10/04/2018 - 22:07

Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp 

Thời gian qua, việc thu hút mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của TP Cần Thơ  gặp không ít khó khăn, nhất là các KCN ở khu vực Nam Cần Thơ. Một phần nguyên nhân là do chưa có sẵn đất sạch cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Thành phố đã quyết định thu hồi chủ trương đầu tư những phần diện tích triển khai chậm và quyết liệt yêu cầu các chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư.

Áp lực ngày một tăng

 Với tổng diện tích đất theo quy hoạch 134ha, KCN BMC - Hưng Phú 2A có 3 doanh nghiệp hình thành trước khi thành lập khu với tổng diện tích 38,4ha. Phần diện tích đất còn lại của KCN này là 95,8ha. Trong đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây lắp thương mại BMC đã thực hiện giải phóng mặt bằng được 35ha. Tuy nhiên, do chủ đầu tư đứng ra thỏa thuận với dân nên đất không liền thửa, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, áp lực lên chủ đầu tư hạ tầng ngày một tăng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC Cần Thơ, cho biết: Khó khăn hiện nay của chủ đầu tư là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng năm 2018 đã tăng lên khoảng 2,4 lần so với với giá tính toán năm 2009 (hiện tại khoảng 8-9 tỉ đồng/ha) làm cho tổng mức đầu tư tăng cao so với dự án đã  duyệt. Chi phí đầu tư cao dẫn đến giá thành cho thuê lại đất cao, khó hấp dẫn các nhà đầu tư vào KCN.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cùng các sở, ngành đi khảo sát tiến độ xây dựng thực tế của KCN Hưng Phú 1 (cụm B). 

Một KCN khác ở khu vực Nam Cần Thơ cũng trong tình trạng giải phóng mặt bằng không liền thửa dẫn đến tình trạng "da beo" là KCN Hưng Phú 1 (cụm B) do Công ty cổ phần Sài Gòn-Cần Thơ làm chủ đầu tư. Trước đây, KCN này có tổng diện tích quy hoạch 141ha. Do chủ đầu tư không đủ khả năng thực hiện dự án nên đến tháng 4-2017, UBND thành phố có văn bản thu hồi nhiệm vụ đầu tư của Công ty cổ phần Sài Gòn - Cần Thơ đối với khu đất có diện tích 75,8ha do công ty không đủ khả năng thực hiện dự án. Từ đó, diện tích khu đất tại KCN Hưng Phú 1 (cụm B) do công ty làm chủ đầu tư hiện còn 65ha (được phân thành 2 khu 21,6ha và 35ha). Diện tích san lấp mặt bằng toàn khu khoảng 29,2ha; diện tích đất sạch đã cho thuê 11,1ha. Theo ông Nguyễn Tri Hổ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ, phấn đấu đến 31-12-2018,  công ty sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng khu 35ha trên cơ sở từng bước tiếp xúc, vận động các hộ dân trong khu nhận tiền, giao đất. Ưu tiên các vị trí đất liền mảnh và các khu đã giải phóng mặt bằng để sớm ra được đất sạch, kêu gọi nhà đầu tư. Mặc dù đưa ra kế hoạch quyết liệt giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng trong năm 2018 và phân kỳ đầu tư đến năm 2020 nhưng theo đại diện Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ, chính sách đền bù thay đổi tăng liên tục làm giá thành đầu tư tăng dẫn đến tình hình thu hút đầu tư của công ty khó khăn hơn.

Kiên quyết với chủ đầu tư

Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư chậm trễ thời gian triển khai thì chi phí bồi thường sẽ ngày càng tăng lên. Theo ông Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Cái Răng, chủ đầu tư hạ tầng KCN phải tính toán phương án tài chính hợp lý và phải giải quyết nhanh chóng các trường hợp người dân đã bàn giao đất nhưng chưa được nền tái định cư. Đó là chưa kể nếu chủ đầu tư triển khai chậm, chắc chắn giá đền bù sẽ ngày càng tăng chứ không thể giảm. Qua tham gia khảo sát tại KCN BMC - Hưng Phú 2A và KCN Hưng Phú 1 (cụm B), ông Thiều Quang Thân, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Cần Thơ, cho biết: Cử tri quận Cái Răng đã nhiều lần kiến nghị về việc các KCN triển khai chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn. Vấn đề này cần được rà soát cụ thể để tham mưu UBND thành phố phương án xử lý cũng như phải có báo cáo trước kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 7 sắp tới.

Các chủ đầu tư KCN thường rơi vào vòng lẩn quẩn vì dự án kéo dài qua nhiều năm dẫn đến đội chi phí so với dự toán ban đầu; không giải phóng được mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng nhưng đất không liền thửa nên không thể đầu tư hạ tầng đồng bộ. Nhiều hộ dân vẫn bám trụ sản xuất nông nghiệp trên đất đã được quy hoạch làm khu công nghiệp để chờ được bồi thường thỏa đáng. Đó là chưa kể các chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc đầu tư khu tái định cư, chưa bàn giao nền tái định cư cho người dân trong vùng dự án để họ có thể di dời tới nơi ở mới và ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho rằng: Các chủ đầu tư hạ tầng làm theo cơ chế cũ là chờ đợi có nhà đầu tư vào rồi ứng tiền của nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, như vậy sẽ không hiệu quả. Do đó, chủ đầu tư cần nghiên cứu xác định phần diện tích nào có thể tiếp tục triển khai phải có kế hoạch cụ thể báo cáo về Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ và UBND thành phố. Phần nào không có khả năng thực hiện, thành phố sẽ xem xét thu hồi chủ trương đầu tư để chọn lựa nhà đầu tư  mới có đủ năng lực thực hiện. Thành phố cũng đang xem xét yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện việc ký quỹ nhằm nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ triển khai theo cam kết. Có như vậy các KCN của thành phố mới tạo được đột phá thay vì trì trệ như hiện tại dẫn đến tình trạng nhà đầu tư thứ cấp muốn vào lại không có sẵn đất sạch.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết