14/06/2013 - 14:45

Năng lượng Mặt trời và tiềm năng ứng dụng trong ngành vận tải

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những nguồn năng lượng mới điển hình như năng lượng Mặt trời đang trở nên phổ biến khi nhiên liệu hóa thạch ngày một cạn kiệt. Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết nguồn năng lượng tái sinh, sạch và thân thiện với môi trường này không chỉ ứng dụng cho các thiết bị nhỏ gọn, mà đã bắt đầu “gõ cửa” các phương tiện giao thông vận tải.

Nổi bật trong các dự án là con tàu chạy bằng năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới do Thụy Sĩ sản xuất trị giá 15,9 triệu USD hạ thủy vào năm 2010 - MS Tûranor PlanetSolar. Với tên gọi “Sức mạnh Mặt trời” - con tàu được ví như “một tấm gương nổi” chạy hoàn toàn bằng năng lượng hấp thụ từ ánh nắng và không có khí thải nhờ được che phủ bởi gần 500 mét vuông pin quang năng. Với thiết kế tuân thủ tiêu chí tiết kiệm năng lượng tối đa, 2 động cơ điện của Tûranor có ít bộ phận chuyển động và tạo ra ít tiếng ồn hơn so với động cơ đốt trong thông thường.

“Con tàu của chúng tôi không tạo ra tiếng ồn, không ô nhiễm lại rất êm khi di chuyển. Đây là minh chứng thiết thực về tiềm năng của năng lượng Mặt trời” - thuyền trưởng Gérard d’Aboville cho biết khi Tûranor cập cảng ở phía Nam Florida (Mỹ) trước khi bắt đầu chuyển hướng về phương Bắc tới Canada và vượt Đại Tây Dương đến Bắc Âu với nhiệm vụ thu thập dữ liệu khoa học về sinh vật biển trong dòng hải lưu Gulf Stream (dòng nước ấm từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến châu Âu).

Từ trái sang: Tàu Tûranor PlanetSolar, máy bay Solar Impulse và xe buýt Tindo.
Ảnh: WSJ/ Go100percent/ Inhabitat

Ngoài Tûranor, có thể kể đến một số dự án khác như Solar Impulse - máy bay có người lái đầu tiên do 2 cựu phi công Thụy Sĩ sáng chế với khả năng bay cả ngày lẫn đêm bằng điện Mặt trời. Điểm nổi bật của Solar Impulse là có cấu tạo siêu nhẹ với 4 động cơ điện và một hệ thống gồm 12.000 tấm pin Mặt Trời cung cấp năng lượng cho động cơ máy bay và nạp nhiên liệu dự trữ, giúp nó có thể bay liên tục trong 36 giờ với tốc độ trung bình 70 km/giờ và đạt độ cao 8.230 mét vào ban đêm.

Hồi cuối tháng 5, Solar Impulse đã phá kỷ lục của chính mình với hành trình dài 1.397 km từ thành phố Phoenix của bang Arizona đến thành phố Dallas thuộc bang Texas của Mỹ. Trước đó năm ngoái, Solar Impulse đã thiết lập kỷ lục về chuyến bay xa nhất của máy bay năng lượng Mặt trời khi hoàn thành hành trình dài 1.116 km từ Thụy Sĩ đến Tây Ban Nha.

Không riêng tàu thủy và máy bay, điện Mặt trời còn được áp dụng trong lĩnh vực xe buýt điện ở Úc. Trong 5 năm qua, hệ thống xe buýt “Mặt trời” Tindo được đưa vào hoạt động trên các tuyến đường thuộc thành phố Adelaide ở Úc, góp phần cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ở thành phố lớn thứ 5 của xứ sở chuột túi.

Nhờ hệ thống pin sạc sodium nicken chloride và hệ thống phanh có khả năng tạo ra năng lượng, Tindo có thể chạy liên tục quãng đường dài 200km. Mỗi đêm, xe buýt sẽ được nạp lại năng lượng tại các trạm sạc điện xây dựng dọc theo các tuyến đường trong thành phố Adelaide. Mặc dù chi phí cho một chiếc xe buýt Tindo khá cao (khoảng 760.000 USD), gần gấp 2 lần một chiếc xe buýt thông thường nhưng theo chuyên viên qui hoạch giao thông cấp cao Peter Wong của Hội đồng thành phố Adelaide thì người dân hiện tại rất yêu thích phương tiện này bởi Tindo hoạt động khá êm ái và tĩnh lặng so với xe buýt truyền thống.

Không chỉ ứng dụng trong dân sự, WSJ cho biết quân đội Mỹ cũng bắt đầu nhắm tới sử dụng điện Mặt trời cho hệ thống vận tải của mình. Cuối tháng 4, cơ quan Hỗ trợ Hoạt động Hải Quân Trung-Nam đã đầu tư 10 triệu USD để đưa năng lượng sạch vào các hoạt động của Hải quân nước này. Dự án bao gồm 8 bến xe năng lượng Mặt trời, 7 trạm nhiên liệu ethanol hỗn hợp và 5 trạm sạc xe điện độc lập.

Theo nhận định của WSJ, hạn chế của những phương tiện chạy bằng năng lượng Mặt trời ngoài chi phí đầu tư cao còn có điểm bất lợi là không thể đảm bảo khả năng di chuyển trong điều kiện thời tiết u ám. Dù vậy, Giáo sư Alberto Colotti thuộc Khoa Học Ứng Dụng Đại học Zurich (Đức) cho rằng các dự án trên có vai trò quan trọng hướng tới hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ năng lượng sạch cho các phương tiện giao thông trong tương lai.

VI VI (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết