31/05/2018 - 10:49

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới 

Ông Trương Văn Tư, Trưởng ấp và cũng là thành viên địa chỉ tin cậy cộng đồng ấp Thới Phong, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, bộc bạch: “Hơn 6 năm làm Trưởng ấp, năm nào, tôi cũng tham gia hòa giải khoảng 10 vụ việc, trong đó, nhiều vụ liên quan hôn nhân gia đình, bạo hành phụ nữ. Trong xóm ấp, thỉnh thoảng vẫn nghe chuyện vợ chồng xích mích, xô xát. Thế nhưng, hơn 2 năm nay, tình trạng này giảm hẳn và hầu như bạo lực gia đình không còn diễn ra”. 

Cán bộ ban, ngành, đoàn thể xã Thới Đông và các ấp thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền nội dung BĐG và phòng, chống BLG. Ảnh: Q.LAM

Nhà ông Tư là một trong 8 địa chỉ tin cậy cộng đồng của xã. Đây là một trong những mô hình thiết thực của xã Thới Đông để cụ thể hóa công tác tuyên truyền thực hiện mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” (gọi tắt là mô hình), do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố triển khai, xây dựng tại xã từ năm 2016. UBND xã còn ra mắt CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực giới (BLG)” điểm tại ấp Thới Xuyên; 8 tổ Phòng, chống bạo lực giới các ấp... Thành viên CLB, các tổ Phòng, chống BLG được cơ cấu gồm lãnh đạo UBND, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, Ban nhân dân ấp…

Theo báo cáo UBND xã, từ khi thành lập các địa chỉ tin cậy đến nay, chưa ghi nhận trường hợp bị bạo lực gia đình, bạo hành giới. Ông Trương Văn Tư cho biết: “Thông thường trong các cuộc họp ấp, đoàn thể, chúng tôi lồng ghép các nội dung tuyên truyền liên quan Luật Bình đẳng giới (BĐG), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) để người dân hiểu và thực hiện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, công khai các địa chỉ tin cậy để khuyến khích người dân mạnh dạn trình báo hoặc nhờ chính quyền, đoàn thể can thiệp nếu xảy ra BLG. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi cộng đồng dân cư trên địa bàn về giới và BĐG”.

Theo chị Nguyễn Thị Diễm, công chức Văn hóa - Xã hội, UBND xã Thới Đông, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng đội ngũ tuyên truyền viên, thành viên CLB, các địa chỉ tin cậy. Riêng năm 2018, Sở cấp kinh phí trang bị cơ sở vật chất: bảng tên, tủ thuốc, ghế bố, mùng, mền và chi phí cước điện thoại… để các địa chỉ này phát huy hiệu quả và phục vụ tốt các nạn nhân bị bạo lực, nếu có. Hiện UBND xã đang tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn địa chỉ tin cậy tại các ấp.

Hoạt động của mô hình còn có sự đồng hành tích cực của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương. Bà Nguyễn Thị Đắt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Thới Hòa, thành viên địa chỉ tin cậy ấp, chia sẻ: “Từ ngày nhà tôi là địa chỉ tin cậy, mỗi khi trong xóm có vợ chồng nào xích mích, bất hòa đều tìm đến để chia sẻ, nhờ tư vấn. Không chỉ tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để khuyên giải, hàn gắn, trong các cuộc sinh hoạt tổ, nhóm, tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các kiến thức BĐG, phòng, chống BLGĐ; chia sẻ “bí quyết” xây dựng hạnh phúc gia đình”. Hiện ấp Thới Hòa còn duy trì nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả, như: CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, CLB Phòng, chống BGĐ, CLB “Không sinh con thứ 3 trở lên”…

Theo ông Võ Thuận Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Đông, với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến ấp, đến nay, mô hình đạt kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Tình trạng BLGĐ, BLG hầu như không xảy ra, tỷ lệ ly hôn giảm rõ rệt. Song song đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo thuận lợi để phụ nữ tích cực tham gia học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực; góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. 

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết