01/12/2018 - 18:26

Nâng cao năng lực quản lý chuyên môn cho công chức đô thị 

Qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án 1961, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế và các địa phương trong cả nước tổ chức được hơn 230 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam. Đề án đã góp phần cho công tác quản lý vận hành, quản lý đô thị hiệu quả hơn.

Hiệu quả từ Đề án

Cả nước hiện có khoảng 850 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,5%. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới hình thành và phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cao, hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song, đô thị Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: việc xây dựng không phép, trái phép vẫn còn. Vấn đề công khai, công bố quy hoạch đã được duyệt theo quy định, nhưng nhiều nơi chưa thực hiện triệt để; cơ sở hạ tầng mở rộng dẫn đến xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, hình thù kỳ dị, không tương xứng với tuyến đường hiện đại và làm xấu diện mạo đô thị; chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý đô thị còn hạn chế…


TP Cần Thơ đang phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đô thị thông minh, trong đó cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ đô thị. Ảnh: ANH KHOA

Ngày 25-10-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” (Đề án 1961). Đề án với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước… Bộ Xây dựng giao cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) làm đầu mối triển khai thực hiện Đề án 1961. Giai đoạn 2010-2015, AMC đã phối hợp với với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng và các địa phương trong cả nước xây dựng chương trình tài liệu, tổ chức đào tạo được 130 lớp với 4.186 học viên.

Trong 5 năm thực hiện Đề án 1961 (2010-2015), các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế và các địa phương đánh giá cao tầm quan trọng và hiệu quả đề án này mang lại. Đề án đã đáp ứng kịp thời tính cấp thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải nắm vững hệ thống quy định pháp luật, yêu cầu quản lý xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Do vậy, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thực hiện Đề án 1961 đến năm 2020 nhằm đạt được mục tiêu 100% cán bộ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình của đề án.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phong phú

Theo AMC, đến nay, Học viện đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức được hơn 230 khóa đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho khoảng 10.000 lượt cán bộ công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp trên cả nước. Để đảm bảo các khóa đào tạo đạt hiệu quả cao, AMC mời các giảng viên là chuyên gia trong và ngoài nước có trình độ cao về lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị, tổ chức hình thức học theo phương pháp tích cực…

Mới đây, tại TP Cần Thơ, AMC đã mở Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo chương trình 2 thuộc Đề án 1961 (khóa 3 ngày), với hơn 30 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch cho chức danh này trên cả nước tham dự. Đồng thời, AMC mở thêm Lớp bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo chương trình 7 thuộc Đề án 1961 cho cán bộ là Trưởng, Phó Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và hạ tầng (và cán bộ quy hoạch cho chức danh này) thuộc quận, huyện của TP Cần Thơ. Các học viên được cập nhật kiến thức về quản lý quy hoạch đô thị; quản lý phát triển đô thị gắn với bảo tồn di sản; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn thành phố, thị xã; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý trật tự xây dựng đô thị; quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị; quản lý quy hoạch đô thị-nông thôn… Các chuyên gia còn đề cập đến những bài học thành công từ các đô thị tiên tiến, nghiên cứu tình huống về đô thị và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế là một trong những vấn đề xâu chuỗi, nội dung trọng tâm tại khóa học…

Tiến sĩ Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây dựng, cho rằng: Đô thị hóa mang lại nhiều yếu tố tích cực, phát triển kinh tế-xã hội và môi trường. Phát triển đô thị Việt Nam cũng liên quan đến nông thôn và không thể tách ra được, nông thôn hôm nay chính là đô thị của mai sau; hiện nay với hơn 800 đô thị đều xuất phát từ nông thôn trước đây. Về quản lý và phát triển đô thị cũng cần phải gắn với bảo tồn di sản, không để di sản biến thành thứ đồ cổ xa lạ với con người, phương châm di sản sống với cuộc sống hiện đại và bảo tồn để phát triển bền vững…

Còn theo Tiến sĩ Phạm Văn Bộ, giảng viên cao cấp của AMC, các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh đô thị là: chính quyền đô thị phải có cơ chế tốt cho các doanh nghiệp thành công; quan hệ đối tác trong phát triển kinh tế có sự kết hợp của chính quyền thành phố, các công ty, các tổ chức phát triển kiến thức và kỹ năng, người dân trong khu vực đô thị. Về xây dựng hình ảnh đô thị, bao gồm: cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bề dày văn hóa, cốt cách người dân; tổ chức các sự kiện lớn, xây dựng các công trình mang tính đột phá tạo nên dấu ấn; xây dựng thương hiệu (đưa thành phố có vị trí trên bản đồ, cơ chế phối hợp với các đối tác, hướng dẫn và giới thiệu về thành phố cho việc đầu tư…)…

Tiến sĩ Trần Hữu Hà, Giám đốc AMC cho biết: Thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 1961 sẽ thực hiện thêm gần 100 lớp, với 2 chương trình đạo tạo chính là: chương trình đào tạo, bồi dưỡng phổ cập theo đề cương đào tạo được phê duyệt điều chỉnh mới; chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo từng lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao năng lực quản lý xây dựng và đô thị cho chính quyền đô thị các cấp. Tháng 12-2018, Ban Chỉ đạo Đề án 1961 sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện đề án ở các địa phương, dự kiến tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2018 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2019-2020. Đề án đến năm 2020 kết thúc, giai đoạn sau đó Học viện sẽ triển khai và xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm đáp ứng được thực tiễn phát triển đô thị của các địa phương.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đề án 1961