17/10/2011 - 21:15

Nâng cao tầm vóc người Việt
Cần phải bền bỉ mới thành công

Một buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ. Ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hơn 36 năm qua, tầm vóc và thể lực người Việt Nam có sự phát triển rõ rệt, tuy nhiên, vẫn chậm so với chuẩn quốc tế. Chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thua kém 10,7cm so với chuẩn.

Không những thua kém về chiều cao, sức bền, sức mạnh (cơ bắp) mà cân nặng của người Việt cũng thấp hơn so với chuẩn quốc tế khá nhiều. Đặc biệt là tuổi càng nhiều thì khoảng cách chênh lệch này (giữa chỉ số thực tế của Việt Nam với chỉ số chuẩn của quốc tế) càng lớn.

Để nhanh chóng nâng cao tầm vóc, sức khỏe, thể lực của người Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030. Nội dung đề án đưa ra 2 giải pháp là tiến hành đồng thời các hoạt động thể dục thể thao và chăm sóc dinh dưỡng học đường, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 chiều cao trung bình của nam đạt 167cm và 157cm đối với nữ.

Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đang được hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát là “Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh; đẩy mạnh giảm suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam đồng thời kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng”. Suy dinh dưỡng bao gồm các thể chậm phát triển trong bào thai dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi thấp), thể thấp còi (chiều cao theo tuổi thấp), thể gầy còm (cân nặng theo chiều cao thấp) và các biểu hiện thiếu vi chất dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng thể thấp còi biểu hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài ảnh hưởng tới chiều cao và là chỉ tiêu quan trọng nhất của chất lượng dinh dưỡng.

Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định trên thế giới hiện còn 36 nước có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao, trong đó có nước ta. Hiện nay, trên thế giới mỗi năm có hàng triệu bà mẹ và trẻ em tử vong do các nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng và có các biểu hiện kém phát triển về thể chất, tinh thần do bị suy dinh dưỡng từ khi nhỏ. Các bằng chứng khoa học đã cho thấy, những năm đầu tiên của cuộc đời (từ trong bụng mẹ đến 2 tuổi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng có thể để lại những hậu quả về thể chất và tinh thần không phục hồi được và kéo sang thế hệ sau. Suy dinh dưỡng không những ảnh hưởng trước mắt, trực tiếp đến sự phát triển của trẻ mà còn dẫn đến những hậu quả không thể sửa chữa được như tầm vóc người trưởng thành thấp bé, kết quả học tập kém, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng tới thu nhập quốc dân.

Để đạt được hiệu quả bảo vệ sức khỏe nêu trên thì bữa ăn cần hợp lý, nghĩa là phải đủ về số lượng và cân đối về chất lượng, đáp ứng nhu cầu cơ thể. Trong đó, các vitamin và khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng nhưng lại dễ bị thiếu trong khẩu phần dù nạn đói đã được giải quyết. Với những phát hiện của khoa học ngày nay, vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng là hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu chúng ta hiểu biết về chúng. Người ta gọi là “vi chất dinh dưỡng” vì cơ thể chỉ cần chúng với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nhiều tác hại đối với cơ thể. Trong số các vi chất cần thiết, vitamin A, sắt, iốt, và kẽm là những vitamin và khoáng chất rất dễ thiếu, cần được phòng chống sự thiếu hụt trong cộng đồng. Vi chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc, trí thông minh. Nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn và lại dễ bị thiếu trong chế độ ăn, do đó, để phòng ngừa thiếu vi chất thì nhất thiết phải giáo dục người dân: Đa dạng hóa bữa ăn là giải pháp trực tiếp và bền vững để giải quyết vấn đề thiếu vi chất; biết lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng; ăn đủ nhu cầu năng lượng; ăn đủ rau và trái cây tươi, chú ý rau xanh đậm và củ quả vàng đậm; dùng muối iốt trong ăn uống và chế biến thức ăn.

BS PHẠM VĂN CHÍNH (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết