20/05/2008 - 00:04

Nâng cao vai trò phản biện và trách nhiệm của Quốc hội

Mỗi lần diễn ra kỳ họp Quốc hội (QH) là mỗi lần cử tri cả nước gửi gắm nhiều kỳ vọng. Cử tri mong rằng những ý nguyện của họ sẽ được các vị đại biểu QH- đại diện cho dân- trình bày, đề đạt trước QH để cùng phân tích, bàn bạc và quyết định. Với chức năng là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mỗi quyết định của QH có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đối với đời sống của nhân dân. Bởi thế, trách nhiệm của QH, của từng đại biểu QH là hết sức nặng nề.

Về thể chế, mặc dù là cơ quan lập pháp. Nhưng trên thực tế, do hoàn cảnh và đặc thù của nước ta, đến nay, QH vẫn là cơ quan thẩm định, góp ý, cho ý kiến và quyết định thông qua các đạo luật. Trong khi đó, việc soạn thảo các văn bản pháp luật thì 100% do Bộ chuyên ngành của Chính phủ đảm nhiệm. Điều này khác với một số quốc gia - các nghị sĩ QH có quyền xây dựng một đạo luật nào đó, rồi trình lên QH để QH xem xét, biểu quyết. Với cách làm luật như của nước ta lâu nay, vai trò phản biện của QH nói chung, của từng đại biểu QH nói riêng, có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, một dự án luật được ban soạn thảo trình QH cho ý kiến, dù đã được xem xét, thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, nhưng với trách nhiệm của mình, QH cũng như từng đại biểu QH phải phản biện dưới góc độ khoa học- đối chất với Ban soạn thảo (Bộ chuyên ngành) xem vấn đề đó đưa ra sẽ có tác động về mặt kinh tế, xã hội như thế nào, tại sao lại đưa ra, có phù hợp hay không, căn cứ vào đâu để đưa ra...

Nhưng rất tiếc, do thời gian có hạn, lại phải xem xét nhiều đạo luật trong cùng một kỳ họp, nên việc bàn thảo, góp ý kiến cho từng đạo luật thường diễn ra trong thời gian khá nhanh. Có đại biểu góp ý câu chữ, có đại biểu góp ý từng phần... rồi ấn nút để biểu quyết thông qua. Từ trước đến nay, trong quá trình thảo luận, thông qua các dự án luật tại các kỳ họp QH, chúng ta ít thấy những cuộc đối chất, phản biện thực sự giữa các đại biểu QH với thành viên Ban soạn thảo luật.

Theo dõi các kỳ họp QH thời gian qua, nhiều cử tri nhận thấy QH còn làm việc theo phương thức từng đại biểu QH đăng ký phát biểu ý kiến đóng góp cho dự án luật; Đoàn thư ký kỳ họp ghi lại và sau đó là phát biểu tiếp thu của Ban soạn thảo và cuối cùng là thông qua. Chính do quy trình làm luật chưa thật sự khoa học nên hệ quả là nhiều đạo luật mà QH đã thông qua trong thời gian qua vẫn là luật khung, khó đi vào thực tế đời sống. Luật ra đời, có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa thể triển khai vì còn phải chờ... nghị định hướng dẫn!

Để nâng cao hiệu quả công tác lập pháp của QH trong bối cảnh chúng ta chưa cải tiến được quy trình làm luật (QH là cơ quan làm luật, Chính phủ là cơ quan tổ chức thực hiện), thiết nghĩ thời gian tới, QH nên đổi mới phương thức đóng góp, cho ý kiến và thông qua các dự án luật tại mỗi kỳ họp. Thay vì “cố gắng” xem xét thông qua nhiều đạo luật thì nên chăng, cần “chắt lọc” những đạo luật đưa ra xem xét, thông qua trong chương trình nghị sự tại mỗi kỳ họp. Và ở mỗi kỳ họp QH, khi đưa ra các dự án luật để QH xem xét, cho ý kiến phải thực sự là cuộc tranh luận, phản biện một cách sâu sát, khoa học, chi tiết và thấu đáo nhất... Nếu xét thấy Ban soạn thảo không đủ lý lẽ, dự án luật không đủ sức thuyết phục, thì QH- cũng như mỗi đại biểu QH- nên mạnh dạn chưa thông qua. Làm như thế, một đạo luật khi được ban hành sẽ rất sâu, rất chắc, hạn chế được tình trạng luật khung, chung chung khó áp dụng vào thực tiễn.

Vì trách nhiệm với nhân dân cả nước, đông đảo cử tri và nhiều đại biểu QH tâm huyết đề nghị: Tại mỗi kỳ họp QH, bản thân từng đại biểu phải hết sức động não, không nên chỉ ngồi nghe, góp ý kiến qua loa rồi... ấn nút thông qua!

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết