03/07/2015 - 20:37

NÂNG TẦM VỊ THẾ NGƯỜI THỢ ĐÁP ỨNG XU THẾ HỘI NHẬP

Thực hiện Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 28-1-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", các cấp, các ngành cũng như cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân, lao động (CNLĐ) có trình độ và tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Qua đó, đội ngũ CNLĐ từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Năng động hội nhập

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma) là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm đạt các tiêu chuẩn GMP WHO, GLP, GSP, ISO/IEC 17025, với trên 300 sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm. Để đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, theo bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc DHG Pharma, song song với việc thực hiện tối đa hóa năng lực và hiệu quả sản xuất, chất lượng, DHG Pharma luôn quan tâm đào tạo, huấn luyện phát triển nhân viên, đặc biệt là nguồn nhân lực kế thừa. Đồng thời, chăm lo tốt cho người lao động thông qua các chính sách lương, thưởng, phúc lợi, đãi ngộ, khơi dậy tài năng, tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến công bằng. Theo chị Ông Thanh Kiều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) DHG Pharma, với phương châm "Lấy tri thức sáng tạo làm nền tảng cho sự phát triển", công ty luôn khuyến khích người lao động không ngừng học tập và phát huy tính sáng tạo. Để động viên, khuyến khích người lao động, CĐCS phối hợp với chính quyền phát động các phong trào thi đua, như: phong trào "Mỗi cán bộ nhân viên có ít nhất 1 ý tưởng", "Một tháng hiệu quả, 30 ngày không sai lỗi", "Nếu tôi là Tổng giám đốc DHG"…

Công ty Cổ phần May Tây Đô được thành lập tháng 8-1989, từ những nhà xưởng thô sơ, thiết bị cũ kỹ, với thị trường xuất khẩu chính là Liên Xô cũ. Đến nay, công ty đã từng bước trở thành doanh nghiệp mạnh của ngành dệt may, mỗi năm xuất khẩu 5 triệu sản phẩm, với 90% sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Theo chị Phan Thị Minh Châu, Giám đốc điều hành, kiêm Chủ tịch CĐCS công ty, hiện tại, với 2 mặt hàng chính là áo sơ mi và quần tây, công ty đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.600 lao động. Công ty có tổng cộng 24 chuyền may, trong đó có 2 chuyền Hanger, 7 Xưởng sản xuất khép kín từ cắt – may - ủi - xếp đóng gói. Để hòa nhập với xu thế hội nhập quốc tế, công ty không ngừng cải tiến công nghệ, đầu tư thiết bị máy móc, với chi phí khoảng 4 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, Công ty cũng luôn quan tâm đào tạo thường xuyên và định kỳ bổ sung kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý, đào tạo kỹ thuật cho nhân viên kỹ thuật, đào tạo đa kỹ năng, đào tạo chuyên sâu, đào tạo tay nghề cho CNLĐ. Song song đó, Công ty luôn thực hiện tốt các chính sách với người lao động, phát huy quyền dân chủ của CNLĐ thông qua các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động hằng năm. Việc công khai, dân chủ trong thông tin và giải quyết quyền lợi, chế độ chính sách đầy đủ, kịp thời cho người lao động…

Bên cạnh sự quan tâm, đào tạo của doanh nghiệp, để đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập, CNLĐ phải nâng cao nhận thức bản thân, nỗ lực phấn đấu trong quá trình làm việc. Thời gian qua, đội ngũ CNLĐ TP Cần Thơ đã không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề, từng bước làm chủ trang thiết bị hiện đại… Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của lực lượng CNLĐ trong xu thế hội nhập như trường hợp của anh Võ Văn Quang. Anh Quang từng tốt nghiệp Trung cấp Cơ khí nông nghiệp tại Tiệp Khắc, sau khi về nước, năm 2003, anh xin vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ cho đến nay. Hơn 10 năm qua, anh Quang đã làm việc và cống hiến cho nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty; trong đó, nổi bật nhất là sáng kiến cải tiến máy trống phân hạt, dùng để tách tấm và gạo. Anh Quang cho biết: "Trước đây máy vận hành chậm, chỉ có 40 vòng/phút. Bằng cách nghiên cứu thay đổi bánh răng, tôi cùng anh em kỹ thuật đã cải tiến máy tăng tốc vận hành đạt 60 vòng/phút. Qua đó, tăng năng suất của nhà máy chế biến gạo xuất khẩu từ 2,5 tấn/giờ lên 4 tấn/giờ". Sáng kiến này đã và đang triển khai hiệu quả, làm lợi cho công ty trên trăm triệu đồng mỗi năm".

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang luôn quan tâm chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: CTV

Từ thực tiễn 14 năm công tác tại Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Pataya Việt Nam, chị Lã Thị Thanh Thủy đã tích lũy và học hỏi nhiều kinh nghiệm trong thực tế công việc sản xuất thực phẩm, vận hành và quản lý sản xuất. Sáng kiến về việc thay thế bọc PP sang bọc HD của chị đã giúp công ty giảm chi phí sản xuất, giảm trọng lượng rác thải ra môi trường. Chị Thủy cho biết: "Trong quá trình điều hành sản xuất, tôi nhận thấy quy trình sản xuất phải sử dụng số lượng lớn bọc PP có đặc tính dày, dai, dẻo, chịu nhiệt tốt. Tuy nhiên, ở nhà máy chúng tôi, các loại bọc chỉ sử dụng qua 1 lần là bỏ". Chị Thủy đã tìm kiếm qua mạng Internet và kết hợp với bộ phận thu mua của công ty tìm mua loại bọc có chất lượng phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất là loại bọc HD có đặc tính nhẹ, độ dai và độ giòn tốt, trọng lượng của bọc HD chỉ bằng 45% trọng lượng của bọc PP. Theo chị Thủy, hiệu quả sáng kiến này đã giúp công ty tiết kiệm hơn 7.200 USD mỗi năm, giảm trọng lượng rác thải ra môi trường là 55% so với vật liệu cũ…

Nỗ lực chung tay của các cấp, các ngành

Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 28-1-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" có nêu: "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân". Quán triệt tinh thần đó, thời gian qua, các cấp, các ngành TP đã quan tâm đẩy mạnh công tác chăm lo, đào tạo lực lượng CNLĐ chất lượng cao. Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các hoạt động triển khai, tuyên truyền công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thực hiện phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo"; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phấn đấu nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNVCLĐ; tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp,… luôn được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LЖTB&XH) cũng là một đơn vị có nhiều hoạt động gắn bó với CNLĐ. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LЖTB&XH TP Cần Thơ, Sở luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, cung cấp cho người lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ năm 2011 đến năm 2015, có 166.071 lao động tham gia học nghề; trong đó, số lượng đào tạo đông nhất là trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho đối tượng CNLĐ. Trong việc tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LЖTB&XH đã tư vấn cho 25-30 ngàn lượt lao động. Hàng tháng đều mở các phiên giao dịch việc làm kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, còn tổ chức tư vấn với nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng tờ tin việc làm phát cho các đối tượng công nhân, xe tư vấn lưu động đến các vùng nông thôn, tổ chức Hội chợ việc làm tại các khu chế xuất, công nghiệp để tư vấn, cung cấp cho CNLĐ các kiến thức về pháp luật lao động, bảo hiểm thất nghiệp,… Hàng năm, Sở LЖTB&XH cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho người lao động kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; các kiến thức về pháp luật lao động. Ngoài ra, còn phối hợp cùng Liên đoàn lao động TP Cần Thơ tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Với nỗ lực của CNLĐ cùng với sự quan tâm của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành, tin tưởng rằng, đội ngũ CNLĐ TP Cần Thơ sẽ từng bước nâng cao chất lượng kỹ năng, năng suất lao động. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và nâng cao vị thế của giai cấp công nhân trong tiến trình hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết