19/10/2010 - 09:01

Nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

* NGUYỄN THỊ THANH HÒA
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Là một lực lượng lao động xã hội đông đảo, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là yêu cầu khách quan của đất nước, vừa đòi hỏi sự vươn lên của bản thân phụ nữ Việt Nam.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Bước vào giai đoạn hội nhập, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy vai trò của mình, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Và từ đó, vị thế của người phụ nữ càng được khẳng định hơn bao giờ hết.

Từ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Sau gần 25 năm đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị và hội nhập kinh tế quốc tế... Với mục tiêu đến năm 2020 đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong sự nghiệp đó, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Đảng đã xác định: Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp; theo đó, “Mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện tốt nam nữ bình đẳng...”(1); “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”, phấn đấu “Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(2).

Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, hệ thống luật pháp, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện mà điển hình là sự ra đời của Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật này cùng với việc kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao vị thế của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Đến những thành tựu khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Xu thế đổi mới và hội nhập của đất nước chính là một trong những điều kiện quan trọng, là động lực giúp người phụ nữ vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng của mình thông qua việc tham gia ban hành các quyết định, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện xứng đáng trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong hơn 15 năm qua, Việt Nam luôn có Phó Chủ tịch nước là phụ nữ. Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu trong 3 nhiệm kỳ gần đây đều đạt trên 25%. Các cơ quan dân cử ở địa phương có tỷ lệ đại biểu nữ tăng từ nhiệm kỳ 1999 - 2004 đến nhiệm kỳ 2005 - 2011: tỷ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng từ 22,3% lên 23,8%; cấp huyện tăng từ 20,1% lên 23,2%; cấp xã tăng từ 16,6% lên 20,1%. Mặc dù so với yêu cầu thực tiễn, tỷ lệ này chưa cao nhưng phần nào đã chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc đảm nhận trọng trách trong cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Trong lĩnh vực kinh tế - lao động, với hơn 50% dân số, phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc, kể cả những lĩnh vực trước đây dường như chỉ dành cho nam giới. Với 50,2% tỷ trọng lao động trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đội ngũ cán bộ nữ khoa học, phụ nữ nông dân đã có đóng góp lớn vào thành tựu sản xuất, phát triển kinh tế. Sự đóng góp của đội ngũ lao động nữ trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ cũng là động lực để phát triển kinh tế; nhiều chị em đã phấn đấu vươn lên, giữ nhiều cương vị chủ chốt trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản. Cơ hội tiếp cận tín dụng của phụ nữ được cải thiện.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam đã có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng với 36,64% trong khoa học tự nhiên; 43,42% trong lĩnh vực khoa học nông - lâm - thủy sản; 33% trong khoa học công nghệ; 38,27% trong khoa học xã hội và nhân văn. Trong các cơ sở nghiên cứu, đã có 6,3% cán bộ phụ trách là nữ; 10% đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do phụ nữ làm chủ nhiệm. Nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học của họ đã làm lợi cho đất nước nhiều tỉ đồng. Ngày càng nhiều tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu được nhận giải thưởng VIFOTEC của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kô-va-lép-xkai-a... Nhiều nhà khoa học nữ đã lập ra các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ, trung tâm nghiên cứu, tư vấn để tiếp tục phát huy trí tuệ, tài năng của mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, trình độ học vấn của nữ giới ngày càng cao. Số nữ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tăng theo từng năm, nhiều học sinh, sinh viên nữ đỗ thủ khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Phụ nữ các vùng miền đã tích cực tham gia học tập bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ và luôn chăm lo đến việc học tập của con cái, góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong nền giáo dục nước nhà. Phụ nữ Việt Nam cũng là thành phần quan trọng góp phần hình thành nên diện mạo nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong xây dựng gia đình, phụ nữ Việt Nam tiếp tục có những đóng góp lớn: góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình, đảm đang gánh vác cả việc nước lẫn việc nhà, tiếp tục là lực lượng nòng cốt để bảo vệ tổ ấm gia đình trong thời kỳ kinh tế thị trường. Đáng chú ý là, chị em đã thể hiện vai trò rõ nét trong xây dựng gia đình theo chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình.

Tất cả những thành tựu này khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, góp phần khẳng định các giá trị của người phụ nữ hiện đại năng động, tự tin, ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và trong xã hội. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của phụ nữ Việt Nam trong việc hưởng ứng, thực hiện các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với phụ nữ, đưa vị thế xã hội của người phụ nữ lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phụ nữ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, cản trở như trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp; cơ hội có việc làm khó hơn so với nam giới; ở những vùng khó khăn, điều kiện sống và làm việc của phụ nữ chưa được bảo đảm; tâm lý tự ti vẫn còn ăn sâu trong một bộ phận phụ nữ vốn có thói quen sống an phận; tư tưởng định kiến giới trong xã hội, gia đình vẫn còn tồn tại dai dẳng, trở thành lực cản đối với sự tiến bộ của nữ giới. Đây cũng là lý do khiến một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho nữ giới phát huy vai trò, năng lực của mình.

Trong xu thế phát triển của đất nước, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã và đang tạo điều kiện cho người phụ nữ ngày càng phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình để cống hiến nhiều hơn và hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sát cánh cùng toàn dân thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Xu thế toàn cầu hóa và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đặt ra cơ hội cùng những thách thức mới đối với phụ nữ. Giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trong suốt quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, động viên các tầng lớp phụ nữ nỗ lực phấn đấu, trưởng thành; thông qua phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để phát huy phẩm chất tốt đẹp, khả năng sáng tạo, nâng cao vai trò phụ nữ trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điển hình là các phong trào: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ mọi mặt cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo đảm môi trường phát triển bền vững, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên được các cấp hội xác định là nhiệm vụ quan trọng để vận động các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vì sự phát triển chung của đất nước. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ như: giáo dục truyền thống và phẩm chất đạo đức cho phụ nữ; giáo dục ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức về giới, về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc... Trung ương Hội còn chỉ đạo các cấp hội tích cực tham gia công tác xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; vận động phụ nữ thực hiện phổ cập trung học cơ sở, trung học phổ thông. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo chị em, nhất là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phong trào học tập được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, giúp chị em nâng cao trình độ học vấn, kiến thức xã hội, phấn đấu đạt tiêu chí người phụ nữ mới “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”(3).

Là tổ chức đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trước những yêu cầu mới, Hội chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”... Các hoạt động của Hội đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của chúng ta trong thời gian qua, và Việt Nam đã được quốc tế đánh giá như một “điểm sáng” về thực hiện bình đẳng giới, nâng cao quyền con người, xóa đói, giảm nghèo.

Với nhận thức quyền năng kinh tế của phụ nữ là một chỉ số quan trọng đánh giá vị thế của phụ nữ, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng như: tổ chức các cuộc vận động phụ nữ giúp nhau, khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay, phối hợp để mở các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức khởi sự doanh nghiệp, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho phụ nữ có việc làm, thu nhập, tham gia tích cực trong hoạt động kinh tế đóng góp cho gia đình và xã hội, xây dựng đời sống, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Từ đó, phụ nữ được phát huy thêm quyền tham gia trao đổi, bàn bạc và ra quyết định về những vấn đề của cuộc sống, từng bước nâng vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, việc khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam càng được Hội Liên hiệp Phụ nữ xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của đất nước, tạo bình đẳng thực sự để chị em có cơ hội thể hiện, cống hiến năng lực của mình. Làm được điều này, không chỉ tạo điều kiện để chị em có thêm tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm.. “giữ lửa” cho mái ấm gia đình, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường củng cố sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, nâng cao hình ảnh và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Điều này đòi hỏi trước tiên ở sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước cũng như sự chung tay góp sức tạo điều kiện của toàn xã hội đối với chị em phụ nữ.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, luật pháp, chính sách về phụ nữ và công tác phụ nữ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và đưa vào cuộc sống, giúp chị em có cơ hội bình đẳng để phát huy vai trò và năng lực của mình trong gia đình và xã hội. Tạo các kênh, diễn đàn mở trên mạng in-tơ-nét để những người dân Việt Nam yêu nước ở khắp nơi trên thế giới, bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước; khuyến khích họ đóng góp ý kiến xây dựng nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trên trường quốc tế.

Thứ hai, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực xã hội cũng như trong gia đình, để từ đó góp phần thay đổi nhanh, mạnh hơn nữa những định kiến giới vốn đã, đang tồn tại trong không ít người.

Thứ ba, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tăng cường mối quan hệ phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài để huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho chị em, đặc biệt chú ý tới đối tượng phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, phụ nữ là người dân tộc... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ ở các vùng, miền. Đồng thời, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại, giúp chị em cập nhật thêm được nhiều tri thức mới, nhằm nâng cao kiến thức bản thân, đồng thời học hỏi được những cách làm việc hay, làm ăn tốt... để chủ động áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

(Theo Tạp chí Cộng sản)

-----------------------
 (1) Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị, Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới
(2) Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị, Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
(3) Nghị quyết số 11 đã dẫn

Chia sẻ bài viết