22/04/2018 - 17:02

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc:

Nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, giảm rủi ro 

Trung Quốc là thị trường mới nổi và đầy tiềm năng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. So với Mỹ, EU, thị trường Trung Quốc "mềm" hơn trong việc đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Tuy nhiên, theo xu thế chung, thời gian tới, doanh nghiệp Việt phải chuyển sang nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu để tiếp tục bám trụ và phát triển bền vững tại thị trường này.

Thị trường mới nổi

Tại Hội thảo Thủy sản ĐBSCL và cơ hội giao thương Trung tâm thủy sản thành phố cảng Trạm Giang (Trung Quốc) vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) thông tin: Trung Quốc đang chuyển đổi nhanh chóng từ quốc gia xuất khẩu thành nhập khẩu ròng thủy sản. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,89 triệu tấn thủy sản các loại (tôm, cá tra, mực ống, bạch tuột, lươn…) với trị giá 11,13 tỉ USD. Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký VINAPA, cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng đều qua từng năm. Nếu năm 2010, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng là 7% thì năm 2014 chiếm 14% và 2017 lên đến 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường này vào năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 chiếm 10,3%, năm 2016 chiếm 17,8% và năm 2017 là 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, EU và trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Chế biến cá tra phi-lê xuất khẩu tại Công ty Casemex.

Các hoạt động xúc tiến thương mại về thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải mà vào sâu bên trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Riêng đối với thành phố cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông được xem là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là thủy sản giữa Trung Quốc và thế giới. Gần đây, đứng trước nhu cầu nguồn cung thực phẩm vô cùng lớn cho tiêu thụ nội địa, Trạm Giang đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu tất cả các loài thủy sản thế mạnh của vùng ĐBSCL. Ông Cen Jian, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Yuexi, tỉnh Quảng Đông, cho biết: "Trạm Giang là thành phố lấn biển gần với khối ASEAN nhất, là đầu cầu để Quảng Đông tiến vào thị trường này. Hơn nữa, Trạm Giang cũng xứng danh là "thành phố tôm của Trung Quốc", là đầu mối quan trọng của Trung Quốc về nguồn hàng tôm. Trong tháng 6 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Thủy sản Trạm Giang 2018 với các hoạt động như: trưng bày, triển lãm; hội thảo phát triển ngành thủy sản; hội nghị trao đổi về thu mua... Chúng tôi chào đón nhà thu mua, nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam đến đây để cùng trao đổi, kết nối cung cầu và mở ra hướng mới trong hoạt động giao thương thủy sản giữa 2 địa phương".

Yêu cầu chất lượng, thương hiệu

Trong tổng số cá tra xuất sang Trung Quốc thì xuất khẩu chính ngạch chiếm 56%, số còn lại là xuất khẩu qua đường biên mậu rất mạo hiểm và rủi ro cao. Do đó, ông Cen Jian, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Yuexi, tỉnh Quảng Đông khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu theo đường chính ngạch và sản phẩm phải đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. "Hiện tại Trung Quốc đang thực hiện chính sách thuế suất 0% dành cho thủy sản, nông sản và chỉ đánh thuế 11% VAT cho hàng nhập chính ngạch. Với mức lợi nhuận thu được, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trang trải cho các khoản phí khi xuất khẩu theo đường chính ngạch"- ông Cen Jian nói. Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VINAPA khuyến cáo doanh nghiệp Việt phải yêu cầu phía Trung Quốc thanh toán trước để tránh rủi ro trong điều kiện các công ty chế biến thủy sản trong nước đang thiếu nguyên liệu.

Là thị trường tiềm năng nhưng Trung Quốc cũng được biết đến là điểm "nóng" thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc dần dần sẽ phải theo các tiêu chuẩn khắt khe (GlobalGAP, BAP, ASC...) như khi xuất sang các thị trường Mỹ và EU. Theo Hiệp hội Thủy sản Yuexi, Trạm Giang chiếm 66% sản lượng tôm của Trung Quốc và nhu cầu tôm của Trạm Giang cũng như Trung Quốc tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện tại các sản phẩm tôm của Việt Nam sang Trung Quốc rất nhiều trường hợp không đảm bảo yêu cầu về nhãn mác, thông tin sản phẩm nên người tiêu dùng e ngại về chất lượng. Nếu như tôm và cá tra của Việt Nam vẫn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thì rất mạo hiểm và gặp nhiều bất lợi trong tương lai. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ doanh nghiệp Việt nên chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu riêng của mình.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), chia sẻ: "Kinh nghiệm xuất khẩu thủy sản nhiều năm qua cho thấy, nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu thủy sản rất chú ý và có sự cân phân đối với 2 yếu tố chất lượng và giá cả thì nay xu hướng chuyển sang chú trọng chất lượng sản phẩm hơn. Đây là tín hiệu rất tốt. Về phía Casemex cũng mong muốn thị trường Trung Quốc chuyển dịch theo hướng này".

 Theo ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký VINAPA, để thúc đẩy giao thương thủy sản tại thị trường Trung Quốc, Hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định ASEAN-Trung Quốc để tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm tại Thanh Đảo, Trạm Giang, Côn Minh, Tứ Xuyên...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết