2024.

Động thái này diễn ra tại thời điểm các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh NATO trong bầu không khí căng thẳng. Dẫn lời một quan chức cấp cao, tờ Washington Post tiết lộ lãnh đạo các nước khu vực lo lắng hội nghị NATO lặp lại kịch bản cuộc họp thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) hồi tháng rồi. Thời điểm đó, Tổng thống Trump đã tranh luận với đồng minh về thương mại, nhập cư, quan hệ với Nga, cuộc chiến chống khủng bố cùng nhiều vấn đề khác nhưng sau đó rời hội nghị mà không thừa nhận tuyên bố chung của G7.

Theo giới phân tích, tin tức Tổng thống Trump tiến hành cuộc họp thượng đỉnh với  người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16-7 giữa lúc căng thẳng Mát-xcơ-va và Liên minh châu Âu (EU) leo thang đồng thời phát đi tín hiệu “cảnh báo” tới các đồng minh Washington. Châu Âu hiện “đứng ngồi không yên” khi chính quyền Trump đánh tiếng về kế hoạch giảm bớt sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại khu vực này. Về cuộc gặp Trump-Putin sắp tới, một số nhà ngoại giao châu Âu lo ngại ông chủ Nhà Trắng có thể nhượng bộ vấn đề an ninh của đồng minh để cải thiện quan hệ với Điện Kremlin. Nhiều dự đoán cho rằng Mỹ có thể đình chỉ tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Đông Âu để tránh “kích động” Nga, tương tự động thái nhượng bộ của Washington ngừng tập trận chung với Hàn Quốc sau cuộc gặp với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, “cơn ác mộng” của châu Âu vẫn chưa dừng lại nếu ông Trump công nhận việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Động thái như vậy sẽ là cú giáng mạnh vào nền tảng của các hành động mà phương Tây nhắm vào Mát-xcơ-va kể từ năm 2014, bao gồm lệnh trừng phạt và tăng cường hoạt động của NATO dọc biên giới Nga. Quyết định này sẽ tạo ra lỗ hổng đối với “chiếc ô an ninh” của Mỹ tại châu Âu, thậm chí đe dọa sự tồn tại của NATO. “Đồng minh lớn nhất (Mỹ) không chỉ bất đồng mà họ còn sẵn sàng rời đi. Vị thế răn đe của NATO đã bị phá vỡ” – theo cựu đại sứ Slovakia tại NATO Tomas Valasek.

MAI QUYÊN (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết