21/12/2009 - 20:39

TRƯỚC VẤN ĐỀ TĂNG HỌC PHÍ PHỔ THÔNG

Nặng nỗi lo học sinh bỏ học

Học sinh Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn trong giờ học.

Hiện nay, các trường phổ thông ở TP Cần Thơ đang thu học phí theo mức thu được qui định vào năm 1998. Có thể nói, đó là mức thu quá cũ, không còn phù hợp. Chính vì vậy, khi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mức dự kiến học phí mới của các thành phố lớn tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2009-2010 khối giao ước thi đua vùng 7 (bao gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương) vào đầu tháng 12-2009, nhiều ý kiến cho rằng tăng học phí là hợp lý. Tuy nhiên, không ít cán bộ, giáo viên lại lo ngại tăng học phí sẽ dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học tăng do khó khăn về kinh tế.

Tính đến thời điểm cuối tháng 12-2009, trong tổng số 39 học sinh của lớp 10A9, Trường THPT Lương Định Của, quận Ô Môn, chỉ còn 3 học sinh chưa đóng học phí, tỷ lệ thu đạt trên 92%. Theo cô Nguyễn Thị Anh Thư, chủ nhiệm lớp, so với những năm trước tỷ lệ thu như vậy là rất khả quan. Nguyên nhân là do trường chuyển từ mô hình bán công sang công lập, học phí giảm, thuận lợi hơn cho phụ huynh học sinh. Cô Anh Thư phân tích: “Những năm trước, mức học phí trường bán công khá cao, từ 720.000 đồng đến 900.000 đồng/năm học. Hiện nay, khi chuyển sang công lập, học sinh lớp 10, 11 chỉ phải đóng 20.000 đồng/tháng, tức khoảng 180.000 đồng/năm học”.

Với mức thu giảm khoảng 3/4, việc thu học phí ở Trường THPT Lương Định Của khả quan hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Định Của, tính đến giữa tháng 12-2009, toàn trường vẫn còn khoảng 30% học sinh chưa đóng học phí; trong đó, có một số lớp mới chỉ thu được học phí của hơn 50% học sinh. Khi trường cho học sinh nợ học phí, có em xin nợ đến năm sau. Ngay cả ở lớp 10A9, trong 3 học sinh chưa đóng học phí thì 1 em có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đã nghỉ học, rời khỏi địa phương đi làm thuê kiếm sống. Cô Anh Thư cho biết: “Trong 2 học sinh còn lại, 1 em rất nghèo, mấy hôm trước xe đạp của em này bị hư, không có tiền sửa xe, em phải đi bộ từ Thới Lai đến trường. Lớp cũng đã thống nhất sẽ cùng hỗ trợ 2 bạn đóng 50% học phí, phần còn lại sẽ xin trường miễn giảm”.

Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ thu học phí của Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, sẽ đạt khoảng 90%. Mặc dù tỷ lệ thu học phí khá cao nhưng theo ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, đó là đã tính cả số học sinh được miễn giảm. Tùy từng năm, số lượng học sinh được miễn giảm học phí của trường dao động khoảng 10% tổng số học sinh. Đến nay, Trường THPT Phan Văn Trị cũng chỉ mới thu được học phí của khoảng 60% học sinh. Ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, nói: “Dự kiến, trường chỉ thu được học phí của khoảng 70% học sinh nên chúng tôi phải tăng cường xã hội hóa để thực hiện tốt các phong trào mũi nhọn”. Ngay cả Trường THPT Trà Nóc, quận Bình Thủy, một trường thuộc quận trung tâm của thành phố nhưng đến gần cuối học kỳ I, vẫn còn nhiều học sinh ghi nợ học phí. Bà Trần Kim Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Trà Nóc, phân tích: “Nhiều học sinh ở các phường ven trung tâm quận, hoàn cảnh kinh tế gia đình khá khó khăn, không có tiền đóng học phí”.

Theo nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học ở ĐBSCL khá cao là do đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư còn quá nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, xa. Nhiều học sinh không có tiền đóng học phí, phải nợ nhà trường dần dần dẫn đến tâm lý tự ti nên bỏ học. TP Cần Thơ mặc dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư ngoại thành vẫn còn khó khăn. Hiện nay, TP Cần Thơ đang thực hiện mức thu học phí là 20.000 đồng/tháng đối với học sinh phổ thông trung học, lớp cuối cấp thu 30.000 đồng/tháng. Mức thu này được Hội đồng Nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) thông qua vào năm 1998 và 11 năm qua không hề thay đổi. Có thể nói, mức thu như vậy là quá thấp so với thực tế giá cả hiện nay. Việc tăng học phí ở bậc học phổ thông là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, giáo viên lo lắng tăng học phí sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học tăng.

TP Cần Thơ thuộc địa phương có mức thu nhập bình quân là 1,43 triệu đồng- thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo dự thảo học phí mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức học phí mà TP Cần Thơ có thể áp dụng là 75.000 đồng/ tháng trở xuống và tùy theo địa bàn mà qui định mức học phí phù hợp. Ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, đề xuất: “Nếu tăng học phí, ngành giáo dục phải có chính sách hỗ trợ thích hợp dành cho học sinh nghèo”. Ông Trần Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Định Của, thì đề nghị khi quyết định mức học phí mới nên xem xét, đảm bảo hợp lý giữa khu vực nội ô- vùng ven- ngoại thành bởi mức sống giữa các khu vực vẫn còn chênh lệch khá lớn.

Đề cập đến việc tăng học phí, ông Trần Trọng Khiếm, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, khẳng định: “Ngành giáo dục đang nghiên cứu để xây dựng mức học phí phù hợp trình UBND thành phố xem xét. Theo đó, mức học phí mới phải đảm bảo đặc điểm từng địa bàn dân cư. Song song đó, ngành cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường”.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết