03/03/2011 - 21:02

Nâng cao vị thế nữ thanh niên

Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, năng lực, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhiều nữ thanh niên đã nỗ lực học tập, cống hiến khả năng, trí tuệ của mình vì sự phát triển của thành phố... Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng quan trọng này, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương...

NHỮNG TÍN HIỆU VUI...

Thành đoàn Cần Thơ khởi công xây dựng Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, nhằm giúp thanh niên nói chung, nữ thanh niên nói riêng có nghề nghiệp, việc làm ổn định, ngày càng tiến bộ. Ảnh: PHƯƠNG LAM

Theo báo cáo của Hội đồng “Vì sự tiến bộ của nữ thanh niên” TP Cần Thơ giai đoạn 2000 - 2010, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cấp bộ Đoàn, toàn thành phố có khoảng 2.000 nữ cán bộ Đoàn tham gia các lớp học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị,... Sự tiến bộ, trưởng thành của Dương Trương Ngọc Trân, Bí thư Đoàn phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy là một ví dụ điển hình.

Do gia cảnh khó khăn, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Trân đi làm công nhân để nuôi các em ăn học. Vừa làm, Trân vừa tham gia sinh hoạt Đoàn ở khu vực. Trân kể: “Thời gian đầu, do trình độ còn hạn chế nên trong tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, năm 2008, tôi sắp xếp thời gian học Đại học (ĐH)”. Ngày có kết quả trúng tuyển đại học cũng là lúc Trân được nhân dân tin tưởng bầu làm Trưởng khu vực 2. Nhằm tạo điều kiện để Trân tham gia tốt chương trình ĐH, nâng cao trình độ, chi bộ luôn động viên tinh thần và phân công người choàng gánh công việc. Tháng 8-2010, Trân được bầu làm Bí thư Đoàn phường. Vừa đi học, vừa đi làm tuy rất vất vả, nhưng Trân luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trân luôn sắp xếp thời gian đến các khu vực để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) để tổ chức các phong trào thiết thực.

Thạc sĩ Phan Thị Luyện, Bí thư Đoàn Trường Đại học Y dược Cần Thơ, cũng phấn khởi cho rằng nhờ chính sách khuyến khích và sự tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị, nhiều nữ thanh niên đã phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tạo dựng được vị thế, uy tín và được cất nhắc vào những vị trí quan trọng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại là chị cả nên Luyện luôn cố gắng học thật tốt để làm gương cho các em. Năm 1999, Luyện được kết nạp vào Đảng khi tròn 22 tuổi và Trường Đại học Cần Thơ cấp học bổng học ngành đại học Luật. Năm 2004, Luyện về công tác tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, là chuyên viên Phòng Công tác sinh viên, Phó Bí thư Đoàn trường. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác Đoàn, Luyện đã tổ chức nhiều phong trào được đông đảo ĐV-SV hưởng ứng, như: thành lập ngân hàng máu sống, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo... Luyện còn đề xuất BCH Đoàn thành lập các CLB học thuật, tổ chức các lớp dạy Anh văn miễn phí, tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học... giúp sinh viên an tâm học tập.

Năm 2007, Luyện được nhận học bổng sang Thái Lan học chương trình thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục. Hoàn thành khóa học, về nước, Luyện ứng dụng ngay những kiến thức đã học vào công việc. Là cán bộ Phòng Đào tạo Đại học, Luyện luôn suy nghĩ tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ nhà trường. Với vai trò là giảng viên bộ môn ngoại ngữ, Luyện tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Luyện được nhiều sinh viên quí mến bởi sự tận tâm trong công việc.

Theo đồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, nhìn lại cả chặng đường 10 năm qua, có thể thấy công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ nữ thanh niên tại Cần Thơ ngày càng có chuyển biến tốt. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ Đoàn - Hội là nữ tham gia Ban chấp hành cấp xã, phường, thị trấn và tương đương chiếm khoảng 33%, tham gia Ban Thường vụ chiếm khoảng 24%; có 2 nữ cán bộ Đoàn đắc cử vào Ban chấp hành quận, huyện ủy.

TIẾP SỨC CHO NỮ THANH NIÊN...

