21/10/2017 - 09:05

Nâng chất thiết chế văn hóa cơ sở: Cần quan tâm sâu sát, đổi mới quản lý 

Trong nhiều năm qua, việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở luôn là vấn đề nan giải của hầu hết các tỉnh thành nước ta. Tại hội nghị “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 19 và 20-10, vấn đề này một lần nữa được đặt ra.

Điệp khúc thiếu- thừa và những bất cập

Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ cơ sở vật chất, bộ máy nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Thiếu một trong những yếu tố này, đầu tư xây dựng thiết chế sẽ là lãng phí.

Nhà Văn hóa thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao ở địa phương. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL, hiện cả nước có 69 trung tâm văn hóa cấp tỉnh; có 613 trong tổng số 713 quận, huyện có trung tâm văn hóa- thể thao hoặc nhà văn hóa;  58,5% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa- thể thao; 64% thôn, bản, buôn... có nhà văn hóa. Ngoài ra, còn nhiều thiết chế văn hóa thuộc các bộ, ngành, đoàn thể; nhiều cơ sở vui chơi, giải trí, thể thao do các tổ chức, cá nhân đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Tuy các thiết chế văn hóa đã và đang phát huy tác dụng và hiệu quả; nhưng nhận định chung tại hội nghị là thiết chế vẫn chưa đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, đối với thanh thiếu niên thì hệ thống thiết chế văn hóa hiện nay chưa đồng bộ về quy mô, trình độ tổ chức, nội dung, hình thức hoạt động, mục tiêu và hiệu quả đầu tư.

Hiện vẫn còn 20 tỉnh, thành phố còn tình trạng “Nhà văn hóa không nhà” hoặc được giao trụ sở cũ sửa chữa cải tạo, nâng cấp. Nhiều Trung tâm văn hóa cấp quận, huyện không có trụ sở, phải “ở nhờ” các đơn vị khác; nhiều xã, phường, thị trấn, khu vực, ấp, thôn, bản chưa có nhà văn hóa vì thiếu quỹ đất công và thiếu kinh phí xây dựng.

Trong khi đó, có những địa phương đầu tư gần như hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa nhưng lại không phát huy công năng, thậm chí đóng cửa, bỏ hoang, gây lãng phí. Ở khu vực Tây Nguyên, hàng loạt nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông văn hóa được xây dựng nhưng không hoạt động. Đại diện của Sở VHTT&DL tỉnh Đắc Lắc, bộc bạch: “Chúng tôi xót lắm chứ nhưng lực bất tòng tâm. 585/608 buôn của đồng bào dân tộc được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nhưng chỉ số ít trong đó hoạt động hiệu quả, còn lại trên 500 nhà không hoạt động hoặc hoạt động yếu kém. Bên cạnh những bất cập trong thiết kế xây dựng thì nguyên nhân chính vẫn là có nhà mà không có cơ chế hoạt động, thiếu kinh phí, nhân sự…”.

Đây cũng là tình trạng mà các trung tâm văn hóa- thể thao (VHTT) cấp xã, phường, thị trấn vướng phải. Những năm gần đây, việc xây dựng trung tâm VHTT xã, phường, thị trấn được các tỉnh, thành tập trung đầu tư để đáp ứng các tiêu chí Xã văn hóa nông thôn mới, Phường đạt chuẩn văn minh đô thị… Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở vật chất chưa đi đôi với hình thành bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động. Một vấn đề khác được hội nghị quan tâm là theo quy định, các trung tâm này không phải là đơn vị sự nghiệp nên không có tài khoản và con dấu riêng để tự chủ hoạt động. Đại diện của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chia sẻ: “Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chọn mỗi huyện 2 trung tâm VHTT xã để thực hiện thí điểm về tự chủ kinh phí. Nhưng không có tài khoản và con dấu riêng thì làm sao giao dịch, làm dịch vụ và tạo nguồn thu? Vì vậy rất mong Bộ VHTT&DL kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này”.

Nhiều năm qua, các tỉnh, thành gặp khó khăn trong nâng chất hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vì những bất cập trong xây dựng cơ sở vật chất cũng như cơ chế hoạt động, kinh phí… Giải quyết tình trạng trên đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và trên hết là đổi mới trong quản lý.

Mô hình mới, cách làm hay và những đề xuất

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong khai thác thiết chế văn hóa khi có các trung tâm văn hóa quận, huyện hoàn toàn tự chủ về kinh phí, không sử dụng ngân sách như Trung tâm văn hóa quận 1 (Nhà hát Bến Thành), Trung tâm văn hóa quận 10 (Nhà hát Hòa Bình), đạt doanh thu hằng năm từ 15-18 tỉ đồng. Các trung tâm thể thao ở quận 4, quận Tân Bình cũng khẳng định “thương hiệu” trong đào tạo vận động viên thể thao cấp khu vực, quốc gia.

Nhà thông tin khu vực 3, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, là một thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả của địa phương. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Đối với cấp phường xã, TP Hồ Chí Minh càng quan tâm, đầu tư về con người, kinh phí cho thiết chế văn hóa. Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT&DL TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sở kiên trì kiến nghị trong các phiên họp với HĐND thành phố, nhằm hình thành cơ chế về nhân sự cho trung tâm VHTT xã. Năm 2015, HĐND đã phê duyệt cho 88 biên chế: Trung tâm  VHTT xã là 4 nhân sự, liên xã và cụm là 8 nhân sự. Ngân sách của thành phố hỗ trợ cho thiết chế này 100 triệu đồng/ năm, liên xã là 300 triệu đồng. Trong phiên họp HĐND tháng 11 tới, chúng tôi chuẩn bị nội dung kiến nghị năm 2018 kinh phí tối thiểu cho trung tâm VHTT xã gắn liền với chương trình nông thôn mới là 300 triệu/ năm đối với xã và 500 triệu/ năm đối với liên xã. Sắp tới đây khi Bộ VHTT&DL ban hành qui chế hoạt động của Trung tâm VHTTT phường thì chúng tôi sẽ kiến nghị để có chính sách hỗ trợ cụ thể”. 

Tỉnh Sơn La vực dậy hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở bằng những mô hình và cách làm sáng tạo. Theo ông Bùi Khắc Bạo, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La, địa phương tổ chức hội thi Tuyên truyền thông tin lưu động mỗi năm một lần do các trung tâm văn hóa huyện luân phiên đăng cai. Sơn La có trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng, nên Trung tâm văn hóa tỉnh phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện chuyên mục văn nghệ quần chúng mỗi tháng 1 lần. Chương trình này thu hút khán giả, được UBND tỉnh đánh giá cao và từ đó hỗ trợ kinh phí. Trung tâm văn hóa tỉnh còn liên kết với các công ty tổ chức sự kiện, tham gia đấu thầu tổ chức các sự kiện văn hóa của quốc gia, quốc tế. Cuối cùng là mô hình cổ phần hóa nhà sàn dân tộc Thái, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Thái, vừa thu hút khách du lịch và tạo được nguồn thu. Trung tâm văn hóa tỉnh góp 20% vốn, còn lại huy động các nguồn lực để xây dựng một nhà sàn dân tộc Thái. Tầng 1 trưng bày sản phẩm đặc trưng, tầng 2 giới thiệu ẩm thực dân tộc.

Những địa phương khác như TP Cần Thơ đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng và tổ chức hoạt động các trung tâm, nhà văn hóa; Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai… sáp nhập trung tâm văn hóa với trung tâm học tập cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tận dụng tối ưu nguồn lực cơ sở vật chất, kinh phí và nhân sự của các thiết chế văn hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đầu tiên là hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, chế độ chính sách (tiền lương, phụ cấp) đối với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao ở cấp cơ sở; sớm tổ chức thi nâng ngạch, nâng bậc chức danh viên chức trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; tổ chức hội nghị tổng kết các mô hình hiệu quả để giới thiệu, nhân rộng cách làm hay, cho các địa phương tham quan học hỏi thực tế; liên kết hoạt động giữa các trung tâm văn hóa với các doanh nghiệp tổ chức sự kiện hoặc các trung tâm học tập cộng đồng để tạo nguồn thu từ các dịch vụ, tổ chức mô hình hay… Đối với trung tâm VHTT cấp xã, phường, thị trấn cần có cơ chế, chính sách phù hợp, xem như một đơn vị sự nghiệp, có con dấu, có tài khoản riêng để thúc đẩy hoạt động của thiết chế này….

***

Việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ thông tin, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, sự quan tâm sâu sát của các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực, quyết tâm không chỉ ngành văn hóa mà cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, sau hội nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (được tổ chức định kỳ 2 năm/ lần), rất cần những hành động thiết thực, những giải pháp khả thi của Bộ VHTT&DL để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành triển khai sâu rộng, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm qua.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết