30/12/2015 - 21:10

Nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế

5 năm qua, (2011-2015), kinh tế TP Cần Thơ tiếp tục phát triển và giữ vững tốc độ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp duy trì sự tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả. Để tạo bước đột phá thể hiện vai trò trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, giai đoạn 5 năm tới (2016-2020), thành phố huy động mọi nguồn lực thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và lợi thế… góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Hiệu quả của chặng đường 5 năm

5 năm qua (2011-2015) TP Cần Thơ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại đa chức năng, các siêu thị, hệ thống bán buôn... (Trong ảnh: Hoạt động mua bán hàng hóa tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim Cần Thơ). 

Tại hội nghị "Triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và kế hoạch kinh tế-xã hội dự toán ngân sách nhà nước TP Cần Thơ năm 2016", ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Trong 5 năm, 2011-2015, thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, sản xuất công nghiệp tập trung vào phát triển sản phẩm có giá trị và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của thành phố bình quân đạt 12,24%/năm. Toàn thành phố có 8 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, các khu công nghiệp trên địa bàn có 220 dự án còn hiệu lực, tăng 22 dự án so với năm 2011. Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng của thành phố tăng bình quân 9,7%/năm, đóng góp trên 34,9% trong cơ cấu GDP. Về lĩnh vực thương mại-dịch vụ, thành phố đã tổ chức chương trình kết nối, giữa doanh nghiệp thành phố với nhà phân phối siêu thị, trung tâm thương mại,chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. 5 năm qua đã có 30 bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Cần Thơ với các nhà phân phối ở các tỉnh, thành trong và ngoài vùng ĐBSCL được ký kết, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ. Ước tính giá trị sản xuất ngành dịch vụ của thành phố tăng bình quân 14,2%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước thực hiện 7.036 triệu USD, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 317.000 tỉ đồng, vượt 8,8% kế hoạch. Các loại hình dịch vụ tiếp tục phát triển, hệ thống dịch vụ vận tải phát triển cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Giai đoạn 2011 -2015, vận chuyển hàng hóa của thành phố tăng bình quân 3,34%/năm, vận chuyển hành khách tăng 4,15%/năm. Ngoài ra, các dịch vụ tài chính-ngân hàng phát triển mạnh, dịch vụ bưu chính, viễn thông, bảo hiểm… ngày càng nâng cao về chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố phát triển xứng tầm trung tâm dịch vụ của cả vùng.

Giai đoạn 2011-2015, thành phố đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng nông sản, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, thực hiện liên kết giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp gắn với thị trường; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,7%/năm. Hiện tại, diện tích trồng lúa của thành phố khoảng 224.000 ha/năm. Trong đó, giống lúa đặc sản chất lượng cao được sử dụng chiếm 80% trong tổng cơ cấu giống lúa. Đồng thời, thành phố còn đẩy mạnh phát triển vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Song song đó, thành phố còn tập trung nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch, áp dụng các quy trình tiêu chuẩn vào sản xuất đảm bảo đáp ứng thị trường. Tổng sản lượng thủy sản đạt bình quân khoảng 200.000 tấn/năm… góp phần đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao, có kim ngạch xuất khẩu lớn tại vùng ĐBSCL. Ngoài ra, thành phố còn tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến cuối năm 2015, các quận, huyện đều có đường ô tô đến trung tâm xã, phường, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%... góp phần cải thiện và nâng chất đời sống người dân nông thôn.

Theo nhận định của các ngành hữu quan, kết quả của chặng đường 5 năm qua (2011-2015), một phần nhờ thành phố tích cực triển khai đồng bộ thực hiện 3 khâu đột phá. Đó là hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển và ứng dựng khoa học, công nghệ đạt được một số kết quả khả quan; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị được nâng lên về chất lượng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển, sản xuất công nghiệp duy trì được sự tăng trưởng, thương mại-dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố…

Tạo đà bứt phá

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, để tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, giai đoạn 2016-2020, thành phố huy động mọi nguồn lực thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và lợi thế của thành phố. Trong đó, năm 2016, thành phố chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp có chất lượng, từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến. Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Định hướng đến năm 2020, thành phố phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân là 9%/năm; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển đa dạng ngành thương mại-dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới… Thành phố tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng đa dạng, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, hướng tới hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố thực hiện 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố 10 năm 2011-2020; tăng cường liên kết hợp tác phát triển kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL…

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Giai đoạn 2011-2015, các ngành, các lĩnh vực kinh tế-xã hội của thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, hoạt động xúc tiến đầu tư- thương mại chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư cho giáo dục, y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu; quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chưa chặt chẽ, công tác cải cách hành chính chưa đạt kế hoạch… Năm 2016, để tạo đà bứt phá hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016 và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế-xã hội năm 5 năm (2016-2020), các sở, ngành hữu quan và các địa phương sớm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và phân bổ các dự toán ngân sách được giao theo đúng kế hoạch. Trong đó, tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng thuế, thực hiện thu chi ngân sách đúng theo quy định… Ngoài ra, tăng cường huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Thường xuyên đôn đốc kiểm tra các công trình trọng điểm, quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai các dự án nâng cấp đô thị, chỉnh trang đô thị, nhất là đối với các dự án chống ngập, xử lý rác thải, chủ động phòng chống biến đổi khí hậu…trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các ngành hữu quan, các địa phương cần tăng cường giải pháp giải phóng mặt bằng đối với công trình trọng điểm, các dự án của Trung ương được đầu tư trên địa bàn thành phố. Đồng thời, quan tâm phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ phận một cửa, cải thiện môi trường đầu tư… nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn tới, góp phần khẳng định vai trò trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều:
Thương mại-dịch vụ là mũi nhọn đột phá phát triển

 

Giai đoạn 2016-2020, Ninh Kiều sẽ đẩy mạnh phát triển ngành thương mại- dịch vụ và xem đây là ngành mũi nhọn đột phá phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Ninh Kiều sẽ phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình, khai thác tiềm năng các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải... Quận sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại đa chức năng, các siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ, các khu phố chuyên doanh; phát triển hệ thống chợ truyền thống, như: chợ An Nghiệp, các chợ ở phường Hưng Lợi… tạo thành hệ thống liên kết các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, đủ sức cung ứng hàng hóa cho nhu cầu thị trường.

Ninh Kiều sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng phong cách văn minh trong hoạt động thương mại - dịch vụ, góp phần xây dựng Ninh Kiều thành đô thị văn minh hiện đại với các trung tâm thương mại lớn và hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền:
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái

 

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, giai đoạn 2016-2020, huyện Phong Điền tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái gắn với du lịch vườn và du lịch cộng đồng. Xác định ưu thế của đô thị sinh thái, Phong Điền sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch, phát triển và mở rộng các loại hình sinh thái, khuyến khích đầu tư phát triển, mở rộng các cơ sở du lịch. Đồng thời, phát huy thế mạnh tiềm năng, nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế và các loại nông sản khác.

Phong Điền sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tiếp tục đầu tư phát triển, quảng bá ngành du lịch và dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút các thành phần kinh tế, tạo nguồn đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp gắn du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt:
Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị

 

Phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế, 5 năm tới, 2016-2020, quận Thốt Nốt triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Quận sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư, từng bước phát triển khu thương mại – dịch vụ trung tâm tiến đến hình thành chuỗi phát triển đô thị - công nghiệp – kho vận logistics ven sông Hậu từ Thới Thuận đến Trung Kiên; tập trung phát triển chợ đầu mối lúa gạo theo hướng hình thành sàn giao dịch cho khu vực Nam Sông Hậu. Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kho vận, cảng khu công nghiệp Thốt Nốt…

Ngoài ra, Thốt Nốt còn khai thác thế mạnh vị trí trung chuyển giao thông thủy dọc theo tuyến Sông Hậu – Cái Sắn, Sông Hậu – Kênh Thốt Nốt, nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông nội thị ở các phường… góp phần thu hút đầu tư và cải thiện đời sống người dân. Phấn đấu đến năm 2020, Thốt Nốt sẽ hình thành hành lang phát triển kinh tế đô thị ven sông Hậu…

Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND Huyện Vĩnh Thạnh:
Tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung

 

Xác định ưu thế về kinh tế nông nghiệp, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, phổ biến mô hình canh tác tiến bộ áp dụng đồng bộ các biện pháp cải tạo đồng ruộng. Theo đó, huyện tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác theo quy mô hàng hóa tập trung, có hiệu quả; sản xuất lúa thơm đặc sản và lúa chất lượng cao, phát triển thủy sản, đẩy mạnh trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Thạnh có trên 95% diện tích thu hoạch bằng máy và trên 90% sản lượng sấy trong vụ lúa hè thu và thu đông. Nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh lúa kết hợp nuôi thủy sản, mô hình 2 lúa – 1 màu. Đồng thời, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thành các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

M.H

Chia sẻ bài viết