Một trong những công tác được các cấp bộ Đoàn chú trọng là hỗ trợ nữ thanh niên học nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp phát triển kinh tế gia đình. Các cơ sở Đoàn đã chủ động thành lập nhiều tổ lập nghiệp, hùn vốn giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Chi đoàn Trường Mầm non Giai Xuân (Phong Điền) là một trong những Chi đoàn có nhiều sáng kiến trong việc thành lập các tổ hùn vốn giúp đoàn viên phát triển kinh tế gia đình. Thành lập từ năm 2009, tổ hùn vốn của trường hiện có 19 thành viên, mỗi người góp 100.000 đồng/tháng, xoay vòng hỗ trợ vốn cho sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập. Như trường hợp của chị Võ Thị Tơ, giáo viên của trường, thu nhập thấp, gia cảnh rất khó khăn. Khi nhận được số vốn 1,9 triệu đồng, chị Tơ mua heo giống về nuôi. Ban đầu chỉ 1 -2 con, dần dà có vốn nhiều hơn, chị mở rộng qui mô nuôi lên 4 - 5 con, thu nhập mỗi năm cũng trên 10 triệu đồng, phần nào giúp chị trang trải cuộc sống và lo thuốc thang cho cha mẹ. Anh Nguyễn Phước Hải, Bí thư Xã đoàn Giai Xuân, cho biết: “Hiện toàn xã có 5/19 Chi đoàn có tổ hùn vốn xoay vòng, hỗ trợ nhiều ĐVTN phát triển kinh tế gia đình, trong đó có 34 nữ thanh niên”.

Song song đó, mỗi năm, Thành đoàn phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên tổ chức “Ngày hội việc làm” nhằm tư vấn, tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên. Trong mỗi đợt giải quyết được hơn 2.000 lao động và tư vấn cho hơn 10.000 thanh niên, trong đó nữ thanh niên chiếm gần 50%.

Quận đoàn Ninh Kiều là một trong những đơn vị triển khai khá đồng bộ công tác này đến các cơ sở Đoàn. Trong năm 2010, Quận đoàn đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nam Trường Sơn mở 5 lớp dạy nghề cho 150 ĐVTN, trong đó có 42 nữ. Như trường hợp Bùi Thị Trúc Duyên ở khu vực 5, phường An Bình, do nhà nghèo, đông anh em nên Duyên phải nghỉ học rất sớm. Duyên được Đoàn phường An Bình giới thiệu học sơ cấp nghề sửa chữa điện thoại miễn phí, mỗi ngày còn được hỗ trợ 10.000 đồng chi phí đi lại. Sau 3 tháng học tập, Duyên đã nhận được chứng chỉ sơ cấp nghề - chiếc chìa khóa giúp em vững vàng khi học lên trung cấp nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển biến đáng phấn khởi đó thì hiện nay vẫn còn không ít nữ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập nâng cao trình độ, không nghề nghiệp chuyên môn, phải đi làm thuê kiếm sống. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ nữ còn hạn chế, một số chị em thiếu ý chí phấn đấu, có tư tưởng an phận, không chịu khó học tập, rèn luyện nên chậm tiến bộ. Một số nơi vẫn còn những vấn đề bức xúc liên quan đến nữ thanh niên cần được xã hội, các đoàn thể tiếp tục quan tâm, tiếp sức như: tình trạng bạo lực gia đình; tình trạng nhiều nữ thanh niên lấy chồng nước ngoài để mong đổi đời... Bên cạnh đó, theo đồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, hiện nay, vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ cho nữ thanh niên tiến bộ; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Một phần do Hội đồng “Vì sự tiến bộ của nữ thanh niên” không có kinh phí hoạt động và vẫn đang trong giai đoạn củng cố, nên chưa có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ nữ thanh niên. Đồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi cho biết: “Sắp tới, Thành đoàn sẽ kiện toàn Hội đồng “Vì sự tiến bộ nữ thanh niên” các cấp, tích cực phối hợp với các ban ngành tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... để nữ thanh niên ngày càng phát huy năng lực của mình vào sự phát triển chung của đất nước”.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết