02/08/2017 - 21:33

Nâng cao vị thế con cá tra trên thị trường 

Theo nhận định từ các chuyên gia, nhu cầu đạm động vật phục vụ cho bữa ăn hằng ngày tiếp tục tăng trong những năm tới. Đây là điều kiện để ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng phát triển. Vấn đề là cách thức tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm cá tra phải được “làm lại” thậm chí “làm mới”. Có như vậy con cá tra Việt Nam mới thoát khỏi khủng hoảng, từ đó đứng vững và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.

Rơi vào khủng hoảng

Thu hoạch cá tra tại Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Cá tra được xem là một hiện tượng đặc biệt của ngành thủy sản Việt Nam và thế giới. Chỉ trong 12 năm (2001-2012), diện tích nuôi cá tra đã tăng gấp 5 lần (6.000ha). Sản lượng cá nguyên liệu tăng 36 lần (37.500 tấn vào năm 2001 lên 1,35 triệu tấn năm 2008). Sản lượng xuất khẩu tăng 40 lần, giá trị xuất khẩu tăng 45 lần (đạt mốc 1,806 tỉ USD vào năm 2011).

Hiện sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt tại 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, cá tra cũng là sản phẩm xuất khẩu có những biến động lớn và bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng từ năm 2008.

Tình trạng này là do xuất khẩu cá tra Việt Nam thiếu cơ chế kiểm soát sản lượng trong khi chất lượng cá giống cũng như cá thương phẩm suy giảm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, chia sẻ: “Một điều lạ là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh nhau về chất lượng để nâng cao giá trị gia tăng mà lại cạnh tranh nội bộ về giá bán. Sự cạnh tranh không lành mạnh này làm giá cá bán ra ngày càng thấp. Ngoài ra, con cá tra “xuất ngoại” chủ yếu qua thương lái trung gian, không có thương hiệu và sự đơn điệu của sản phẩm là những nguyên nhân khiến thị trường thu hẹp, giá trị xuất khẩu ngày càng giảm”.

Là một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực nhưng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra chỉ đạt dưới 1%, thấp nhất trong các nhóm thủy sản của Việt Nam. Đó là chưa kể nghề nuôi cá tra đang phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn và con giống làm hiệu quả của người nuôi và toàn chuỗi bị co hẹp.

Theo ông Jean-Charles Diener, Giám đốc Công ty TNHH OFCO SOURCING Việt Nam, một nhà nhập khẩu và phân phối cá tra tại châu Âu, xuất khẩu cá tra Việt Nam phát triển chủ yếu nhờ vào mở rộng thị trường mới chứ không chú trọng tăng cường hoạt động bán hàng.

“Nếu hoạt động bán hàng tốt, người tiêu dùng tại Mỹ hoặc EU hoàn toàn chấp nhận giá bán sản phẩm cá tra của Việt Nam 3-4 USD/kg thay vì 1-2 USD/kg như hiện nay. Không chỉ vậy, Việt Nam đang dần đánh mất thị trường cấp cao như Mỹ, EU, thay vào đó thị trường Trung Quốc lại đang trở nên quan trọng. Đáng lưu ý là thị trường Trung Quốc hiện nay cá tra bán được giá cao nhưng lại khó dự đoán và biến động khôn lường”- ông Jean-Charles Diener thông tin.

Thời gian tới, ngành hàng cá tra còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản như: quy định khắt khe về an toàn thực phẩm, các vụ kiện chống bán phá giá, tính minh bạch về chất lượng sản phẩm, chiến dịch truyền thông bôi nhọ…

Kiểm soát sản lượng, nâng cao chất lượng

Tìm giải pháp cho những nút thắt nói trên, nhiều ý kiến cho rằng phải đề ra nguyên tắc quản lý sản lượng cá tra không để phát triển nghề nuôi ồ ạt, tự phát như thời gian qua. Quản lý chất lượng sản phẩm cũng cần được quan tâm thông qua việc nuôi theo quy trình GAP, tiêu chuẩn ACS, BMP…

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Văn Hiến, quản lý chất lượng theo hướng an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm chính của người tiêu dùng và doanh nghiệp thủy sản.

Ở góc độ tích cực, mặc dù các rào cản kỹ thuật là thách thức nhưng cũng tạo cơ hội để ngành hàng cá tra nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành thương hiệu mạnh về chất lượng.

Theo ông Jean-Charles Diener, giá cá tra xuất khẩu ngày càng thấp là một trong những vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay.

“Một kinh nghiệm cần được rút ra là khi tiếp cận thị trường mới, sản phẩm của chúng ta tăng trưởng rất nhanh, nhưng sau đó thì chựng lại và đi xuống. Vấn đề không nằm ở chỗ con cá tra mà do chúng ta liên kết quá lỏng lẻo. Bởi thực tế thịt cá tra rất ngon, chế biến nhiều món ăn đem lại hương vị đặc biệt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Và nếu không có sự hợp tác tốt hơn giữa các nhà chế biến với nhau và với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình sẽ không được cải thiện”- ông Jean-Charles Diener nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà chế biến Việt Nam nên cải thiện chiến lược bán hàng. Các kế hoạch xuất khẩu cá tra thời gian tới cần tập trung xác định chiến lược cụ thể cho từng nhà xuất khẩu; đặt mục tiêu với một số thị trường; xây dựng và phát triển thương hiệu cá tra Việt Nam.

Có thể thấy rằng, từ khi tham gia vào thị trường xuất khẩu, con cá tra đã lập nên kỳ tích. Song, trong điều kiện các rào cản kỹ thuật, thương mại dựng lên dày đặc, yêu cầu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe buộc ngành cá tra phải chuyển mình thích ứng. Đặc biệt là hình thành chuỗi liên kết, các tổ chức đặc thù để ứng phó khi thị trường biến động.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đề xuất: “Chúng ta cần nhanh chóng thành lập Quỹ Phát triển xuất khẩu cá tra  để phục vụ việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trả chi phí cho các vụ kiện thương mại, đấu tranh với các rào cản phi thuế quan, hỗ trợ các hoạt động phát triển khoa học công nghệ ngành cá tra".

"Ngoài ra, các bộ ngành hữu quan thí điểm xây dựng đầu mối dịch vụ xuất khẩu cá tra. Đây là cách làm hữu hiệu không chỉ giảm đáng kể chi phí vận chuyển, dịch vụ mà còn loại trừ cạnh tranh nội bộ về giá, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng; làm giảm nguy cơ các vụ kiện chống bán phá giá và tạo cơ sở xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra Việt Nam”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết